Đền thờ Đức Văn Trinh Chu Văn An. |
Chẳng rõ hình thế núi Phượng Hoàng đất Chí Linh thuở Đại Việt gần bảy thế kỷ trước ra sao nhưng cặp mắt trần hậu thế dường như cũng tàm tạm mãn nhãn khi ngó khắp cảnh sắc rừng cây thế núi bây giờ! Đã giăng khắp một màu xanh trù phú của giống thông, tùng.
Ngàn ngàn những vạt thông thứ mã vĩ thứ ba lá giăng giăng. Thông tùng cũ ít lắm chỉ điểm xuyết mà tuyền thứ mới trồng hai ba chục năm nay đủ biết cái nạn cạo trọc rừng thiêng sau năm 1954 khủng khiếp đến thế nào.
Thôi cũng may mà hậu thế đã biết hối lỗi! Cũng lạ, trong tâm trạng đau đớn buồn bực bởi thế nước lung lay, Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi sau Chu Văn An gần nửa thế kỷ đã lánh về Côn Sơn cách núi Phượng Hoàng đây chỉ hơn 3 km mà di dưỡng tính tình! Nguyễn Trãi tìm thấy gì ở tiền nhân, gửi gắm điều gì nơi chốn non xanh nước biếc được coi là linh thiêng bởi có 72 ngọn núi chầu về khu vực Chí Linh này?
... Dịp 25 tháng tám ÂL (ngày sinh) và tháng 11 dương sắp tới đây ngày giỗ Thày Chu Văn An du khách về Phượng Hoàng viếng Đền Thày lòng hẳn xiết bao cảm khái trước nghĩa cử cao cả của lớp hậu sinh.
Đền Thày được xây dựng khá là khang trang đồ sộ! Nghe nói ngân sách nhà nước cũng chỉ 16 tỷ nhưng tấm lòng thơm thảo của các thày trò nhiều nơi gom góp lại nhiều năm nay đã cất nên ngôi Đền khang trang này! Lòng rưng rưng cung kính sải bước từng hạng mục Đền Thày trong sắc thu nhưng chợt không ít những lúc giật mình, lạc mắt!
Lối vào cổng Đền phấp phới những hàng phướn chĩnh chiện hai câu thơ Nôm của cụ Nguyễn Trãi Nên thợ nên thầy vì khéo học/ No ăn no mặc bởi hay làm.
Thơ cụ Ức Trai rằng hay thì thật là hay nhưng trong trước tác còn lại dẫu ít ỏi của Thày Chu Văn An thì nội 12 bài thơ chữ Hán của Thày không thiếu những câu hay bàn về cái sự học! Có cần thiết phải dùng thơ của hậu sinh Nguyễn Trãi để dẫn lối vào Đền Thày Chu Văn An cho du khách?
Đây rồi cái am mây Thày dạy học trò đọc và viết sách sau khi buồn bực lẫn phẫn chí chống gậy một mạch từ Thăng Long về Phượng Hoàng Chí Linh.
Thuở ấy hình thù nó như thế nào? Chắc cũng đơn sơ tùng tiệm như bản tánh của Thày? Thế mà dấu tích Thày ngồi dạy học nay được xây cất khang trang có 3 chữ to đùng Điện Lưu Quang? Điện thất gì ở đây nhỉ? Ngay từ thuở xa lăng lắc dựng nhà dạy học viết sách ấy, Thày Chu Văn An bề bề chữ nghĩa nhưng khó dễ dàng buông chữ Điện để gọi nơi ẩn cư khiêm nhường của mình? Và thuở ấy dẫu các trò hoặc ai đó muốn vống lên nơi ở mới của Thày cho sang buột miệng kêu là Điện thì chắc Thày còn mắng cho là điên không chừng?
Đôi rồng đồ sộ. |
Ngồi với tốp thợ làng đá tít mãi trong Ninh Vân Ninh Bình đang làm cái việc lắp đặt sửa sang bốn chữ Vạn thế sư biểu mỗi chữ dài hơn mét.
