> Thu hồi sách giáo dục in cờ Trung Quốc
GS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Phạm Thịnh |
Ngày 7-3, Tiền Phong Online đã có trao đổi GS Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh nội dung hai cuốn sách tham khảo này.
PV: Vừa qua, cuốn “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 của NXB Dân Trí in cờ của Trung Quốc nhận nhiều ý kiến phản đối của độc giả. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu đây là sách dịch thì không có vấn đề gì. Sách của Pháp có cờ Pháp, sách Mỹ cờ Mỹ, sách Trung Quốc cờ Trung Quốc là điều bình thường. Nhưng cuốn sách lại không ghi là sách dịch và tuyên bố là được soạn phù hợp với chương trình của Bộ GD&ĐT nên mới gây bức xúc trong dư luận.
Thú thực, tôi không hiểu vì sao hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giữa nhà xuất bản ở Trung Quốc với NXB Dân trí, như bà giám đốc NXB Dân trí giải thích, không cho thay đổi nội dung, tranh vẽ nhưng lại cho phép không đề tên tác giả, không cung cấp tên nhà xuất bản gốc.
Ngoài việc vẽ lá cờ Trung Quốc, trang sách mà các báo chụp còn mắc một lỗi chính tả khá to: Lẽ ra, phải viết là “kể chuyện” chứ không phải “kể truyện” như sách đã in.
Tôi e rằng NXB Dân trí cũng bất ngờ về những chuyện này, vì nhiều nhà xuất bản bây giờ chỉ biết cấp giấy phép cho đối tác liên kết rồi phó mặc họ làm thế nào thì làm. Sắp tới có thể có nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa. Nếu các nhà xuất bản cứ giữ cách làm này thì thật đáng ngại.
Vậy để xảy ra những sai sót như thế này có phải do việc xuất bản sách ở nước ta quá dễ dãi? Theo ông, những nhà quản lý cần làm gì?
Theo Luật Xuất bản, nước ta không có chế độ kiểm duyệt. Nhà xuất bản hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung sách của mình.
Tuy nhiên, đối với mảng sách tham khảo dành cho học sinh, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp quản lý thị trường sách tốt hơn.
Hiện nay, sách tham khảo trôi nổi, sách na ná nhau, thậm chí chép của nhau, sách có nội dung nặng hoặc sai sót quá nhiều. Nhiều trường, nhiều thầy cô còn yêu cầu học sinh mua và làm bài tập theo những sách này. Đưa sách tham khảo chưa được Bộ GD&ĐT thẩm định nội dung vào nhà trường không chỉ làm nặng thêm chương trình mà còn có hại, vì như thế không khác gì tiêm thuốc chưa được Bộ Y tế cho phép lưu hành vào cơ thể trẻ em.
Hiện nay, dư luận cũng đang quan tâm vấn đề giáo dục chủ quyền biển, đảo. Theo ông, đưa vấn đề này vào chương trình học từ lứa tuổi nào là phù hợp?
Hoàn toàn có thể giáo dục cho học sinh ý thức về độc lập, chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển, đảo ngay từ bé với những mức độ khác nhau tùy theo lứa tuổi. Ví dụ, từ bé các cháu đã được học những bài hát về cha mẹ, ông bà, quê hương, , về chú bộ đội, về Tổ quốc Việt Nam, về Bác Hồ. Đó là giáo dục cho các cháu tình yêu quê hương, đất nước. Lớn lên, theo chương trình, các cháu được học mỗi ngày mỗi sâu hơn về Tổ quốc của mình, về chủ quyền lãnh thổ, về cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Không có giới hạn là bắt đầu học từ lớp nào, nhưng cần giáo dục hợp với lứa tuổi.
Vậy thưa ông, chương trình giáo dục về ý thức biển đảo ở chương trình học phổ thông hiện nay đã làm tốt chưa, còn thiếu vấn đề nào mà chưa được đưa vào chương trình không?
Về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông thì chắc chắn môn Địa lý đã dạy rồi. Trong môn Tiếng Việt ở tiểu học cũng có một số đoạn văn, bài văn, bài thơ về biển và về Trường Sa.
Nhưng về lịch sử hình thành chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa thì dạy ở môn Lịch sử là đúng nhất. Theo như Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam – và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo bổ sung ngay nội dung này vào SGK Lịch sử. Trước mắt, có thể bằng bộ tài liệu kèm theo SGK, sau đó bổ sung chính thức vàoSGK.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hợp (Thực hiện)