Sân bay căng mình đón người Việt

Nhân viên tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài cung cấp suất ăn cho hành khách. Ảnh: Phan Công NIA
Nhân viên tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài cung cấp suất ăn cho hành khách. Ảnh: Phan Công NIA
TP - Mấy ngày qua lượng người từ nước ngoài về Việt Nam tăng, tuy nhiên việc thực hiện kiểm tra y tế, phân loại cách ly vẫn đảm bảo quy trình. Trong ngày 18/3, khách từ các vùng dịch trở về đa số là người Việt. Nhân viên cảng hàng không, lực lượng y tế, công an, hải quan… phải căng mình phục vụ. 

Ghi nhận của phóng viên tại ga quốc tế T2, sân bay Quốc tế Nội Bài sáng 18/3, lượng người tại đây thưa vắng hẳn so với thường lệ. Nhiều khách đến sân bay phải quay về do một số chuyến báo hủy. Tại sảnh đến, người nhà đến đón lác đác. Hành khách xuống sân bay đều được đưa đi kiểm tra y tế, thực hiện phân loại để cách ly. Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài nói, trong ngày 18/3, có 2.715 khách nhập cảnh (cả vùng dịch và vùng chưa xuất hiện dịch).

Sân bay căng mình đón người Việt ảnh 1 Người Việt từ vùng dịch vui mừng khi ngày 18/3 đã đặt chân được đến Sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Quy trình chặt chẽ

Trong thời gian khách chờ hoàn thành các thủ tục, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài bố trí phục vụ các suất ăn, uống miễn phí. Bởi vì, ngoài các thủ tục như thông lệ, hiện nay, hành khách xuông sân bay sẽ phải thực hiện thêm các khâu: Khai báo y tế (100% khách nhập cảnh), lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung (đối với khách đến từ vùng dịch).

Sau đó hành khách được hướng dẫn qua khu vực có máy đo thân nhiệt tự động để ra khu vực làm thủ tục nhập cảnh. Tại khu vực này, Công an cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài sẽ kiểm tra hộ chiếu. Hành khách không bay từ vùng dịch về nhưng nếu công an cửa khẩu phát hiện có đi qua vùng có dịch trước đó sẽ chuyển cho kiểm dịch y tế. Kiểm dịch y tế sẽ tiến hành cách ly tạm thời để lấy mẫu xét nghiệm và phối hợp với công an cửa khẩu và thông tin từ tờ khai y tế để quyết định việc cách ly.

Nếu khách thuộc diện cách ly sẽ tập trung tại một nơi riêng trước khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh để cơ quan chức năng đưa đi. Các trường hợp hành khách sốt khi qua kiểm tra máy đo thân nhiệt sẽ được khám, chẩn đoán lâm sàng và chuyển đến bệnh viện để cách ly.

Khách không thuộc diện cách ly sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh sẽ nhận hành lý ký gửi và kiểm tra hải quan trước khi ra khu vực công cộng và rời khỏi sân bay.

Theo thống kê ban đầu của Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, trong 3 ngày, từ 14/3 đến 16/3, sân bay có 1.280 hành khách đến từ vùng dịch (trong đó có 1.256 khách quốc tịch Việt Nam và 24 khách quốc tế) đã được chuyển đi cách ly tập trung. Trong ngày 18/3, dù chưa có thống kê chi tiết nhưng hầu hết khách trở về vùng dịch đều là người Việt có hộ chiếu Việt Nam vì Chính phủ đã ngừng cấp visa cho khách đến từ vùng dịch (Mỹ, châu Âu, ASEAN).   

Tại sân bay Nội Bài, chị M.T (định cư tại Đức) nói, ngày 17/3, chị xuất cảnh về Việt Nam để tránh dịch. Chị nói về Việt Nam, ngay lập tức có cảm giác an toàn vì nhân viên an ninh, y tế được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ. Theo chị M.T, Việt Nam đang phòng chống dịch tốt hơn châu Âu bởi ở các nước đó, nhân viên an ninh sân bay, tiếp viên của hãng bay không đeo khẩu trang, găng tay mà chỉ dùng nước rửa tay diệt khuẩn.

