Tom Laliberty, Chủ tịch bộ phận phòng không và tác chiến trên bộ của Raytheon hôm 2/8 xác nhận: "Raytheon của Mỹ và Electromecanica Ploiesti của Romania đã ký một bản ghi nhớ thứ hai về việc sản xuất tên lửa đánh chặn Skyceptor ở Romania".
Sau khi ký kết, Raytheon và Electromecanica sẽ tiến hành thiết kế và xây dựng chung một cơ sở để sản xuất tên lửa SkyCeptor. Năng lực của doanh nghiệp trong tương lai sẽ đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang Romania và các khách hàng quốc tế.
Đại diện của Raytheon nhấn mạnh rằng công ty đang tích cực làm việc để chuyển giao công nghệ và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc khởi động sản xuất tên lửa ở Romania. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, các bộ phận của Skyceptor sẽ được sản xuất ở Mỹ, Israel và công đoạn lắp ráp cuối cùng sẽ diễn ra ở Romania.
Tên lửa đánh chặn SkyCeptor là biến thể của tên lửa phòng không Stunner do công ty Rafael của Israel sản xuất. Tên lửa này được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo và hành trình tầm ngắn, tầm trung, cùng với các mối đe dọa tiên tiến khác.
Theo tuyên bố của nhà sản xuất, Stunner là tên lửa hai tầng được trang bị đầu đạn động năng, có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách tối đa 250 km và độ cao lên tới 15 km, tốc độ tối đa của nó là Mach 7.5.
Tên lửa được trang bị cảm biến điện quang/hồng ngoại (EO/IR) kết hợp và hệ thống dẫn đường bằng radar. Radar mặt đất điều khiển tên lửa thông qua kênh truyền dữ liệu để điều hướng chuyến bay.
Ưu điểm của tên lửa mới so với tên lửa PAC-2 và PAC-3 được tích hợp trong hệ thống Patriot là Skyceptor có giá thành rẻ hơn đồng thời có các đặc tính tương đương với PAC-3.