Họ dừng hơi thuốc lào tò mò hỏi ông bạn râu ria bạc trắng đi cùng bốn cái thớt này là gì hả bác? Ông bạn giải thích một hồi đại ý rằng đấy là người ta mượn chữ bậc thày của muôn đời mà thiên hạ cung kính gọi Khổng Tử! Ông còn giảng thêm để cho mọi người hiểu cần tôn vinh việc học và cũng để cho chắc (?) người thiết kế đã cho đặt chữ Học bằng quốc ngữ cũng dài trên một mét sau bốn khối vuông chằn chặn kia!
Tôi nghe vậy cũng biết vậy! Nhưng ấn tượng nhất của ngôi Đền là đôi rồng đá. Đôi rồng cuồn cuộn những via những vẩy ngó dữ tợn án ngữ hoành tráng cả một khoảng sân.
Đang hăm hở coi xét, ông bạn thoắt làm tôi chưng hửng khi chợt thõng ra một câu rồng thời Nguyễn. Mà lớn qua. Đặt ở Đền Thày e không hợp?
Bản nội quy của Đền thì rờ rỡ những hàng chữ. Có những dòng là lạ sau Trình tự dâng hương thế này Khách nhớ ghi công đức để phục vụ cho việc tu bổ tôn tạo Đền.
Thôi cũng được đi. Nhưng nhà Đền còn nhắc cả khách việc xin sớ? Chả lẽ khách du lịch khách thập phương về viếng Thày đều phải xin sớ? Nhất là các cô cậu học trò? Chưa hết lại nhắc cả việc khách phải mua sắm giấy bút đồ dùng học tập.
Việc khấn khứa, bản nội quy cũng ghi rõ quý khách có thể trình bày nguyện vọng của mình nhờ các cụ thủ từ khấn hộ (?!)
Còn việc xin chữ ở Đền Thày mới lạ tai lẫn lạ mắt làm sao! Xin trích một đoạn.
Thủ tục xin chữ tại Đền Thày. Tương truyền xưa kia khi học trò đến thăm Thầy lúc ra về thường được Thày ban cho chữ. Người làm quan Thày cho chữ Liêm chữ tín chữ Dũng. Người đang dùi mài kinh sử Thày cho chữ Tuệ chữ Tín. Người đang gặp khó khăn Thày cho chữ Nhẫn chữ Kiệm. Điều đó thành lệ ai cũng mong đến thăm Thày. Ngày nay Thày không còn nữa nhưng ban Quản lý Di tích vẫn giữ nguyên nét đẹp văn hóa truyền thống đó và trở thành tục xin chữ Đền Thày...
Nhà Đền còn chu đáo đưa ra một danh sách những chữ mà mình tâm đắc sở nguyện cầu xin Thánh gồm 31 chữ từ chữ Tuệ chữ Tài (tiền tài tài lộc) đến chữ An!
(Trở về tôi với ông bạn ra sức tra cứu trong mớ di sản ít ỏi còn lại của Thày. Lại hỏi cả bên Trung tâm lưu trữ Quốc gia lẫn Viện Hán Nôm. Nhưng không tìm thấy ở đâu những lời đại loại như trong Nội quy nhà Đền.
Chỉ có những dòng sắc lẻm thế này trong Toàn thư ... Ta chỉ dạy cho các trò làm người chứ không dạy cho các trò làm quan. Hoặc học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy.
Đền cũng độc đáo là hầu hết cây cối của khách thập phương cúng tiến cũng đều có biển (thứ bằng gỗ bằng đá, đồng... đủ mọi chất liệu) Nhiều cây còi cọc nhưng biển ghi tên người cúng thì hoành tráng (Người viết không tiện biên ra tên các quan chức lẫn thường dân). Thành thử mới ngó qua, nói dại mồm, ngó hao hao nhang nhác như một góc nghĩa trang!
Ông bạn cùng đi thoáng chút bức xúc khi ngó qua một lượt những tấm biển to tổ chảng ghi những dòng đại loại Hàng cây do thày trò trường ĐH, trường PTTH, TPTCS, Trung tâm đào tạo... cúng tiến chăm sóc... Hầu hết của các tỉnh xa. miền Trung. Nam Bộ vv... Ở xa hàng trăm hàng ngàn cây số thì chăm làm sao? Ông bạn có thể chưa biết rằng âu cũng là một phương thức xã hội hóa. Chắc các trường ấy đã chu đáo thuê nhân công ở vùng này lo chăm bẵm tưới tắm giùm!
