Sắc phong 'Độc nhất vô nhị' của Hồ Chủ tịch

0:00 / 0:00
0:00
Bức sắc phong độc đáo của Hồ Chủ tịch .(Ảnh tư liệu )
Bức sắc phong độc đáo của Hồ Chủ tịch .(Ảnh tư liệu )
TP - Qua hàng thập kỷ, người dân xã Bính Xá (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) luôn gìn giữ, tự hào về bức “Sắc phong” của Bác Hồ dành cho thần Thành Hoàng đã trợ giúp đồng bào chiến thắng kẻ thù.

Từ thị trấn Đình Lập, ngược theo quốc lộ 31, đến trung tâm xã Bính Xá hơn 14 km, chúng tôi đến thôn Pò Háng.

Sắc phong 'Độc nhất vô nhị' của Hồ Chủ tịch ảnh 1

Đình Pò Háng xưa (ảnh tư liệu)

Pò Háng là tiếng Tày, Nùng địa phương. Pò nghĩa là vùng đồi, Háng là chợ, gọi là chợ trên một vùng đồi. Bản làng ngày nay có nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố, sạch đẹp trong bốn bề đồi núi ngút ngàn cây xanh bên dòng sông Kỳ Cùng chảy ngược. Chúng tôi tìm đến đình Pò Háng. Nơi đây, vào ngày mồng 3/3 âm lịch (tết Hàn thực) và ngày 14/4 là dân làng mở hội mừng chiến thắng trận đầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Di tích đình Pò Háng nằm trên quả đồi cao của thôn. Đình được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt, tường gạch chỉ, mái lợp ngói âm dương. Đình thờ Đinh Tiên Hoàng và là nơi hội tụ sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.

Bức “Sắc phong” hiếm có

Sắc phong 'Độc nhất vô nhị' của Hồ Chủ tịch ảnh 2

Thế hệ trẻ Bính Xá học tập truyền thống đánh giặc của cha, ông Ảnh: Duy Chiến

Ông Bế Văn Túc, sinh năm 1968, dân tộc Tày, hiện được giao việc hương khói, trông nom đình Pò Háng giới thiệu với chúng tôi: Sau cách mạng tháng tám năm 1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Tháng 1/1947, quân Pháp ồ ạt đánh chiếm đường số 4 (từ Quảng Ninh qua Lạng Sơn lên Cao Bằng). Cuối tháng 3/1947, huyện Đình Lập bị địch chiếm đóng ở những địa bàn quan trọng. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng kháng chiến của huyện Đình Lập đã thành lập khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc gồm các xã: Bính Xá, Kiên Mộc và Bắc Xa. Ngày 14/4/1947, thực dân Pháp huy động một tiểu đoàn cùng bọn tay sai, tiến công khu căn cứ Nà Thuộc. Do được chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tốt, thống nhất hành động, biểu thị bằng việc tổ chức hội thề, nên trong trận đầu, quân và dân địa phương đã chiến đấu vô cùng anh dũng, đánh lui tiểu đoàn Âu Phi, tiêu diệt hàng chục tên, trong đó có tên đội Pháp.

Sau đó, liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6/1947, quân Pháp điên cuồng huy động lực lượng mạnh cả máy bay và pháo binh yểm trợ mở 15 cuộc tiến công khu căn cứ Nà Thuộc, nhưng đã bị quân và dân ta đánh tan tác. Trong khi bộ đội, dân quân du kích chiến đấu ngoài mặt trận, ở đình làng, phụ nữ, thiếu niên thổi cơm tiếp tế, tải đạn, cứu thương.

“Trước khi xảy ra các trận đánh, tại đình Pò Háng, các cụ cao tuổi dựa vào uy linh của đình Thành Hoàng, làm lễ cầu nguyện, phất cờ gõ thanh la, động viên, cổ vũ bộ đội, du kích. Theo lời mách của Thành Hoàng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu kháng chiến Nà Thuộc nổi lửa, đốt rơm và cũng thật linh nghiệm, khi đó trời xuất hiện mây mù cùng các cơn gió thổi rất mạnh làm những đám khói khổng lồ bốc cao lên trời, hướng đến khu vực quân Pháp. Kẻ thù bị khói làm cay xè mắt, nhiều tên bị gió xô ngã. Đám địch khóc rống lên, bỏ chạy toán loạn”. Ông Bế Văn Túc kể.

Tin vui thắng trận của quân và dân khu căn cứ Nà Thuộc lan đi khắp các chiến trường Việt Bắc và cả nước. Đầu năm 1948, Bác Hồ cho mời lãnh đạo tỉnh Hải Ninh (khi đó huyện Đình Lập thuộc tỉnh Hải Ninh- tỉnh Quảng Ninh bây giờ) đến báo cáo. Khi biết chuyện cả Thành Hoàng cũng tham gia kháng chiến, Bác cười vui và nói: “Vậy phải khen thưởng cả Thành Hoàng làng”.

