Rừng Nhà nước bán rẻ như bèo

Rừng trồng 327 đã bán ở Hải Thái có đường kính gốc khá lớn và đều nhau Ảnh: Hữu Thành
Rừng trồng 327 đã bán ở Hải Thái có đường kính gốc khá lớn và đều nhau Ảnh: Hữu Thành
TP - Gần 190 ha rừng 13 năm tuổi thuộc Dự án 327 của Chính phủ trồng tại xã Hải Thái (Gio Linh, Quảng Trị) vừa được bán bằng hình thức chỉ định với giá “lấy làm vì” - mỗi hécta chưa đến 6,1 triệu đồng.

> Gần 500 triệu đồng hỗ trợ bảo vệ thiên nhiên vườn quốc gia

Rừng trồng 327 đã bán ở Hải Thái có đường kính gốc khá lớn và đều nhau Ảnh: Hữu Thành
Rừng trồng 327 đã bán ở Hải Thái có đường kính gốc khá lớn và đều nhau. Ảnh: Hữu Thành.
 

Dự án trồng rừng 327 được triển khai từ năm 1996 trên địa bàn 7 thôn của xã Hải Thái. Người dân trồng rừng được cung ứng cây giống, phân bón và được hưởng các chế độ tiền công. Đến năm 1997, do người dân trồng cây không đều nên việc trồng rừng được BQL Dự án 661 Nam Bến Hải nhận lại, còn người dân Hải Thái đảm trách khâu trồng dặm, chăm sóc và bảo vệ.

Ngày 20-1-2010, BQL Dự án 661 Nam Bến Hải có phương án khai thác rừng trồng năm 1997 thuộc chương trình 327 và 661 đã chuyển sang rừng sản xuất ở Hải Thái; trong đó có việc bán 184,5 ha rừng trồng dự án 327 do BQL trồng năm 1997, nhưng sau trồng do người dân địa phương trồng dặm, chăm sóc và bảo vệ như trên.

Việc bán 184,5 ha rừng ở Hải Thái, theo BQL Dự án 661 Nam Bến Hải, căn cứ đề nghị của Hội đồng liên ngành (gồm Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Trung tâm Điều tra quy hoạch thiết kế Nông-Lâm tỉnh và BQL Dự án 661 Nam Bến Hải) về việc khai thác rừng trồng chương trình 327 và 661 đã chuyển sang rừng sản xuất, ngày 5-1-2010, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý, cho phép UBND huyện Gio Linh bán theo hình thức chỉ định khai thác 184,5 ha rừng này.

Theo đó, 4 cá nhân ở các xã Trung Sơn, Gio Sơn, Gio Phong (huyện Gio Linh) và thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh) đã được chỉ định mua 184,5 ha rừng với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Tính ra, mỗi hécta rừng gồm muồng đen và keo lá tràm 13 năm tuổi có giá chưa đến 6,1 triệu đồng.

Đầu năm 2010, BQL Dự án 661 Nam Bến Hải và UBND huyện Gio Linh triển khai việc bán rừng, bị người dân phản đối quyết liệt với lý do số rừng này do họ bao năm chăm sóc và bảo vệ, việc bán mua trước hết phải ưu tiên cho họ, còn không thì tổ chức đấu giá nhằm tránh thất thoát tiền của Nhà nước. Tuy nhiên, sang năm 2011, số rừng này vẫn bị bán cho những người mua cũ với số tiền trên.

Bí thư Chi bộ thôn 7B, ông Lê Quang Lịch (nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Thái), bất bình: "Huyện Gio Linh và BQL Dự án 661 Nam Bến Hải đã lừa dân để bán rừng. Trước đây, trong các cuộc họp do huyện, BQL và xã Hải Thái tổ chức, bàn về việc bán 184,5 ha rừng, tôi và nhiều người khác phản đối.

Về sau, những cuộc họp bàn, họ đã không cho chúng tôi tham gia với lý do chỉ mời những hộ có tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trên. Họ (huyện, BQL dự án 661 Nam Bến Hải) hứa khi khai thác sẽ trả cho dân 5 triệu đồng/ha, gồm tiền công trồng dặm, chăm sóc và bảo vệ trong 13 năm, đồng thời sẽ cấp đất đó cho dân trồng rừng nên bà con đã đồng ý, song tới nay rừng đã được khai thác xong nhưng bà con vẫn chưa nhận được tiền".

Bí thư Chi bộ thôn 3A, ông Hoàng Mạnh Hà, cho biết: "Người dân thua đấm còn bị thua đạp. Nhà nước thì thất thoát tài sản". Hiện trường khai thác 184,5 ha rừng mà ông Hà dẫn chúng tôi vào sáng 13-6 cho thấy, gốc cây có đường kính khá lớn và đều nhau, có gốc đường kính lớn đến 60cm.

Ông Hà nói, số tiền bán rừng chỉ bằng chừng 1/10 với giá trị thực tế, dân khẩn thiết đề nghị ngành chức năng sớm vào cuộc làm rõ dấu hiệu khuất tất trong việc bán rừng nhà nước với giá bèo bọt này. Ông Hoàng Kim Trường, Tổ phó đa dạng hóa NN&PTNT khu vực Trảng Rộng (xã Hải Thái) cũng cho rằng, nếu mỗi hécta rừng bán với giá 35 đến 40 triệu đồng cũng sẽ có rất nhiều nông dân ở Hải Thái đứng đơn mua ngay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.