Sáng tạo thời 4.0

Mai Quốc Huy (bên trái) hướng dẫn sử dụng chiếc “xe đạp thông minh” của mình. Ảnh: NGÔ TÙNG.
Mai Quốc Huy (bên trái) hướng dẫn sử dụng chiếc “xe đạp thông minh” của mình. Ảnh: NGÔ TÙNG.
TP - Tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIV năm 2018 vừa kết thúc ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Các sản phẩm của học sinh THCS đã khiến nhiều người phải thán phục bởi sự sáng tạo có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Xe đạp thông minh

Xuất hiện trong khu vực thi sản phẩm sáng tạo tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2018, chiếc xe đạp của Mai Quốc Huy (học sinh lớp 9/8 trường THCS Bàn Cờ, TPHCM) đã gây ấn tượng mạnh người xem bởi vẻ ngoài hầm hố cùng với thiết kế đậm chất công nghệ. Mai Quốc Huy đã rất tự tin khi giới thiệu về chiếc “xe đạp thông minh” mới toanh của cậu.  

Mai Quốc Huy cho biết, chiếc xe có tính năng tự động bật xi nhan khi xe nghiêng ứng với mỗi động tác rẽ trái hay rẽ phải của người cầm lái. Chiếc xe cũng tự động bật đèn khi trời tối không cần chủ nhân chiếc xe phải ghi nhớ cho thao tác này. Với thiết kế mạch cảm biến siêu âm giúp chủ xe có thể biết được phía sau đang có phương tiện tiến sát mình, để từ đó không dừng đột ngột và tránh được những va chạm không mong muốn. “Đi xe đạp cũng cần phải an toàn, nên nhất thiết cần có tín hiệu báo rẽ, đèn chiếu sáng như xe máy vậy. Đi xe đạp mà cứ đưa tay xin sang đường thì nguy hiểm quá, nên em nghiên cứu chế tạo để xe có thể tự động làm những việc này, giúp đi lại an toàn, tiện lợi hơn”, Quốc Huy chia sẻ.

Không chỉ thế, Huy còn ứng dụng khả năng định vị GPS vào chiếc xe đạp của mình. Nếu xe thoát khỏi tầm kiểm soát của chủ nhân thì thông tin vị trí theo thời gian thực sẽ được truyền lên web server và chuyển vị trí bản đồ đó đến tin nhắn điện thoại đã được kết nối trước đó. Nhờ vậy, người dùng có thể định vị và truy tìm chiếc xe dễ dàng hơn. Chiếc xe cũng dùng thẻ từ nhận dạng RFID để kích hoạt chức năng như xe đạp điện. Nguồn năng lượng vận hành khả năng này là nhờ vào bình ắc-qui được Huy lắp đặt hai bên yên sau. Còn nguồn điện dùng cho hoạt động của đèn xi-nhan, đèn trước, sau đều từ tấm tiếp thụ năng lượng mặt trời do Huy cài ở vị trí trước xe.

Ngoài ra, cậu học trò này còn thiết lập, trang bị cho chiếc xe này nhiều tính năng thông minh khác, như: Hệ thống RF giúp tìm được xe nhanh chóng trong không gian rộng lớn thông qua nút bấm remote và được báo bằng tín hiệu đèn + còi; màn hình LCD hiển thị tốc độ chạy xe cũng như đo đếm quãng đường đi được với độ chính xác tính bằng mét; hệ thống báo vượt tải trọng cho phép; bộ phận kiểm soát áp suất lốp...

Với chiếc “xe đạp thông minh” trên, Mai Quốc Huy đã chinh phục nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật từ cấp quận, cấp tỉnh, thành, và mới đây nhất là quán quân bảng D2 (thi sản phẩm sáng tạo dành cho học sinh cấp 2) tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIV - năm 2018. “Thời gian tới em sẽ nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến hơn để khắc phục một số điểm chưa ưng ý với mong muốn đem lại cho mọi người một chiếc xe đảm bảo giá thành hợp lý, bổ sung thêm tính năng và hoàn thiện về mặt thẩm mỹ”, Huy tiết lộ.

Rô-bốt “quản gia”

Đôi bạn Cao Thọ Hoàng Long (lớp 9A6) và Phạm Quỳnh Như (lớp 9A4), cùng học trường THCS Hắc Dịch(tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mang đến Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm nay sản phẩm sáng tạo có tên gọi “IBOT - Robot quản lý nhà ở” mang nhiều tính năng ứng dụng thực tế.

Bạn Quỳnh Như chia sẻ, chú rô-bốt này đảm bảo thay chủ nhân ngôi nhà thực hiện các tác vụ một cách thuận tiện, thông minh. Nhờ vào khả năng vận hành tự động được thiết lập sẵn, IBOT vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi người chủ không có mặt 24/24 trong căn hộ của mình. Khi lỡ có sự cố rò rỉ điện đài hoặc khí gas thì rô-bốt sẽ phát hiện và gửi tin nhắn SMS, gọi điện cảnh báo đến người dùng. Đặc biệt, rô-bốt cũng chụp ảnh hiện trường và gửi qua hộp thư điện tử người dùng để họ nắm bắt tình hình căn nhà của mình. Còn khi nhận diện được người nào có ý định “đột nhập” căn nhà, IBOT cũng sẽ gửi thông báo cho người dùng qua tin nhắn, cuộc gọi.

Bạn Hoàng Long cho hay, qua bộ điều khiển, IBOT cũng thực hiện các tác vụ tắt/mở đèn khi chủ nhân đi ra ngoài, nhờ vào kết nối internet. Ngoài ra, chủ nhân có thể chạm vào nút SOS trên thân chú rô-bốt này để phát đi tín hiệu cầu cứu trong những trường hợp, tình huống khẩn cấp.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, đôi bạn cho biết sẽ tiếp tục cải tiến IBOT thông minh hơn nữa nhằm đáp ứng tối ưu các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống ngày nay. “Chúng em sẽ nâng cấp để rô-bốt có thể xử lý hình ảnh và nhận diện khuôn mặt, từ đó nhận biết ai là chủ, ai là người lạ. Đồng thời cải tiến rô-bốt để nó hoàn toàn tự động tuần tra, giám sát các phạm vi trong căn nhà”,Quỳnh Như chia sẻ.

  

“Sản phẩm sáng tạo của các em thí sinh tham gia hội thi đã giải quyết nhiều vấn đề thực tế của cuộc sống. Mặc dù còn ở mức độ thử nghiệm nhưng nhiều sản phẩm đã hướng đến ứng dụng các xu thế công nghệ tiên tiến đang được quan tâm như: Ứng dụng nhận dạng giọng nói, trí tuệ nhân tạo, điều khiển thiết bị tương tác, kết nối hệ thống các cảm biến”.

TS. Ðào Ðình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.