Nghệ sĩ Thành Lộc (bìa trái) tại buổi làm việc |
Hôm qua, Ban văn hóa xã hội HĐND TP. Hồ Chí Minh có buổi làm việc với Cty TNHH nghệ thuật Thái Dương về xã hội hóa sân khấu kịch.
Ông Lộc kể rằng, trong lần ông bị tai nạn gãy xương đang lúc tập năm 2005, khi còn đang nằm trên giường bệnh, ông đưa thẻ bảo hiểm của Cty mua ra để được giải quyết thì nhận được câu trả lời: “Không thể giải quyết cho ông vì bệnh viện chỉ thanh toán cho thẻ của những người làm cho Cty nhà nước”.
Nghe đến đây, các đại biểu ồ lên ngạc nhiên vì bất ngờ. Dĩ nhiên, cuối cùng thì ông cũng được thanh toán vì lý do ông là nghệ sĩ nổi tiếng, vì thế ông không cảm thấy vui mà lấy làm buồn.
Nhưng chuyện đáng lưu ý hơn cả lại là chuyện kịch bản. Theo ông thì báo chí thường xuyên phê phán sân khấu IDECAF là chạy theo thị trường mà không có những vở mang tính nghệ thuật cao.
Nhưng ông đơn cử vở “Vụ án vườn Lệ Chi” bị duyệt lên duyệt xuống, cắt xén tùm lum. Khi được công diễn rồi thì không sao, thậm chí đem ra ngoài Hà Nội dự liên hoan sân khấu kịch còn được giải cao.
Nhưng khi truyền hình đề nghị phát trực tiếp vở này thì bỗng dưng lại có công văn của một cơ quan quản lý văn hóa tại TP không cho phép với lý do: “Không đúng với lịch sử”, thế là thôi.
Hay mới nhất là kịch bản “Chuyện lạ thời gian”, khi ông đưa kịch bản lên hội đồng duyệt Sở VH-TT TPHCM thì không được duyệt. Ông chuyển sang cho NSND Lê Khanh ở Nhà hát Trung ương, dàn dựng xong và đem vào TP biểu diễn và chẳng ai nói gì cả.
Một ví dụ khác là có một kịch bản của một tác giả đưa, phải nói là rất tệ, cho nên ông từ chối ngay. Nhưng ông vẫn thử đưa lên hội đồng duyệt, thật bất ngờ là kịch bản này lại được duyệt.
Nghệ sĩ Thành Lộc bức xúc: “Thật sự là chúng tôi đều là những diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp, tốt nghiệp trường lớp đàng hoàng, và lăn lộn trong nghề mỗi ngày, vậy mà dường như chúng tôi vẫn phải bị “duyệt” thường xuyên, chúng tôi nghĩ có lẽ là do mọi thứ bắt đầu từ sự thiếu niềm tin, và nói thật, mình tự làm khó mình. Và càng khó hơn nữa khi chúng tôi lại là Cty tư nhân”.
NSƯT Thành Lộc cho rằng, lẽ ra một đơn vị tư nhân chấp hành chủ trương xã hội hóa một cách năng động và hiệu quả như Cty Thái Dương phải được khuyến khích, thì thay vì vậy lại bị coi là “con ghẻ” và đôi khi bị đối xử thiếu công bằng.
Ông Nguyễn Thành Luân – Trưởng Ban Văn hóa xã hội – HĐND TP nói: “Từ khi có chính sách chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không chỉ nghệ thuật mà các lĩnh vực khác đều lúng túng và gặp khó khăn cả, vì vậy theo ông thì cần phải cân nhắc ở từng bước đi, bước phát triển để từ từ giải quyết. Và HĐND sẽ là người đồng hành với các đơn vị như Thái Dương để cùng phát triển”.
Sau buổi làm việc, bà Thái Thanh – thành viên của HĐND và cũng là Phó giám đốc Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh bộc lộ thêm: Tất cả những gì anh Thành Lộc trình bày đều là sự thật, mà bà mới về Sở hai năm nay cũng đang giải quyết từ từ.
Tuy nhiên ngay bản thân bà cũng bị phản ứng của số đông trong cơ quan khi thấy bà ủng hộ Cty Thái Dương, họ cho là bà “theo” tư nhân (?).