Rừng trắc độc nhất Tây Nguyên trước nguy cơ xóa sổ

Bãi gỗ trắc do lâm tặc cưa trộm tại Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy
Bãi gỗ trắc do lâm tặc cưa trộm tại Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy
TP - Rừng đặc dụng Đắk Uy (xã Đắk Ma, huyện Đắk Hà, Kon Tum) dùng để nghiên cứu khoa học, bảo tồn nhiều nguồn gene gỗ trắc đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì nạn săn lùng gỗ quý.
Bãi gỗ trắc do lâm tặc cưa trộm tại Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy
Bãi gỗ trắc do lâm tặc cưa trộm tại Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy.

Không phải nằm tách biệt với khu dân cư như nhiều cánh rừng nguyên sinh khác, rừng đặc dụng Đắk Uy nằm sát QL 14 đoạn chạy qua xã Đăk Ma. Với diện tích khoảng 659 ha, trong đó có đến 30% là gỗ trắc (gỗ nhóm 1 - thuộc loại quý hiếm), rừng này lưu giữ nhiều nguồn gene vào loại tốt nhất cả nước. Từ nhiều tháng nay, nạn lâm tặc phá rừng đã tạo nên vấn đề “nóng” tại địa phương.

Gần dân, xa rừng

Chúng tôi đến Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy, tại đây, hai nhân viên bảo vệ rừng đang bận rộn với việc lấy lời khai, lập biên bản một đối tượng cưa trộm gỗ trắc vừa bị bắt buổi trưa.

Anh Nông Thanh Bảo, kiểm lâm viên thuộc Trạm bảo vệ rừng số 1 cho biết: “Người mới bị lập biên bản là một người dân tại địa phương. Chính vì gần rừng nên rất nhiều người dân và lâm tặc chuyên nghiệp lẻn vào đây chặt gỗ”. Theo chân anh Bảo, men theo con đường trải nhựa từ cổng vào khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng Đắk Uy, chúng tôi có dịp được tiếp cận lõi khu rừng. Xen các loại cây trong rừng, nổi trội nhất vẫn là cây trắc.

“Đường dân sinh nằm xuyên trong rừng đặc dụng nên việc phá rừng diễn ra rất khó kiểm soát. Đặc biệt, lâm tặc ở đây rất liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị vây bắt. Thậm chí, họ còn tìm cách để trả thù. Đầu tháng 4-2010, lợi dụng lúc trời tối, khoảng 20 lâm tặc mang gậy gộc, đá, mã tấu vào tận trạm bảo vệ rừng số 1 tấn công nhân viên bảo vệ rừng để cướp đi 1 xe cải tiến và một số gỗ mà chúng tôi vừa thu giữ lúc chiều. Lúc đó, chúng tôi chỉ có 2 người, phải dùng súng bắn chỉ thiên thì chúng mới rút lui”, anh Bảo cho biết.

Từ QL 14, theo một hướng khác trên con đường được lát gạch, chúng tôi đi vào sâu trong rừng. Ở đoạn cách bìa rừng vài chục mét, thấy một cây trắc bị đốn hạ. Đường kính trung bình các cây gỗ trắc xấu số này khoảng 30 - 60cm, tuổi không dưới 30 năm. Cạnh các cây gỗ bị đốn hạ là hàng chục cây rừng khác bị đổ ngã theo do lâm tặc tàn phá.

Được biết, những cây gỗ này được lâm tặc cưa thành khúc nhỏ rồi dùng xe cải tiến đưa ra khỏi rừng mà không để lại tiếng động hay dấu vết gì. Hầu hết lâm tặc sống ở xã Đắk Mar, Đắk Hring, thị trấn Đắk Hà và một số địa phương lân cận.

Cây trắc bị lâm tặc cưa tận gốc trong rừng
Cây trắc bị lâm tặc cưa tận gốc trong rừng.

Khó trăm bề

Ông Nguyễn Văn Định, Phó Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy cho biết: “Từ đầu năm đến nay Ban Quản lý đã bắt được 74 vụ, thu được trên 30m3 gỗ, chủ yếu là gỗ trắc. Do bốn mặt của rừng đều giáp với khu dân cư và các nông trường cao su, cà phê, mặt khác, địa hình bằng phẳng và có đường dân sinh trong và khu du lịch sinh thái trong rừng nên không biết đâu là lâm tặc để ngăn chặn và chuyện mất rừng vẫn thường xuyên xảy ra”.

Nhiều kiểm lâm viên vẫn than thở, “nhất cử nhất động” của Ban quản lý đều bị bọn lâm tặc quan sát, còn người bảo vệ rừng thì bó tay vì không biết khi nào chúng ra tay. Lực lượng bảo vệ rừng chỉ có khoảng 20 người trong khi diện tích quản lý rộng, lại gần khu dân cư.

Mặt khác, lâm tặc lợi dụng lúc mưa to gió lớn, dùng cưa tay để cưa gỗ nên việc phát hiện, truy bắt gặp rất nhiều khó khăn. Giá gỗ trắc lại tăng liên tục, các đối tượng thu mua tận dụng cả gốc rễ gỗ trắc nên công tác bảo vệ rừng càng khó. Hiện nay hầu hết rừng Tây Nguyên đã hết gỗ trắc nên rừng đặc dụng Đắk Uy là địa chỉ vàng để lâm tặc nhòm ngó.

Ông Định cho biết, khó khăn nhất là khâu xử lý. Bởi Ban quản lý rừng chỉ có chức năng bảo vệ rừng; được phép bắt, lập biên bản và giam giữ đối tượng có thời hạn, sau đó chuyển lên Hạt Kiểm lâm huyện xử lý. Mặt khác, để khởi tố hành vi phá rừng thì khối lượng gỗ thu được phải từ 5m3 trở lên nên đa số các đối tượng chỉ bị xử lý hành chính. Có khi đối tượng khai thác nhiều lần nhưng khi bắt được tại hiện trường đối tượng khai nhận một lần nên không thể phạt nặng hơn. Đấy là chưa kể có cán bộ QLBV rừng thoái hóa tiếp tay cho lâm tặc.

Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà cho biết: Trước đây huyện đã đầu tư nhiều cho việc xây dựng nhiều đường giao thông đi lại trong rừng để thuận tiện cho công tác bảo vệ rừng đặc dụng Đắk Uy. Việc quản lý, bảo vệ rừng ở đây rất phức tạp, định trồng tre rào quanh, để ngăn chặn nạn phá rừng nhưng vẫn không “ăn thua”.

MỚI - NÓNG