“Bạn bè trên mạng xã hội có nói rất nhiều hình ảnh người nhập cảnh về Việt Nam đông, rồi bình luận cảnh đợi chờ, con đói… Tôi cũng có con nhỏ, có mẹ già đi từ vùng dịch trở về và thấy rằng, từ công tác kiểm dịch y tế, an ninh hộ chiếu đều tốt. Đợi một vài tiếng không quan trọng; người Việt về đến quê hương được quan tâm chu đáo, ân cần đến hỏi ăn uống như vậy là quá vui, quá tốt rồi. Tôi là dân thường, tôi thấy môi trường làm việc của nhân viên ở đây rất vất vả, người dân đổ ở khắp nơi về thành ra là áp lực lớn. Các thủ tục nhập cảnh ở nước ta khá nhanh, bởi có nhiều chốt để hành khách qua cửa. Đội ngũ nhân viên nhiều, làm việc bài bản, nên thực hiện các thủ tục nhanh hơn nhiều nước khác”, chị M.T bày tỏ.

Mong khách không bức xúc

Những ngày qua, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các lực lượng liên ngành công an, y tế, nhân viên hàng không phải căng mình làm việc. Đại học Y Hà Nội huy động 100 sinh viên đang học y học dự phòng năm cuối hỗ trợ chống dịch tại sân bay Nội Bài.

Nhân viên Dương Quốc Việt thuộc Đội An ninh trật tự ga quốc tế, lưng vẫn đẫm mồ hôi, nói: Do mặc áo bảo hộ liên tục trong suốt 8 tiếng làm việc nên người ướt sũng. Đeo khẩu trang liên tục nên có thể thiếu ô xi, mặt bị tái. “Chưa khi nào anh em nỗ lực hết mình làm việc như hiện nay. Ngay ngày hôm qua, dự kiến chỉ đón 400 khách quốc tế, thực tế đã tiếp nhận trên 1.000 người về từ vùng dịch. Do khách dồn về đông, phát sinh nhiều khâu như phân loại khách, hành lý, phục vụ các suất ăn, giải quyết các trường hợp hành khách không hợp tác trong lúc chờ khai báo y tế nên nhân viên của Cảng phải cố gắng hết mình mới đáp ứng được”, anh Việt cho hay.

Theo anh Việt, nhiều khách do quá cảnh nhiều nơi, bay nối chuyến chờ lâu nên xảy ra bức xúc, không hợp tác khiến nhân viên thêm áp lực. “Chúng tôi chỉ mong muốn người dân nắm bắt và tuân thủ các quy định bắt buộc để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và đồng hành với chính phủ, nhân dân Việt Nam trong công tác phòng chống dịch. Khách không nên có thái độ, bức xúc hay bất hợp tác để mọi việc nhanh chóng được giải quyết”, anh Việt nói.

Chị Nguyễn Thu Hằng, Đội phó đội Phục vụ khách đến (Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài) nói, người dân về Việt Nam có lo lắng về việc thất lạc hành lý khi kiểm tra y tế, cách ly. “Đây đúng là nhiệm vụ rất khó khăn bởi hầu hết các chuyến phải cách ly hoặc cách ly một phần, việc tách hành lý rất mất thời gian. Ngoài thực hiện công việc chính là đảm bảo đón chuyến bay đúng giờ thì toàn bộ đội (đều là nữ) phải đưa hành lý đi soi, kiểm tra, phân loại… Mỗi chuyến bay phải cách ly tương ứng với số hành lý đội phải xử lý, rồi vận chuyển theo lối đi theo yêu cầu của cảng, rất vất vả mới bàn giao được hành lý cho khách ra xe”, chị Hằng nói.

Theo chị Hằng, để tăng tốc độ phục vụ, trước mỗi chuyến bay, đội phải thực hiện việc kiểm tra hệ thống, nắm được khách quá cảnh, khách từ vùng dịch về để phân loại trước. Ngoài việc ưu tiên hành lý cho những người phải đi cách ly, đội phải phối hợp với lực lượng của Cảng và hãng bay hỗ trợ thuê xe chờ hành lý về tận nơi cách ly (do xe quân sự không chở hết). “Có lần đưa khách về cách ly tại Sơn Tây, ở hai địa điểm khác nhau, do quá giờ, anh em phải liên lạc với rất nhiều nơi để được mở cửa cho vào. Có địa điểm cách ly phải băng qua rừng, lái xe không dám đi vì không có người dẫn, nhân viên đội phải bố trí nơi nghỉ ngơi đến hôm sau mới nhờ người dẫn vào”, chị Hằng kể.

Trong ngày 18/3, các sân bay ở Việt Nam đón hơn 1.095 hành khách từ châu Âu đến Việt Nam, trong đó có 999 người Việt hồi hương. Trong số người Việt về từ châu Âu có 325 người về từ Anh, Pháp và Đức.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.