Tránh lãng phí
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lí học - Giáo dục học (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), cho rằng, SGK là mặt hàng thiết yếu, cần tính toán chi phí và giá sách không mâu thuẫn với chính sách về mục tiêu, phổ cập giáo dục cũng như đảm bảo công bằng trong tiếp cận của tất cả học sinh.
Cần giảm giá SGK và có chính sách tái sử dụng, nhiều chuyên gia đề xuất. Ảnh: Quỳnh Anh |
Theo ông Tâm, ở hầu hết các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ, nơi SGK được phát miễn phí, sách có chất lượng cao và được tái sử dụng nhiều năm nhất có thể trong suốt chương trình học. Cũng có thị trường sách cũ, hệ thống cho thuê SGK. “Xã hội hóa SGK sẽ kéo theo việc tăng giá sách. Do đó, cần kéo dài tuổi thọ của sách là rất quan trọng để giảm chi phí hệ thống”, ông Tâm nói.
GS TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, chia sẻ, ở Nhật Bản, trang cuối cùng SGK luôn có dòng chữ nhắc nhở học sinh giữ gìn một cách cẩn thận để học sinh lứa sau sử dụng, tránh lãng phí. SGK của nhiều quốc gia khá ổn định, phải đến 9-10 năm mới bổ sung một ít nội dung mới. “Trong khi nước ta, từ năm 1945 đến nay đã thay SGK giáo dục phổ thông đến 5 lần, trong đó chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, SGK lại có nhiều “sạn” vẫn được đem vào sử dụng. Có đơn vị xuất bản năm trước xin thẩm định 4 bộ sách và đã được phê duyệt, năm sau lại bỗng dung “biến mất” 2 bộ. Phụ huynh vẫn kêu vì giá sách quá cao, thậm chí bán hàng nhỏ giọt khiến phụ huynh phải tất tả ngược xuôi mới tìm đủ bộ sách cho con học”, GS Dong nói.
Hướng tới quyền lợi của học sinh
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, sau 4 năm thực hiện chương trình GDPT 2018, chủ trương xã hội hóa SGK đã đem lại nhiều lợi ích. Đầu tiên phải kể đến là xoá bỏ thế độc quyền về biên soạn, xuất bản SGK. Cụ thể, từ 1 đơn vị cung ứng SGK đến nay toàn quốc đã có 7 nhà xuất bản tham gia tổ chức, biên soạn sách. Phụ huynh, học sinh, giáo viên có nhiều bộ sách để tham khảo, lựa chọn. Ngoài ra, khi biên soạn nhiều bộ sách đã thu hút được đông đảo nhà giáo, nhà khoa học có kinh nghiệm, trình độ cùng tham gia viết sách. SGK mới cũng được đánh giá có nội dung, hình thức phong phú, trình bày đẹp…
Về giá SGK mới cao, ông Thưởng cho biết, theo quy định về Luật Giá, giá SGK do doanh nghiệp tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính. Thời gian qua, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Tài chính rà soát phương án kê khai giá SGK, đề nghị các nhà xuất bản kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian. Qua các lần kê khai giá của các nhà xuất bản so với các lần công bố đầu tiên, các bộ sách đều đã giảm từ 3- 9%. Dù vậy, theo dư luận xã hội, giá SGK vẫn ở mức cao. Trên thực tế, giá SGK có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. SGK cũng là mặt hàng đặc biệt, tác động tới hơn 17 triệu học sinh sử dụng. Do đó, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Tài chính tham mưu với Chính phủ đề xuất bổ sung SGK vào danh mục do Nhà nước định giá.
“Bộ GD&ĐT cũng tham mưu với Nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản nhằm mục tiêu cao nhất là hướng đến quyền lợi học sinh”, ông Thưởng nói.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các hội đồng thẩm định thực hiện quy trình thẩm định một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn. Những sách có “sạn” đã được biên tập, chỉnh sửa, nên những năm sau, chất lượng sách được đánh giá tốt.
Về đề xuất trích 3.500 tỷ đồng tiền ngân sách mua SGK mới cho học sinh, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị đã xin ý kiến về phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua 50% hoặc 70% số lượng sách cho học sinh mượn sử dụng. Bộ GD&ĐT đang tiếp tục phối hợp các địa phương rà soát, đối chiếu số liệu đối tượng học sinh, mức kinh phí ngân sách của từng địa phương để xác định phương án hỗ trợ ngân sách cụ thể.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết: “Các SGK hiện nay không yêu cầu học sinh viết vẽ trực tiếp nên có thể dùng được nhiều lần, anh chị có thể chuyển lại cho các em sử dụng. Do đó, không thể nói sách chỉ dùng được một lần”.