Rưng rưng bữa cơm trò nghèo

Bữa cơm “chay” của học sinh vùng biên
Bữa cơm “chay” của học sinh vùng biên
TP - Thức ăn chỉ có mì tôm, rau luộc, cơm bữa đói nhiều hơn bữa no thậm chí phải xin thôi học vì gia cảnh quá khó khăn, là nguy cơ khiến nhiều học trò nghèo ở huyện vùng biên Ea Súp (Đắk Lắk) phải cắt ngang con đường học vấn.

Cá thịt là thứ xa xỉ

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp mở nhiều lớp vừa dạy nghề, vừa tiếp tục dạy bổ túc cho 55 học sinh vừa học xong lớp 9. Thấy nhiều em nhà cách trường tới 20km, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng - Giám đốc Trung tâm đã thu xếp một số phòng cho 30 em ở lại. Trong đó, có 25 em gia cảnh quá túng thiếu, nhà có sổ hộ nghèo. Cô Phượng đã quyên góp trong giáo viên được 3,2 triệu đồng để hỗ trợ thêm tiền ăn cho các em đang có ý định bỏ học, chỉ đủ đến hết tháng 11/2018.

Nhìn những bữa cơm “chay” trường kỳ của trò nghèo, cô đành phải viết “tâm thư” đăng lên Facebook kêu gọi mạnh thường quân tiếp sức, đồng thời nhắn tin đến báo Tiền Phong mong được giúp đỡ. Được Trưởng ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên phân công về tận nơi tìm hiểu thực tế, tôi đã về huyện cách TP Buôn Ma Thuột hơn 70 cây số, đến thăm nơi các em trò nghèo nội trú.

 Húp sạch tô mì tôm, em Hoàng Tính Hộ (nhà ở đội 10, xã Cư K’bang) thú thật: Sáng em nhịn đói đi học, tới nửa buổi thì bụng đã sôi réo cồn cào. Tới trưa em cũng chỉ có 1 gói mì tôm để chống đói, qua bữa. Suốt 3 tháng lên đây trọ học, em chưa biết mùi cá thịt. Chỉ khi về nhà lấy gạo, mẹ mới làm cho một con gà để bồi bổ.

Rưng rưng bữa cơm trò nghèo ảnh 1 Lữ Thị Xuân rưng rưng nước mắt khi nói ý định bỏ học. ảnh: Huỳnh Thủy
Phòng em Hộ ở có 5 bạn, đều thuộc diện hộ nghèo đến từ các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ea Súp như Ia Jlơi, Ia Lốp, Cư K’bang… Mỗi tháng, mỗi em được gia đình cấp cho một túi gạo nhỏ và 200-300 nghìn đồng, nên chỉ đủ mua rau, mì tôm, mắm muối. Còn cá, thịt là thứ xa xỉ, không mơ thấy ở bếp ăn này.

Tôi ghé phòng nữ sinh, thực đơn có phần khá hơn với nồi cơm trắng, su su xào và tô canh nhỏ. Hoàng Thị Thiên (17 tuổi) tâm sự: Em chịu khổ quen rồi, ăn gì cũng được miễn có đủ sức khỏe theo học. Bố em bị bệnh thiếu máu nặng, chi phí điều trị rất tốn kém. Học xong lớp 9, em từng nghỉ học, ở nhà làm rẫy, làm thuê phụ giúp gia đình. Hai năm sau, em mới có cơ hội quay lại trường.

Thầy cô góp gạo nuôi trò

Sau nhiều ngày nhịn đói lên lớp, em Phàng A Niên (thôn 14, xã Cư K’bang) đành lấy lý do về nhà phụ giúp gia đình để xin rút học bạ. Đôi mắt đỏ hoe trên gương mặt xanh xao của em khiến cô Phượng xót lòng. Niên kể: Tháng 10 vừa rồi, Niên về nhà xin tiền học nhưng cha mẹ vét hết chỉ còn đúng 100 nghìn. Cầm tiền bố đưa, Niên cảm nhận được sự bất lực, nỗi đau của bố nên chọn cách bỏ học để “giải thoát” cho bản thân và cho gia đình.

