Đua tài, sáng tạo
Là tập thể điển hình của Lữ đoàn trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2016-2018), Tiểu đoàn 1 được xem như ngọn cờ đầu trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng các công trình chiến đấu tại những địa bàn chiến lược phía Bắc. Thiếu tá Lê Hồng Trường, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 cho biết, đơn vị nằm cách xa lữ đoàn bộ 150 km và đóng quân phân tán 3 nơi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn thường xuyên phải thi công các công trình trong điều kiện lao động nặng nhọc, môi trường độc hại, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, phần lớn thời gian chỉ có lều bạt dã chiến để chống chọi với mưa rừng, gió núi.
“Nhằm giảm thiểu vất vả, độc hại cho bộ đội, chúng tôi đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, từng bước cơ giới hóa trong thi công. Hai năm qua, tiểu đoàn đã thi công chuyển tiếp 3 công trình bảo đảm bí mật, an toàn, chất lượng và khởi công mới một công trình đúng kế hoạch”, thiếu tá Trường chia sẻ.
Trong số những nhà khoa học không chuyên ở Tiểu đoàn 1, đại úy Ngô Duy Đĩnh (SN 1987, Phó Tiểu đoàn trưởng kỹ thuật) được đồng đội nể phục về khả năng sáng tạo trong lĩnh vực chuyên môn. Anh nhiều lần được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và T.Ư Đoàn vinh danh, khen thưởng và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 5 năm liên tục (2013-2017).
Từng là học viên chuyên ngành Xe - Máy ở Trường Sĩ quan Công binh, đại úy Đĩnh đã khéo léo vận dụng những kiến thức chuyên ngành để nghiên cứu, sáng chế ra gần 10 thiết bị, dụng cụ hữu dụng như giá tháo lắp hộp số trên ô tô, xe - máy; vam tháo trục tay lái các loại xe - máy chuyên dụng trong quân đội; bộ cặp, mũ, cờ chỉ huy điều khiển huấn luyện chiến thuật ban đêm…
Nói về sáng kiến “Giá tháo lắp hộp số trên ô tô, xe - máy”, đại úy Đĩnh kể: “Mỗi khi cần tháo lắp hộp số để sửa chữa, thay thế, 3-4 anh em lính thợ phải “vật lộn” do vị trí thao tác khó khăn và phải dùng cả đòn khiêng bởi mỗi hộp số nặng từ 2-4 tạ. Tôi nảy ra ý tưởng cần có một bộ giá đỡ có bánh xe di chuyển và nâng hạ bằng thủy lực có điều khiển bổ trợ bằng hơi”.
Với ý tưởng đó, chỉ cần chi hơn 1 triệu đồng mua nguyên vật liệu và tận dụng những thiết bị cũ sẵn có, bộ giá đỡ đã giúp giảm 1/2 nhân công và 1/4 thời gian tháo lắp. Thiết bị này áp dụng được cho các loại xe hiện có trong đơn vị khi sửa chữa tại trạm hoặc trên các địa hình bằng phẳng khác.
Ngoài đại úy Đĩnh, ở Tiểu đoàn 1 còn có nhiều nhà khoa học áo lính trẻ tài năng như thượng úy Nguyễn Hữu Bình với sáng kiến “Mô hình học cụ huấn luyện ngụy trang”; trung úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Quốc Hiệp với sản phẩm “Máy làm nút mìn”; thiếu tá Nguyễn Xuân Toàn với sáng kiến “Thước đánh dấu lỗ khoan đường hầm”...
Tiết kiệm, hiệu quả
Đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng như huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rà phá bom mìn, phòng chống khủng bố, cứu hộ cứu nạn, Tiểu đoàn 2 của Lữ đoàn 229 cũng xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó, sáng tạo, phục vụ xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Một trong những tấm gương đó là thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thanh (Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 6). Anh là một trong 3 cá nhân của binh chủng được vinh danh tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX; một trong 6 đại biểu của Quân đội được tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc. Tại các hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện cấp binh chủng và toàn quân, thiếu tá Thanh luôn được ghi nhận với những sản phẩm hữu dụng do anh sáng chế. Hai sản phẩm nổi bật của anh là “Thước bắc cầu TMM-3M đa năng”, “Lắp đặt bình tích khí nén máy ép hơi FHOG30A”.
Trong quá trình tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn phải cơ động đi xa, địa hình phức tạp nên việc vận chuyển máy FHOG30A gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do dung tích bình khí nén nhỏ không có khả năng để vận hành đồng thời 3-4 máy khoan, đục khi cần thiết… Sau quá trình nghiên cứu để khắc phục những nhược điểm trên, thiếu tá Thanh đưa ra 2 giải pháp kỹ thuật quan trọng là lắp đặt máy trên một rơ-mooc 1 cầu có móc kéo liên kết với xe cơ sở khi di chuyển và lắp thêm một bình khí nén dung tích 0.24m3. Vậy là chỉ cần chưa tới 4 triệu đồng đầu tư cải tiến, sản phẩm đã phát huy hiệu quả trông thấy như tính cơ động cao, không phải chuyên chở, có thể đưa vào các ngõ hẻm đông dân cư, chung cư cao tầng khi có tình huống sập đổ công trình; có thể đồng thời cung cấp khí nén cho nhiều thiết bị như búa đục, búa khoan.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại tá Hoàng Minh Thuyên, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 229 khẳng định: “Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở lữ đoàn những năm qua đã phát triển có chiều sâu và đạt kết quả rất thiết thực. Chúng tôi luôn quan tâm động viên, tạo mọi điều kiện tốt nhất để mọi cán bộ, chiến sĩ, ĐVTN tham gia phong trào Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội cũng như các cuộc vận động, phong trào thi đua trong toàn quân. Những sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ ở lữ đoàn đã thực sự góp phần giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đặc biệt là giúp tiết kiệm công sức bộ đội, tăng độ an toàn, làm lợi cho đơn vị nhiều tỷ đồng”.
Giai đoạn 2009-2017, cán bộ, ĐVTN Lữ đoàn Công binh 229 có 91 sáng kiến, cải tiến thiết thực trên nhiều lĩnh vực công tác, trong đó có nhiều sản phẩm được chứng nhận ở cấp binh chủng, cấp toàn quân và đưa vào ứng dụng hiệu quả ở các đơn vị công binh chuyên trách. Trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, lữ đoàn duy trì thực hiện 19 mô hình hoạt động hiệu quả như “Chi đoàn huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm”; “Công trình là nhà, mục tiêu là tổ ấm”; “Ca máy thanh niên”; “Ngôi nhà 100 đồng”; “Chi đoàn, tổ, kíp tác nghiệp xây dựng công trình quốc phòng an toàn, chất lượng, hiệu quả”…