Rừng đào trong thành phố

Rước Xuân về nhà. Ảnh: N.M.Hà
Rước Xuân về nhà. Ảnh: N.M.Hà
TP - Mang tiếng ở gần vùng đào Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chục năm có lẻ mà năm nay tôi mới có dịp ghé chơi tiện thể mua đào. COVID-19 làm mình thảnh thơi hơn chăng.

Thực sự đi thăm vườn đào là một cái thú, khác hẳn với chạy ù ra chợ mua một cành đào. Kể cả có lượn đi lượn lại trên những con đường cận Tết chuyên đào hoa như Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân… cũng vẫn chỉ như đi siêu thị.

Phải đến tận những nương đào để cảm nhận mùi của đất thịt, của gió Xuân, của những nâng niu chăm bón, những hy vọng ngóng trông… Hoa đào chín rực chính là hiện thân của những thứ mùi đó. Năm nay những hy vọng ngóng trông của người trồng đào e lại không trùng với nhịp điệu của mùa mấy. Nhưng với người ngắm đào, cả một nương đào rực lửa mãn khai lại càng mãn nhãn.

Người bạn phương xa hẹn tôi Xuân này đi thăm vườn đào Nhật Tân nhưng COVID-19 khiến bạn phải hoãn chuyến bay. Mặc dù bạn đã thửa riêng một cây đào từ Sơn La với giá vận chuyển ngang giá cây nhưng nỗi tiếc rẻ chưa một lần thưởng tận gốc đào Hà Nội vẫn còn đấy. Thế mới biết có những thứ ngay sát bên, mình lại chả buồn ngó ngàng. Nhưng từ năm nay, tôi tự hẹn với mình sẽ còn mua đào tại vườn.

Vì “hậu quả” của lần xuất hành đầu tiên được cành đào đẹp nhất tôi từng mua từ trước tới nay. Giá thì rẻ không ngờ. Anh bán đào dễ tính còn dặn rốn ai hỏi nhớ phải nói giá cao hơn. Mua được cành đào như ý là cái duyên.

Mọi năm đi dọc các con đường đào cứ bị hoa mắt. Thấy cành nào đẹp hình như toàn có chủ hết cả. Hoặc lúc trên tay người bán thì đẹp. Về nhà lại hóa ra thường. Tại vườn mình đi với tâm thế thưởng ngoạn không câu thúc, chuyện mua bán thành phụ. Người chỉ còn lác đác, lọt thỏm trong đào. Những lo toan, tính toán hình như cũng thế. Người tới vườn đào không bị lây không khí so đo có phần chộp giật nơi chợ đào. Tại vườn, mình có không gian ngắm cành đào đã nhắm từ mọi góc. Cưa xong mang thẳng về nhà. Đào đỡ vất vưởng, xuống sắc dọc đường ra chợ, xuống phố…

Sự mua nhanh bán gọn của tôi còn xuất phát việc người Hà Nội quen chơi đào bích. Đâm ra còn cành đào phai cánh kép lẻ loi hiếm hoi đương độ, người bán cũng muốn giải tán nhanh. Tôi biệt đãi đào phai như một lẽ đương nhiên. Vì người dân vùng bán sơn địa quê tôi chuyên chơi thứ mà người Hà Nội ngày nay gọi là đào rừng, tức đào phai cánh đơn. Thực chất đó là đào quả nhưng lại trồng lấy hoa là chính. Người ta trồng đủ để cung cấp cho nhà mình và những họ hàng ở phố mỗi độ Tết về.

Quê tôi những năm cuối thế kỷ trước, ít có khái niệm mua bán đào Tết. Nhưng nhiều nhà vẫn có những cành đào cỗi có khi cao chạm trần. Nhà nào VIP lắm mới được biếu bích đào từ thủ đô. Tôi vẫn nhớ ấn tượng lần đầu nhìn thấy nụ đào bích hé lớp cánh đỏ như nhung. Cứ tưởng sắc đỏ nhường ấy sẽ giữ nguyên khi nụ nở thành hoa, nhưng không. Khi bung ra, những cánh hoa nhạt hơn hẳn, và cứ nhạt thêm theo những ngày Tết.

“Đào rừng” hay chính xác là đào trồng tự nhiên thì không như vậy. Nó cứ hồng phớt lờ thời hạn, đến tàn thì thôi. Cành nhánh, lộc lá trổ ra tự nhiên. Đúng là một góc trời Xuân được đưa vào nhà. Nhưng không có nghĩa là đào thế, đào uốn tỉa với tôi không đẹp.

