Rớt nước mắt bức thư người cha gửi con học xa nhà
Bức thư viết vội, chỉ vài dòng, chữ viết xấu khó đọc và bị sai chính tả khá nhiều nhưng vẫn khiến cư dân mạng cảm thấy xốn xang trước tình cảm người cha dành cho con cái.
Mới đây, một bạn trẻ đã chụp lại bức thư của một người đàn ông tên Chính gửi cho con và đăng lên mạng. Bức ảnh chụp lá thư chứa đựng những lời dặn dò của người cha dành cho con khiến cư dân mạng cảm động và đang được chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội.
Bức thư được viết trong một lần bác Chính từ quê ra thăm con đi học xa nhà, do chữ viết khá xấu và sai chính tả nhiều nên một số bạn trẻ đã phải viết lại để mọi người dễ đọc, dễ hiểu. Nội dung cụ thể như sau:
"Bố và bác Giáp xuống. Mang cho con chiếu + lõi chăn. Khế ngọt quả nhà + trứng vịt + lạc vỏ, bố để trong hòm của con. Cả thớt nữa nhé + xoong nấu canh.
Bố Chính
Sách, bút này là phần thưởng của xóm mình gửi cho con đấy. Và cả áo rét cho con nữa đấy. Bố gửi ông 1 triệu đồng + Bác Giáp cho 100 đồng = 1100đ chẵn nhé".
Bức thư viết vội lay động tình cảm nhiều bạn trẻ . |
Chính sự chân thật, mộc mạc của bức thư đã lay động lòng người. Nhiều bạn trẻ đã rớm nước mắt khi đọc những lời dặn dò ân cần của người đàn ông dành cho đứa con học xa nhà.
"Tôi đã khóc khi đọc bức thư này", bạn Lã Văn Dưỡng chân thật. "Bố mình cũng từng viết cho mình thế này. Cầm mảnh giấy mà nghẹn ngào không nói được. Mình vội vã cầm lấy cái điện thoại nhắn tin vỏn vẹn 3 từ: con cảm ơn", bạn Vũ Văn Tú chia sẻ.
"Sống mũi cay cay. Một người cha nghèo về vật chất nhưng giàu về tâm hồn", bạn Phạm Văn Tú bình luận.
"Chắc bố bạn này là người nhà nông, ít khi viết chữ nên sai chính tả nhiều. Dù vậy, bức thư vẫn ấm áp tình cảm hơn nhiều thứ vật chất khác trong cuộc sống", bạn Nguyễn Kiều Hoa tỏ lòng.
Dân mạng chia sẻ tình cảm về bức thư mộc mạc nhưng chan chứa tình phụ tử. |
"Đừng nói đàn ông là khô khan. khi mà họ bày tỏ tình cảm và thật lòng quan tâm trong sóc ai đó bạn sẽ không tưởng tượng được nó lớn và ý nghĩa như thế nào đâu", bạn Đoàn Chung bình luận.
"Bức thư sai chính tả tùm lum, nói toàn chuyện chợ búa củi lửa nhưng cũng chính vì thế mới thể hiện được sự quan tâm của một người đàn ông, một người cha", bạn Nguyễn Hải Long nhận xét.
"Ngày bố đưa tôi đi lên Hà Nội nhập trường, lúc bố ra bắt xe ôm về tôi chạy theo ra, tôi khóc. Khóc vì lần đầu chia tay người thân khóc vì thương bố quá. Vậy mà giờ tôi học hành cũng chẳng giỏi giang gì, cảm thấy có lỗi với bố mẹ quá", bạn Bùi Tuấn Dũng giãi bày.
Theo Mai Châm
Dân Trí