Sài Gòn: Nơi những 'nạn nhân lịch sử' cất tiếng

Sài Gòn phần nào kể câu chuyện của mẹ nữ đạo diễn Caroline Guiela Nguyễn. Bà là người Việt di cư sang Pháp năm 1956. Ảnh: Joel Saget/AFP
Sài Gòn phần nào kể câu chuyện của mẹ nữ đạo diễn Caroline Guiela Nguyễn. Bà là người Việt di cư sang Pháp năm 1956. Ảnh: Joel Saget/AFP
TP - Sài Gòn là một vở kịch lớn không ở cảnh trí cầu kỳ hay diễn viên đông đảo, mà vì đề tài và thời gian tâm sức mà cả ê-kip bỏ ra để cô đúc được 3 tiếng rưỡi trên sân khấu. Được tạo nên bởi đạo diễn Caroline Guiela Nguyễn và dàn diễn viên Việt-Pháp, Sài Gòn gây tiếng vang lớn tại LH Sân khấu Avignon 2017, trước khi du hành thế giới và đến với khán giả TPHCM vừa qua.
Quán ăn thành cỗ máy thời gian
Khi nhắc đến mối quan hệ Việt-Pháp nhiều duyên nợ, những người làm phim/kịch hay lấy bối cảnh Hà Nội. Sài Gòn hẳn là một tác phẩm hiếm hoi lấy bối cảnh cùng tên trong một thời khắc nhạy cảm. Những người Pháp cuối cùng rời Việt Nam năm 1956 (hai năm sau hiệp định Geneve) thì chỉ có thể từ Sài Gòn - nơi cuối cùng trên dải đất hình chữ S mà họ có thể nấn ná.

“Những chuyến tìm hiểu tại TPHCM và quận 13 tại Paris đã giúp chúng tôi một lần nữa lắng nghe những câu chuyện, những lời nói, những ngôn ngữ mà tôi chưa từng biết đến… Với những chất liệu thu thập được, tôi đã viết nên một cuốn sách và phát cho các diễn viên vào buổi tập đầu tiên. Đó không phải là lời thoại của vở kịch, bởi chính các diễn viên đã giúp tôi hiểu ra ngôn ngữ cũng như cách nói của riêng họ”.
Nữ đạo diễn có mẹ là người Việt cho hay

Hiện thực tiếp theo mà Sài Gòn đề cập là thời điểm 1996 - khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ cho phép Việt kiều về nước. Bốn mươi năm đủ hết một đời người. Đằng sau những gạch đầu dòng lịch sử là biết bao số phận. Sài Gòn đã mở cho khán giả ngày nay cánh cửa để qua vài thời khắc lịch sử, thấy được những phận người. Và xem xong thấy lưu luyến những thân phận đó, chứng tỏ sự khắc họa vừa đủ sâu, đủ thấm.

Nhiều người Việt mở nhà hàng Việt ở nước ngoài không chỉ để mưu sinh mà còn là một cách để lưu giữ những ký ức quê nhà. “Người Việt tại Pháp dường như muốn khẳng định bản sắc Việt Nam hơi quá mức”, Alice Duchange - thiết kế sân khấu cho vở - nhận xét. “Tôi thấy nỗi nhớ quê hương được nuôi dưỡng trong một quán ăn như thế nào, người ta tái hiện ở đó một mảng Việt Nam ra sao. Đó là nơi khiến người ta có thể quên rằng mình đang ở Pháp, vậy mà nơi đó lại chẳng giống những quán ăn chúng tôi đã nhìn thấy tại Việt Nam chút nào”.

Xuất phát từ tinh thần ẩm thực hoài cố hương kể trên, Sài Gòn dùng duy nhất một phối cảnh sân khấu cho 3 thời điểm. Quán ăn của một phụ nữ Việt nhưng lại mang danh nữ hoàng Marie-Antoinette tại Sài Gòn năm 1956. Quán ăn đó được bê nguyên sang Paris và vẫn “chạy tốt” vào năm 1996. Cùng năm đó, nhân vật Hào về thăm cố hương vẫn tìm được quán xưa không có gì thay đổi giữa TPHCM.

Sài Gòn: Nơi những 'nạn nhân lịch sử' cất tiếng ảnh 1 Quán ăn Việt của “nữ hoàng bếp núc” Marie-Antoinette, nơi neo đậu của những thân phận xa xứ Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Việc lấy quán ăn làm bối cảnh là một lựa chọn thông minh. Hãy xem nhân vật Mai xa người yêu (chính là Hào sang Pháp năm 1956 và bặt vô âm tín) dù đau khổ tưởng như phát điên, đến quán kể lể, thậm chí mắng mỏ những người ở quán (cho rằng họ là những kẻ theo Pháp, không yêu nước) nhưng rồi cũng phải ăn ở đó. Anh lính Edouard không một xu dính túi, quân phục cũng mất đằng nào (chắc cởi bỏ vì sợ phát hiện) vẫn phải đến xin ghi nợ. Khi có chuyện vui, người ta đến quán tụ họp. Khi buồn, người ta lại đến để… đập phá. Hẳn quán ăn Việt kỳ lạ này là nơi diễn ra những cảnh kịch tính nhất trong đời các nhân vật.

Và theo một cách khéo léo nhất, Caroline cũng chính là một đầu bếp thành công với Sài Gòn - món ăn tinh tuyển được dọn ra để thực khách được thưởng thức trong xuýt xoa. Không phải vô cớ vở diễn được đón nhận ở khắp nơi mà nó đi qua: Đức, Séc, Trung Quốc, Ý, Hà Lan, Thụy Điển… Ngoài chất lượng nghệ thuật thì nơi nào mà chẳng có những người xa xứ, nhập cư… dễ đồng cảm với chuyện của Sài Gòn. 