Vẻ đẹp của đào nằm ở sự hài hòa Trời ban. Bẩm sinh thân đào đã chắc khỏe, dáng đào vừa hùng dũng vừa thanh thoát, đua với sương gió mà vươn lên. Hoa đào từ màu sắc tới kiểu dáng đều đáng là hiệu báo tin Xuân. Một cánh đào chưa làm nên mùa Xuân thì một cành, một vườn, một đồng đầy hoa đào chắc chắn tràn ngập Xuân. Nét đẹp phóng khoáng, thiên về dương tính khiến cho đào thành loài hoa chúa tể của mùa Xuân xứ Bắc.

Truyền thuyết kể rằng có những thiện thần oai dũng chọn cây đào làm nơi trú ngụ. Cuối năm cùng bách thần, họ phải về thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Tuy nhiên chỉ cần nhìn thấy cây đào, ma quỷ đã khiếp sợ rồi. Thế nên dân ta mới nghĩ ra cách mang đào cũng là mang sự bảo an về nhà ngay từ những ngày đầu năm mới.

Không chỉ thần ngụ trong đào mà người Việt cũng hay mượn đào (và những cây tương tự vừa cho quả ngon vừa ra hoa đẹp) để “nương thân”. Cụ thể để chỉ những người đương xuân, những tình nhân: “Cây lê, cây lựu, cây đào/ Ba cây anh cũng muốn rào cả ba”. Trích một bài ca dao khác: “Ai đưa mận đến với đào/ Ai đem tính đấy buộc vào tình đây/ Tính, tình dan díu lâu nay/ Nên ra tình sẽ giãi bày tính nghe…”.

Sau cả ngàn năm “dan díu” với đào, người Việt ta chỉ cần có đào trong nhà là đã thấy Tết. Nơi nào không có điều kiện như đảo xa thì cắt giấy hồng điều thành hoa dán lên cành khô như lời mời rước Xuân về. Thuở bao cấp, cũng có những năm nhà tôi gắn thêm hoa giấy vào cành đào lơ thơ. Phụ thuộc vào tự nhiên là chính, nên đâu phải nhà nào cũng lo được cành đào tươm tất hằng năm. Do vậy như Hà Nội còn những dinh đào, vườn đào là một điều may mắn đáng được thưởng thức mỗi năm một lần.

Rừng đào trong thành phố ảnh 1 Xuân về. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Rồi chẳng lâu nữa đâu, đường Đức Thắng, Đông Ngạc rồi cũng thành đô thị. Muốn ngắm đào, dân trong vùng sẽ phải đi xa hơn. Nhưng một khi đã đi vào tiềm thức, vào văn hóa, vào nhu cầu, thì bằng một cách nào đó, đào sẽ vẫn có đủ để thắp lửa Xuân trong mọi gia đình. Nhưng nếu chủ động giữ được đào gần với người thì vẫn cứ giá trị và “trọn nghĩa vẹn tình” hơn.

Mới hôm qua, một anh bạn họa sĩ sau khi thăm làng đào Nhật Tân về cứ nắc nỏm rủ rê mọi người “lên mà xem, đẹp như điên”. Đúng thật, năm nay đào ế (nở sớm) nên được để mặc trên đồng. Tha hồ phô bày vẻ đẹp đã thành vô giá trị với người trồng, người bán. Chỉ bở cho dân thăm đào, mua thì ít, làm dáng chụp ảnh thì nhiều.

Nên anh họa sĩ yêu đào, thương người trồng đào và cũng là thương chính mình chẳng mong gì nhiều. Chỉ cần làng đào di sản có một bãi đậu xe đủ rộng là đủ hạ tầng có thể khai thác du lịch. Mà theo anh tính toán tiền bán vé vào cửa sẽ không ít hơn tiền bán đào. Vừa chia sẻ rủi ro với người trồng đào, vừa chính thức hóa thú chơi Xuân của người yêu đào. Những cây đào sẽ mặc sức trổ hoa mà không phải lo làm rầu lòng ai.

Nghe nói Hà Nội sẽ có những công viên trồng hàng ngàn cây anh đào ngoại quốc tặng cơ mà. Đào của dân ta thì sao?

MỚI - NÓNG