Xin biết ơn những tấm lòng hảo tâm hàng bao năm nay đã gây dựng nên một di tích kiêm một trung tâm giáo dục hoành tráng với kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái.
Với những năm gian tiền tế và một gian Hậu cung. Hậu cung đặt tượng thờ thầy Chu Văn An, tượng bằng đồng, nặng 100kg. Rồi ngôi mộ Thày trên đỉnh Phượng Hoàng được chỉnh trang.
Nghe đâu việc xây Đền đang còn các bước tiếp theo? Chắc chắn những thứ lạc mắt ở Đền Thày sẽ được chỉnh thật chuẩn!
Sao cho, nói như ý ông bạn là, có thể lắm, mỗi nhiệm kỳ quan chức (không riêng ngành giáo dục ở địa phương Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung ) khi đến chiêm quan khu Di tích kiêm TT giáo dục này, phải rờn rợn để dọn mình, để thề trước anh linh Thày Văn Trinh Chu Văn An sau khi đã nghe tuyên đọc về ý nghĩa tinh thần của Thất trảm sớ!
Người thầy tiết tháo cao thượng Chu Văn An - người Thầy như sử gia Phan Huy Chú đã tấm tắc: “học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được”. Thất trảm sơ nay đã bị thất lạc cùng với khối lượng trước tác của Thày Chu những là Quốc ngữ thi tập (hai tập) bằng chữ Nôm và Tiều ẩn thi tập bằng chữ Hán. Lại một tập dày biện luận giản ước về Tứ thư (Tứ thư thuyết ước). Chưa hết, còn cuốn Y học yếu giải tập chu di biên (những lý luận cơ bản về chữa trị bệnh bằng Đông y)... Hậu thế ngờ rằng những trước tác của Chu Văn An thời mạt Trần ấy liền sau đó là họa xâm lăng mười năm Bắc thuộc đã bị quân Minh tịch thâu đốt trụi cùng với biết bao kho tàng sách vở của tinh hoa nước Nam. Chính sử Đại Việt chỉ còn lại ít dòng Chu Văn An (? - 1370), tên chữ là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ân, người huyện Thanh Trì Hà Nội. Đỗ thái học sinh nhưng không ra làm quan mà ngồi dạy học. Học trò theo học rất đông, nhiều người đỗ đạt cao. Nhiều vị là lương đống quốc gia như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... Niên hiệu Khai Thái (1324-1329) triều Trần Minh Tông, Chu Văn An được vời vào cung vua dạy con vua (Trần Vượng) rồi dạy vua (Hiến Tông) và làm Tư Nghiệp Quốc Tử giám (như chức Hiệu phó đại học bây giờ). Đến triều Trần Dụ Tông (1341-1369) thì mạt Trần loạn. Vua Dụ Tông ăn chơi thích tửu sắc hát xướng. Cận thần là lũ bất tài o bế vua để lộng hành. Dân tình đói khổ. Chu Văn An vốn điềm đạm, ít ham muốn, nhưng lại thẳng thắn ngạch trực (chữ của Hồ Nguyên Trừng trong Nam ông mộng lục), nhìn trung thần nghĩa sĩ bị hãm hại, các quan Ngự sử chuyên việc can vua giờ chỉ biết ngồi im. Chính sử còn than thở, những ai có ý định can vua thì người nhà phải làm tang trước như là tế sống rồi mới dám vào chầu. Không biết Chu Văn An có phải làm thủ tục khốn khổ ấy không nhưng đã có Thất trảm sớ lưu danh hậu thế. Bảy vị đại thần kiêm gian thần ấy là Mai Thọ Đức, Trâu Canh, Bùi Khâm, Văn Hiến, Nguyễn Thanh Lương, Tâm Đức Ngưu, Đoàn Nhữ Cẩu. Vua Trần Dụ Tông đã lờ đi trước những can răn ấy. Chu lão sư bèn từ chức, treo mũ áo tại cửa Huyền Vũ, lui về núi Phượng Hoàng dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách! |