Sa ngã và hoàn lương

Sa ngã và hoàn lương
TP - Sa ngã, rơi vào vòng lao lý, có những lúc tưởng như đã đến đường cùng, nhưng họ đã gượng dậy, làm lại cuộc đời.
Sa ngã và hoàn lương ảnh 1
Hoàng Xuân Sơn và vợ con bên xưởng

Đang làm thợ mộc ở Nghệ An, Hoàng Xuân Sơn (sinh năm 1977) bỏ về quê cưới vợ, rồi quyết định chuyển nghề khi thấy chạy xe ôm kiếm khá hơn làm thợ. Vay ngân hàng 10 triệu đồng, vay họ hàng thêm bốn triệu, Sơn mua xe Wave Alpha chạy xe ôm.

Ra Móng Cái (Quảng Ninh) làm xe ôm năm 2004, được bạn bè kể về chuyện tiêu tiền giả, Sơn cũng đầu tư 55.000 đồng mua 15 tờ tiền giả mệnh giá 100.000 đồng rồi mang số tiền đó về quê. Thăm vợ và đứa con thơ mới lọt lòng, Sơn bàn với gia đình và quyết định bỏ chạy xe ôm vì thấy công việc này nguy hiểm.

Sơn theo bạn vào Bình Dương lập nghiệp bằng nghề thợ mộc, hành trang mang theo là chiếc xe máy và 1,5 triệu tiền giả. Hết tiền thật, Sơn mang tiền giả đến các cửa hàng nhỏ mua hàng trị giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng rồi lấy tiền thật người bán hàng trả lại.

Cứ như thế Sơn tiêu thụ đến đồng tiền giả thứ 12 thì bị phát hiện. “Hôm đó tôi vào cửa hàng mua bao thuốc lá. Cửa hàng ấy lại là của gia đình công an một xã thuộc huyện Bình Long (Bình Dương), ông ấy nghi ngờ tiền của tôi là giả, tôi lu loa lên rằng không có chuyện đó. Nhưng rồi mọi người vẫn bắt tôi đưa đến công an.

Tại trụ sở công an, tôi buộc phải kể mọi chuyện. Trong đầu tôi khi đó nghĩ đơn giản, chắc bị giam một vài ngày rồi sẽ ra. Nhưng sau một tháng không thấy được ra, đến tháng thứ hai tôi được tin họ đang điều tra, sẽ đưa ra xét xử và rồi nhận được cáo trạng mức phạt tù từ ba năm đến bảy năm.

Đọc xong cáo trạng tôi vừa sốc vừa sợ, tinh thần hoảng loạn. Đến lúc này tôi mới thấm, mới ân hận về việc làm sai trái của mình”- Sơn nhớ lại.

Ngày tòa xét xử, Sơn bị tuyên án ba năm tù giam. “Nhìn anh trai trong phòng xét xử, tôi muốn bật khóc. Chỉ kịp hỏi với mấy câu về tình hình vợ con ở nhà rồi theo cán bộ vào trại”.

Vẫn nghĩ án phạt như thế là cao so với tội của mình, Sơn viết đơn kháng án. Trong đơn Sơn viết: Hoàn cảnh tôi khó khăn, gia đình nghèo, vợ trẻ con thơ, nay tôi viết đơn xin tòa xem xét và giảm mức án phạt.

Đơn kháng án được chấp nhận, tòa án tỉnh Bình Dương xử lại, nhưng mức án của Hoàng Xuân Sơn không thay đổi. Từ lúc ấy, Sơn ra sức lao động, tuân thủ theo mọi quy định của trại.

Thấy Sơn nhanh nhẹn, lao động tốt, cán bộ tin tưởng giao làm trưởng buồng giam, có 50 phạm nhân. Sau một năm vào trại, Sơn được cán bộ giao nhiệm vụ chia cơm cho phạm nhân, đưa đồ thăm nuôi, đưa phạm nhân đi lao động.

