Hàng ngày, cứ sau bữa cơm trưa vợ chồng bà Nguyễn Thị Trang (ngụ xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) mang ba thau nhôm, sào, giỏ xách và một ít bao nilon vào rừng săn trứng kiến.
Mỗi ngày họ vượt hàng chục km để tìm các ổ kiến nằm trên những ngọn cây cao.
Thường vào tháng giêng, tháng hai hàng năm, các khu rừng ở Vân Canh, Phù Cát, Tây Sơn (Bình Định) và La Hai (Phú Yên) dày đặc tổ kiến trên các cây rừng. "Những tháng này có ngày khai thác được khoảng 6 đến 8 kg trứng kiến, thu nhập cả triệu đồng; những tháng khác chỉ bắt được chừng 3 kg", bà Mộc Thị Liễu có thâm niên hơn 20 năm hành nghề săn trứng kiến vàng, thổ lộ.
Để lấy được trứng kiến, các thợ săn chọn sào tre ngà chừng 8 m, vót nhọn một đầu, buộc chặt thau nhôm vào cây sào hứng trứng.
Sau nhiều lần cầm sào nhọn chọc vào tổ, trứng và kiến rơi vào thau nhôm. Đưa thau xuống mặt đất, bà Trang rải bột mì vào nhằm tạo độ trơn, kiến non không thể bò ra ngoài.
Suốt buổi chiều săn kiến ở rừng sâu, tối mịt họ mới trở về nhà dùng rây bột để tách rác, bột mì ra khỏi trứng và kiến non. "Đôi khi kiến rơi vào người, cắn sưng mắt gây sốt, đau nhức phải nhập viện", bà Liễu kể.
Trứng kiến được chia vào túi nilon nhỏ để sáng hôm sau các thợ săn kiến chở xuống TP Quy Nhơn bán cho những người nuôi chim cảnh, cá kiểng
Trứng và kiến non vàng ươm giống gạo rang, có giá khoảng 200.000 đồng một kg.
"Trứng kiến là loại thức ăn cao cấp cho chim, cá kiểng. Các cơ sở kinh doanh chim kiểng luôn thiếu mặt hàng này", chủ một cơ sở kinh doanh chim kiểng ở TP Quy Nhơn nói.