Đang tìm cách giúp đỡ cậu học trò nghèo, cô Phượng nhận thêm tin nữ sinh Lữ Thị Xuân (học lớp 10, dân tộc Thái, nhà ở thôn 6, xã Ia Jlơi) cũng muốn bỏ học. Cô cùng Bí thư Đoàn trường, một giáo viên chủ nhiệm cùng lái xe máy đèo 1 học trò rành đường, chạy 60km từ sáng tới chiều vào từng nhà học sinh, tận mắt chứng kiến gia cảnh các em quá khó khăn.

Trong 25 trò nghèo, nhà Xuân nghèo nhất. Bố mất sớm, mẹ bỏ đi biền biệt, 3 chị em Xuân ở với ông bà nội già yếu, kiếm sống bằng nghề chăn bò thuê. Xuân là chị cả, buổi đi học, buổi còn lại lo cơm nước, chăm em và phụ giúp ông bà. Tốt nghiệp THCS, Xuân xin học ở Trung tâm để kết hợp học chữ và nghề. Nhưng mới học 3 tháng, Xuân đã tính bỏ học vì ông bà không lo được tiền nuôi các em. “Em rất muốn đi học, muốn đời mình thoát khỏi cảnh nghèo khó, túng quẫn như bố mẹ, ông bà em hiện giờ, nhưng…”, Xuân nghẹn ngào.

Cô Hồng Phượng lo lắng kể: Buổi sáng các em học chữ, buổi chiều học nghề nên rất khó nhận việc làm thêm. Trung tâm đã tạo điều kiện cho học sinh trồng rau, cải thiện bữa ăn. Nhiều học sinh rất ngoan hiền, học tốt như em Xuân, em Hộ đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học vì cạn nguồn chu cấp, rất cần những tấm lòng vàng kịp thời giúp đỡ.

Rưng rưng bữa cơm trò nghèo ảnh 2 Dẫu đạm bạc, các nữ sinh vẫn ăn rất ngon lành
Những tấm lòng vàng

Nhận được lá thư cô Phượng viết ngày 1/11/2018 gửi báo Tiền Phong, xin giúp đỡ nhiều học trò nghèo của Trung tâm đang có nguy cơ bỏ học vì cạn nguồn nuôi dưỡng, nhà báo Hoàng Thiên Nga - Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong đã tìm hiểu cặn kẽ. Qua đó, chị hướng dẫn cô Phượng dự trù kinh phí mở trại nuôi gà, và lập bảng tính hỗ trợ tiền ăn cho 25 học sinh lớp 10 nội trú hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ tháng 12 đến cuối năm học.

Ngày 11/11, báo Tiền Phong đã chuyển cho Trung tâm 5.050.000 đồng để làm chuồng, mua gà con cùng các chi phí liên quan theo dự toán Trung tâm đã lập. Sáng kiến giúp học sinh nghèo có thêm nguồn dinh dưỡng bằng cách nuôi gà, và khoản tiền này, là do nhà văn thiếu nhi Tam Vũ chuyển tặng. Còn khoản hỗ trợ tiền ăn cho 25 học sinh từ nay tới cuối năm học, với mức đề nghị rất nhỏ bé là 10.000 đồng/HS/ngày, tổng cộng hơn 35 triệu đồng, nhà báo Hoàng Thiên Nga sẽ tiếp tục vận động, giúp cả cô lẫn trò của Trung tâm yên tâm dạy giỏi, học chăm.   

Cô Hồng Phượng lo lắng kể: Buổi sáng các em học chữ, buổi chiều học nghề nên rất khó nhận việc làm thêm. Trung tâm đã tạo điều kiện cho học sinh trồng rau, cải thiện bữa ăn. Nhiều học sinh rất ngoan hiền, học tốt như em Xuân, em Hộ đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học vì cạn nguồn chu cấp, rất cần những tấm lòng vàng kịp thời giúp đỡ. 

MỚI - NÓNG