Trong không gian đó, Marie-Antoinette và cô cháu gái Lam không chỉ là những người chủ quán mà chính là linh hồn của quán - chứng kiến và trong chừng mực sẻ chia mọi sự. Chính vì vậy sau 40 năm, họ vẫn thế, không già đi. Và khán giả cũng không quá ngạc nhiên về điều đó. Bối cảnh vừa tĩnh vừa động với một người dẫn chuyện (Lam) đó cho phép Sài Gòn đan xen, đồng hiện nhiều câu chuyện trong nhiều thời điểm.

Diễn viên cùng viết lời thoại
Những câu chuyện đó không phải do một người sáng tác. Trong hai năm 2015 và 2016, nhóm của Caroline đã tới TPHCM nhờ chương trình lưu trú Villa Saigon do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức. Chương trình tạo điều kiện cho các nghệ sĩ quốc tịch Pháp hoặc đang sinh sống ở Pháp thực hiện một dự án nghệ thuật có liên hệ đến đời sống văn hóa Việt Nam. Nhóm của Caroline chính là những người “mở hàng” cho chương trình này.

Cô ra đời một cuốn sách, cuốn sách này theo cô chỉ là chỉ dẫn về mặt cảm xúc, là tài liệu tham chiếu ban đầu để từ đó các diễn viên cùng ứng tác, viết nên lời thoại cho chính họ - việc mà đạo diễn cho rằng mình không thể nào làm tốt hơn. Nhất là với các diễn viên Việt kiều. Tham gia vở kịch này chẳng khác nào dịp để họ kể lại chuyện mình.

Đó là bà Trần Nghĩa Ánh (vai Marie-Antoinette) sinh năm 1944 tại Tây Ninh, đến Pháp năm 1968, từng mở nhà hàng Việt ở tỉnh Aisne hơn mười năm trước khi rẽ sang nghiệp diễn xuất.

Đó là ông Trần Nghĩa Hiệp (chồng bà Ánh ngoài đời và đóng vai Hào về già), nguyên kỹ sư tin học, sang Pháp năm 1964. Ông có vai trong cả 2 phim Đông Dương (đạo diễn: R. Warnier) và Điện Biên Phủ (P. Schoendoerffer). Đó là bà Nguyễn Thị Mỵ Châu sinh năm 1952 tại Sài Gòn, 17 tuổi đến Pháp. Năm 32 tuổi, quyết đi học làm diễn viên chuyên nghiệp. Bà tham gia nhiều phim, lập đoàn kịch riêng, sáng tác nhiều vở kịch chuyển thể từ chuyện cổ tích Việt Nam và từng điều hành một salon nghệ thuật… Trong Sài Gòn, vai Linh (thời điểm 1996) gây ấn tượng với một dáng dấp mảnh mai, lưng thẳng tưng - một góa phụ Việt kiều phong thái rất Tây giấu kín một nỗi lòng vẫn rất Việt. Bà và con trai ở riêng, không tài nào tìm được tiếng nói chung, và quan tâm tới nhau bằng cách gây thêm căng thẳng cho nhau.

Ở các tuyến truyện khác cũng thế. Bao giờ cũng kết thúc trong căng thẳng đến cao độ rồi chuyển sang tuyến khác. Đôi khi người xem cảm thấy các nhân vật cứ làm quá lên, nhưng nghĩ lại họ đang mang trong mình một nỗi bức bối không thể tự giải tỏa. Như Hào buộc phải theo người Pháp ra đi, bỏ lại người yêu và chỉ được về nước 40 năm sau đó. Cũng trong khoảng thời gian đó, bà Linh hẳn đã phải nhịn nhục rất nhiều bên người chồng thích nổ (có vẻ như mang trong mình triệu chứng bất ổn tâm lý thời hậu chiến) và người con trai cũng nhiều lời y như bố. Vì bà đâu có nơi nào để trốn chạy.

Người có thể trở về Việt Nam như ông Hào hoặc không muốn về như bà Linh rút cuộc đều khó tìm thấy yên ổn lúc xế chiều. Dường như cả cuộc đời của họ đã bị lịch sử cuốn phăng. Riêng nhân vật Cecile hơi đặc biệt. Trong khi ở Việt Nam, Mai đang đau khổ đến phát điên vì Hào, thì ở Pháp, Hào lại liên tục làm Cecile tổn thương trong khi cô thật lòng muốn giúp anh. Để cho kịch tính hơn hoặc muốn chuyển tải một dụ ngôn gì đó, đạo diễn để cho nhân vật này mắt ngày càng mờ đi trong sự vô tâm của Hào…

Câu chuyện khép lại trong không gian phi thời gian mà Marie-Antoinette đã tạo dựng được từ quán ăn kỳ lạ của mình. Bà cũng là một nạn nhân không tránh khỏi của lịch sử nhưng có vẻ biết cách chữa lành vết thương nhanh hơn cả. Có lẽ nhờ nghề nghiệp(?). Hãy xem ngay sau khi biết tin xấu về con trai mình, việc tiếp theo của bà là vào bếp, nấu nướng như không có gì xảy ra. Những món ăn của quê hương xứ sở nhiều khi cũng là liều thuốc cho kẻ tha hương…

MỚI - NÓNG
Về Quảng Ninh xem các 'bóng hồng' diện váy đá bóng
Về Quảng Ninh xem các 'bóng hồng' diện váy đá bóng
TPO - Hơn 500 đoàn viên, thanh niên của Quảng Ninh tham gia giao lưu các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên. Đây là hoạt động nằm trong Ngày hội văn hóa, thể thao thanh niên năm 2024, chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029.