'Sáng xem mặt, chiều cưới' - bao giờ chấm dứt ?

'Sáng xem mặt, chiều cưới' - bao giờ chấm dứt ?
TP - Thời gian qua đã xảy ra khá nhiều vụ một đến vài người đàn ông nước ngoài nhưng đã tổ chức xem mặt cả trăm cô gái Việt Nam để chọn vợ. Công luận đã phản ánh nhiều, bức xúc nhiều nhưng tình trạng này vẫn chưa thể có dấu hiệu giảm.
'Sáng xem mặt, chiều cưới' - bao giờ chấm dứt ? ảnh 1
Kiểu môi giới hôn nhân kiểu “xem mặt” tập thể với hàng trăm cô gái tham gia đã bị phát hiện nhiều lần nhưng vẫn tái diễn liên tục - Ảnh: Hữu Vinh

Từ đầu năm 2006 đến giữa năm 2007, CA TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 10 vụ với 61 người đàn ông Hàn Quốc xem mặt 650 cô gái Việt. Sang năm 2008, chuyện buồn trên vẫn diễn ra và chưa có dấu hiệu giảm.

Điển hình là vụ 3 người Hàn Quốc xem mặt hơn 110 cô gái sáng 17/7 tại khách sạn Diệu Uyên đường số 5, phường 9, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh; vụ 7 người Hàn Quốc “xem mặt” hơn 160 cô gái Việt tại nhà 45/10 Cao Lỗ, phường 4, quận 8, ngày 3/11; và mới đây ngày 18/12 là vụ 10 người Hàn Quốc xem mặt 106 cô gái tại căn nhà cho thuê số 137/1A đường Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, số cô gái Việt sang làm dâu nước này vào năm 2006 là 10.000 người. Nhưng hiện nay, theo Ban Gia đình - Xã hội thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, con số đã gần gấp đôi, tức khoảng 20.000 người.

Tại hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ ba tại Hà Nội mới đây, giáo sư – tiến sĩ Ahn Kyong Hwan (Đại học Chosun, Hàn Quốc) nêu trong tham luận của mình là, hiện có khoảng 74.000 người Việt cư trú tại Hàn Quốc; trong đó 45.000 người là công nhân, hơn 2.000 du học sinh và khoảng 27.000 phụ nữ di trú. GS-TS Ahn Kyong Hwan nói, số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc và di trú đến nước này đang gia tăng nhanh thời gian gần đây.

Điều mà dư luận cũng như một số người dân quan tâm là vì sao các cô gái vẫn có thể bị lôi kéo vào các vụ xem mặt tập thể, vẫn tin vào những cuộc hôn nhân “sáng xem mặt chiều cưới”? Do thiếu thông tin, không được tuyên truyền về hôn nhân hay do nghèo khổ mà ước mơ lấy chồng ngoại để đổi đời?

Ngoài những nguyên nhân như thiếu thông tin và ước muốn đổi đời của một số cô gái nghèo thì theo trung tá Phan Chí Hùng, Đội trưởng Đội chống tệ nạn xã hội (Đội 5) thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) – CA TP Hồ Chí Minh, có một nguyên nhân khác nữa:

“Tất cả các đối tượng chủ chốt trong những đường dây tổ chức, môi giới hôn nhân bất hợp pháp bị phát hiện và bị triệt phá tại TP Hồ Chí Minh từ trước đến nay đều chỉ bị xử phạt hành chính, chưa có người nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự”!

Thiếu tá Trần Hữu Hiệp, Đội phó Đội 5, giải thích thêm: “Theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (cụ thể là Nghị định 150/2005/NĐ – CP) thì Cơ quan Công an chỉ được lập biên bản xử phạt hành chính từ 1 - 2 triệu đồng đối với những người có hành vi môi giới, dẫn dắt, tổ chức, tạo điều kiện cho người khác kết hôn với người nước ngoài trái với thuần phong mỹ tục hoặc trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự…”.

Thế xử phạt người nước ngoài trong các vụ xem mặt tập thể thì sao? Được biết, những người Hàn Quốc bị giữ trong các vụ “xem mặt” trái phép cũng chỉ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng (về hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh cư trú và đi lại).

Còn các cô gái được đưa đi “xem mặt” thì xử lý bằng cách giáo dục, đưa về quê theo chương trình 130 (phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em).

Có lẽ những chế tài chưa đủ mạnh này đã khiến thành viên các cán bộ, chiến sĩ Đội 5 thường xuyên gặp lại “người quen” tại các vụ môi giới hôn nhân tập thể.

Câu hỏi vẫn đặt ra  dù rất cũ là, với sự thiếu thông tin, thiếu tư vấn… và với chế tài quá nhẹ như hiện nay thì tình trạng tuyển vợ tập thể đến bao giờ mới đỡ nhức nhối?

GS - TS Ahn Kyong Hwan cho biết, ở Hàn Quốc các Cty môi giới hôn nhân quốc tế được xếp vào loại hình doanh nghiệp tự do. Chính phủ Hàn Quốc cũng chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc những sai phạm của các Cty này. Hiện tại Hàn Quốc đã có khoảng 830 Cty hoạt động lĩnh vực này.

Giữa năm 2008, Hàn Quốc ban hành một đạo luật nhằm ngăn chặn các trường hợp: Quảng cáo lộ liễu và gian dối xâm phạm đến nhân phẩm phụ nữ, đưa thông tin không chính xác về đối tượng kết hôn, các hành vi “xem mặt tập thể” phi pháp, nhận phí môi giới trung gian quá cao, từ chối hoàn trả chi phí khi đơn phương chấm dứt hợp đồng...

Tuy nhiên, làm thế nào để giúp đỡ người bị hại và xử phạt người gây hại thì chưa được quy định cụ thể.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG