Ngày nào cũng có bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm nhập viện da liễu. Ảnh: Thái Hà. |
Tắm trắng nhuốm bệnh
BS Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viên Da liễu Hà Nội cho biết, hôm qua, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân L.T.L (35 tuổi, Hà Nội) trong tình trạng mặt đỏ tấy, nổi nhiều mụn nước, ngứa ngáy khó chịu. Bệnh nhân L. cho biết, chuẩn bị cho đám cưới em trai nên chị đi mua phấn thoa má được giới thiệu là hàng xách tay từ nước ngoài về ở một cửa hàng mỹ phẩm trên phố Khâm Thiên (Hà Nội).
Bác sĩ Quang cho hay, hộp mỹ phẩm chị L. mua không rõ nguồn gốc nên không thể đảm bảo an toàn sức khỏe. Bệnh nhân L. được bác sĩ kê đơn cho thuốc điều trị và hẹn khám lại sau nửa tháng. Theo bác sĩ đây là lần đầu tiên, bệnh nhân L. bị dị ứng mỹ phẩm nhưng nó sẽ làm làn da của chị yếu đi nên sau này phải hết sức chú ý khi sử dụng mỹ phẩm, cần thử phản ứng ở phần da khác trên tay trước khi bôi lên mặt.
Trước đó, bệnh viện này cũng tiếp nhận bệnh nhân N.X.M bị bong tróc, bỏng rát phần da bụng, ngực. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị kích ứng da do đắp mỹ phẩm làm trắng da. Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, chị M. thường đi đến thẩm mỹ viện tắm trắng, tẩy tế bào da chết toàn thân với giá trọn gói 10 triệu đồng.
Sau khi được nhân viên thẩm mỹ viện bôi thuốc lên toàn thân chừng một giờ, chị M. thấy cơ thể bắt đầu nóng ran. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng cho hay, đó là sản phẩm “đang thẩm thấu chứ không có gì nguy hiểm”. Nhưng chỉ một lúc sau không chịu nổi tình trạng bỏng rát, chị M. yêu cầu được tắm rửa để thoát khỏi cảm giác đáng sợ đó. Mặc dù đã được tắm bằng sữa dưỡng da dành cho người hay bị kích ứng da nhưng cơ thể chị M. vẫn đau rát phải đến bệnh viện khám và điều trị.
Bác sĩ cho hay, đây không phải trường hợp bị dị ứng ngoài da do thuốc vì khi dị ứng, cơ thể sẽ cảnh báo với biểu hiện đỏ theo mảng da, hoặc toàn thân nhưng nhẹ, không bỏng rát, không có mụn rộp kèm theo ngứa và thường dị ứng sau 1-2 ngày sử dụng mỹ phẩm. Da của bệnh nhân M. phản ứng ngay sau khi đắp mỹ phẩm một giờ, tức là da đã bị kích ứng tại chỗ tức thì.
Thận trọng với làn da
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mới đây khoa điều trị cho bé trai H.Q.V (6 tuổi ở Nam Định) bị hội chứng hoại tử da nhiễm độc do dị ứng (hội chứng Stevens Johnson) sau khi dùng phấn trang điểm. Trước đó, trong buổi biểu diễn văn nghệ tại trường học, bé V. được cô giáo trang điểm.
Khi về nhà trên da bé xuất hiện những nốt mẩn đỏ, nổi bọng nước, ngứa ngáy khắp người. Bệnh viện tỉnh Nam Định đã chuyển bé lên bệnh viện Bạch Mai vì bệnh tiến triển nặng.
Bác sĩ Dũng cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tổn thương lan rộng khắp toàn thân, kèm bọng nước, lở loét niêm mạc môi miệng gây nhiễm trùng... Một số trường hợp bị hội chứng Stevens Johnson bệnh cảnh rất nặng nề, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải và gây nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh- Bệnh viện Da liễu Quốc gia khuyến cáo, trước khi dùng mỹ phẩm người dùng cần đọc kỹ xem sản phẩm đó còn hạn dùng hay không. Đặc biệt nên quan tâm đến xuất xứ, tem đảm bảo. Tốt nhất nên mua sản phẩm có nhãn hiệu đáng tin cậy để nhận được bảo hành của chính hãng. Không nên sử dụng những hộp mỹ phẩm cũ, đã đổi màu, hoặc có mùi lạ dù có thể mỹ phẩm chưa hết hạn sử dụng.
Những thành phần có thể gây dị ứng trong mỹ phẩm là: Hương liệu tạo mùi thơm, phẩm màu, tá dược, chất làm mềm da, chất giữ ẩm, chất bảo quản... Ở trường hợp bệnh nhân dị ứng, sớm là 5-6 giờ và muộn là trên 10 giờ kể từ khi sử dụng mỹ phẩm, biểu hiện dị ứng đầu tiên xuất hiện.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quang, không chỉ mỹ phẩm dưỡng da, son môi mà ngay thuốc nhuộm tóc cũng phải thử trước khi sử dụng. Cách thử là bôi một chút mỹ phẩm định sử dụng vào vùng da, thông thường là da dưới cánh tay và để từ 6-10 giờ, thời điểm tối đa tình trạng dị ứng mỹ phẩm có thể xảy ra. |