Nói rồi, Bác đã ký lệnh trao tặng quân và dân khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc Huân chương chiến công hạng Ba và cho may một bức trướng đặc biệt phong tặng đình Thành Hoàng Pò Háng. Đó là bức trướng vải đỏ thêu các dòng chữ bằng chỉ màu vàng. Chính giữa là dòng đại tự: “Kháng chiến hộ ủng” (Ủng hộ kháng chiến), viết bằng chữ Hán, bên dưới có phiên âm chữ quốc ngữ. Bên phải là dòng chữ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tam niên” (Năm thứ ba niên hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Bên trái là dòng chữ: “Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàng dự” (Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng).

Nối tiếp truyền thống

Ông Bế Văn Túc xúc động nói: “Đình Pò Háng trước kia là nhà trình tường lợp ngói máng, rộng lớn. Gần đình có cây đa to, tán xòe rộng tỏa ra 4 phía tạo bóng mát che cho cả trăm người ngồi dưới gốc. Năm 1995, đình được xây dựng lại thành nhà xây, diện tích khoảng 20m2. Gần đây, cấp ủy, chính quyền và nhân dân chung tay tu bổ để đình thêm vững chãi và lát lại sân sạch sẽ, thoáng mát với tổng diện tích gần 600m2.

“Nhiều đoàn nghiên cứu lịch sử, văn hóa đến đây tìm hiểu về chiến công của nhân dân Bính Xá và Thành Hoàng Pò Háng. Bức trướng gốc do Bác Hồ tặng bà con trong xã, hiện được lưu tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Còn bức trướng hiện nay chúng tôi đang giữ là bản sao”. Ông Túc cho biết thêm.

Mùa thu tháng Tám năm nay, trở về xã Bính Xá Anh hùng, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Tại khu vực trung tâm xã, trường học, trạm y tế đều được xây dựng khang trang. Nhiều nhà dân làm bằng gạch, lợp mái tôn chắc chắn, to đẹp.

Ông Đặng Đình Đức, Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã Bính Xá cho biết, địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn, có 14 thôn, bản, với 950 hộ, trên 3.800 nhân khẩu. Tổng diện tích tự nhiên của xã là hơn 143 km2, trong đó diện tích trồng lúa chỉ có hơn 200 ha, còn lại là đồi núi.

“Phát huy truyền thống là xã Anh hùng, Đảng bộ, quân dân các dân tộc Bính Xá tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vươn lên, chiến thắng “giặc đói nghèo”. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, thời gian qua, xã được đầu tư từ các chương trình, dự án trồng rừng như: Dự án Việt - Đức, 327, Dự án 661, đến nay nhiều khu rừng đã được phủ kín chủ yếu là cây thông, cây hồi đặc sản”. Ông Đức phấn khởi giới thiệu.

Theo báo cáo của xã, bình quân mỗi hộ dân trồng từ năm đến sáu ha rừng thông. Điển hình gia đình các ông Hoàng Văn Hạnh, Hoàng Văn Tàn, ở thôn Khẩu Nua trồng hơn 50 ha, mỗi năm cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng từ khai thác nhựa và gỗ thông...

“Tỉnh Lạng Sơn đang triển khai việc đề nghị tỉnh Quảng Ninh cho tiếp nhận hồ sơ, hiện vật liên quan đến bức sắc phong của Hồ Chủ tịch đối với đình Pò Háng và tiến hành đề nghị Thủ tướng chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia”.

Ông Nông Đức Kiên, giám đốc Bảo tàng Lạng Sơn

“Nhiều đoàn chuyên gia đến đây thừa nhận, cây thông rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Cây thông phát triển rất nhanh, một năm ngọn thông mọc dài hơn một mét. Đã có nhiều doanh nghiệp vào nghiên cứu, đầu tư cho các dự án trồng rừng. Đây là một hướng làm giàu bền vững của xã”. Ông Đức nói.

Bên cạnh đó, người dân Tày, Nùng, Dao nơi đây đã được chỉ dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống của bà con nay đã được cải thiện rõ rệt, hơn 99% số hộ có điện thắp sáng, nhà nào cũng có xe máy, có phương tiện nghe nhìn.

Với những chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (giai đoạn 1945-1954), Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, quân dân các dân tộc xã Bính Xá năm 2005.

Chúng tôi nhìn thấy những rặng lau trắng chạy dọc trên tuyến đường tuần tra biên giới Việt- Trung nối liền hai huyện Đình Lập- Lộc Bình của tỉnh Lạng Sơn trùng điệp, hùng vĩ. Làn khói lam chiều ấm no từ các nếp bếp nhà Pò Háng, Bính Xá lung linh, đẹp đẽ và bình yên!

MỚI - NÓNG