Ở quê, vợ Sơn, chị Vũ Thị Hải biết tin chồng bị bắt mà không tin nổi đó là sự thật. Chị kể: “Ngày đó, tôi tưởng như không chịu đựng được. Tôi cũng không biết sẽ liên lạc thế nào với chồng khi nhà thì nghèo, nơi anh bị giam thì xa hơn 1.000 km, cháu mới sáu tháng tuổi”.

Hoàn lương

Sa ngã và hoàn lương ảnh 2

Hoàng Xuân Sơn đang hoàn thiện sản phẩm

Án ba năm nhưng sau hai năm cải tạo Hoàng Xuân Sơn được đặc xá. “Đó là dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9/2006. Bước chân ra khỏi cổng trại giam với 30.000 đồng trại cấp, tôi mừng khôn tả. Tôi gọi điện báo tin cho anh trai đang làm ở TP Hồ Chí Minh. Đó cũng là lần đầu tiên tôi liên lạc với gia đình sau hai năm bị giam”, Sơn kể.

Trao đổi với PV, chị Trương Thanh Thủy, Bí thư Tỉnh Đoàn Hưng Yên cho biết: Tỉnh Đoàn hàng năm vẫn thực hiện đưa vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội đến với thanh niên nông thôn lập nghiệp, nhưng có thể Hoàng Xuân Sơn chưa tiếp cận với  nguồn vốn này nên chưa biết để đề xuất.

“Chúng tôi sẽ tìm cách giúp Sơn giải quyết khó khăn về vốn lập nghiệp” - Chị Thủy nói.

Trở về nhà, cô con gái Diệu Linh không nhận ra bố nữa. Cô bé khóc thét mỗi lần anh tới gần. “Những ngày trong tù, tôi thấm thía và hiểu thế nào là giá trị của cuộc sống”, Sơn tâm sự. Anh quyết định làm lại cuộc đời.

Anh quay lại làm thợ mộc, làm việc chăm chỉ, mỗi tháng anh kiếm được 6- 7 triệu đồng. Cứ như thế, một năm sau anh trả hết nợ mua xe máy.

Bây giờ, khi tôi tìm gặp Hoàng Xuân Sơn tại thôn Hòa Lạc, anh đã là chủ xưởng mộc rộng 400 m2 sau ba năm mãn hạn tù. Chứng kiến cuộc trao đổi của anh với một lái buôn bàn ghế từ Nam Định thấy một Hoàng Xuân Sơn rất khác. Ở Lễ tuyên dương thanh niên hoàn lương, anh tỏ ra hiền lành ít nói, còn trong làm ăn là người tháo vát.

Anh Đỗ Hữu Công, khách hàng quen của Sơn từ Nam Định cho biết: “Tay nghề của Sơn tốt, hàng làm đẹp, khách đến đặt nhiều nhưng xưởng không làm kịp. Mỗi tháng tôi muốn mua của Sơn sáu bộ bàn ghế nhưng Sơn chỉ cung cấp được hai hoặc ba bộ vì không đủ người làm”.

Sơn có khoảng gần chục thợ, mỗi tháng làm ra tám bộ bàn ghế  bán cho nhiều khách hàng khác nhau (mỗi bộ trị giá 9 - 12 triệu đồng), trừ các chi phí anh lãi khoảng sáu - bảy triệu đồng.

Hàng làm ra vẫn không đủ bán, muốn làm nhiều hàng thì phải thuê nhiều thợ, phải mở rộng mô hình, nhưng để làm được điều đó cần số vốn khoảng 200 triệu đồng. Đó là một trở ngại lớn với anh. Mảnh đất mới mua rộng 400m2 trị giá 70 triệu đồng nhưng không có sổ đỏ, nên anh không thể vay mượn ngân hàng được.

Khi được hỏi: “Anh có tiếp cận đến kênh hỗ trợ vốn của Đoàn không”, anh lắc đầu bảo không biết phải bắt đầu như thế nào.

------------------------

Còn nữa

MỚI - NÓNG