Sáng nay Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19

Sáng nay Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19
TPO - Sáng 22/10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là người nhập cảnh từ Angola được cách ly ngay. Việt Nam hiện có 1.145 bệnh nhân.

Nam thanh niên 29 tuổi trở về từ Angola mắc COVID-19

Bệnh nhân 1145 (BN1145): nam, 29 tuổi, công dân Việt Nam, có địa chỉ tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. 

Ngày 20/10/2020, bệnh nhân từ Angola nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN8, được chuyển đến cách ly ngay tại Trung đoàn 833, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. 

Kết quả xét nghiệm ngày 21/10/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Tính đến 6h ngày 22/10: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Trị (07), Bắc Giang (06), Quảng Ngãi (05), Lạng Sơn (04), Đắk Lắk (03), Đồng Nai (02), Thái Bình (01), Hà Nam (01), Thanh Hóa (01) và Khánh Hòa (01). Đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương ghi nhận ca bệnh.

Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 50 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.

Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 65 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.

Tại TP.HCM đến nay, đã 82 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 13.652.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.046 bệnh nhân/1.141 bệnh nhân COVID-19.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 10 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 3 ca.

Số ca mắc COVID-19 ở Châu Âu tăng vọt

Trong 24h qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là là Ấn Độ (56.000 ca), Mỹ (55.334 ca), Anh (26.688 ca), Pháp (26.676 ca) và Brazil (23.955 ca); trong khi đó Mỹ (với 1.083 ca), Ấn Độ (703 ca), Mexico (555 ca), Brazil (với 514 ca) và Nga (với 317 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 8.576.284 ca nhiễm bệnh và 227.267 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với trên 7,7 triệu ca nhiễm và 116.653 ca tử vong, Brazil với trên 5,2 triệu ca nhiễm và 155.402 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực.

Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 41, 1 triệu trường hợp mắc, hơn 1, 13 triệu trường hợp tử vong do COVID-19 tại 217 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19. Tiếp theo là Ấn Độ. Ngày 20/10, Ấn Độ thông báo chính phủ đang làm việc khẩn trương để đảm bảo việc cung cấp vắc-xin cho toàn bộ người dân Ấn Độ sẽ diễn ra vào thời điểm thích hợp. Quốc gia đứng thứ ba thế giới về số trường hợp mắc là Brazil đã phê duyệt mua 46 triệu liều CoronaVac do Công ty Sinovac Biotech phát triển để đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia.

 Châu Âu đã trở thành tâm dịch mới của thế giới với số ca COVID-19 tăng bình quân 140.000 ca nhiễm mới/ngày trong tuần vừa qua. Số ca mới hằng ngày của Châu Âu hiện cao hơn tổng số ca mới của Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra lo ngại rằng cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và dự đoán sẽ có nhiều ca tử vong hơn trong thời gian tới. Các ca mắc mới được xác nhận tăng mức cao kỷ lục ở Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đức, Cộng hòa Séc, Italy và Ba Lan. Hầu hết phần còn lại của khu vực cũng đang chứng kiến những dấu hiệu nguy hiểm tương tự.

Khu vực Châu Á, đứng thứ 2 sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Iran đã kéo dài lệnh phong tỏa tại thủ đô Tehran sang tuần thứ 3 liên tiếp khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiếp theo là Iraq.

Tại khu vực ASEAN, Indonesia đã vượt qua Philippines trở thành là quốc gia dẫn đầu khu vực về tổng số trường hợp mắc và số bệnh nhân tử vong do đại dịch. Tiếp theo là Philippines hiện áp đặt các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh đến ngày 31/10. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực. Nước này đang có kế hoạch áp dụng xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 tại các lễ cưới và các hội nghị doanh nghiệp trong nỗ lực nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.