> Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Giáo dục vì lợi ích của ai?
Trong số nhiều thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Sở GD-ĐT TP.HCM, có không ít người thi theo diện liên thông - Ảnh: Đào Ngọc Thạch. |
Sở không kiểm tra, trường bắt nộp
Mặc dù Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT quy định người có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ dưới 36 tháng nếu muốn dự thi liên thông phải có bằng tốt nghiệp tính đến ngày nộp hồ sơ dự thi. Thế nhưng trên thực tế việc tiếp nhận hồ sơ ở hầu hết các sở GD-ĐT đều không căn cứ vào quy định này.
Ông Lâm Văn Quản, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận hồ sơ chứ không kiểm tra vì khi thi các trường sẽ phải có trách nhiệm đó”. Tương tự, tiến sĩ Lê Cao Phan, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp - thường xuyên Sở GD-ĐT Lâm Đồng, cũng thông tin: “Sở chỉ nhận hồ sơ mà không kiểm tra bằng tốt nghiệp, vì chúng tôi không nhận được bất cứ hướng dẫn nào về việc này”.
Nhiều thí sinh cũng cho hay nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện của Bộ tại TP.HCM mà không cần phải mang theo bằng tốt nghiệp hay bản sao giấy tờ gì.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thông tin: “Hiện nay trường đã nhận được khoảng vài trăm hồ sơ liên thông. Với số thí sinh nộp tại trường, chúng tôi đều hướng dẫn các em phải nộp bằng tốt nghiệp hoặc bản sao theo đúng quy định, cũng nhằm để biết được ngành các em chọn thi có tương thích với ngành các em đã học không.
Tuy nhiên, số thí sinh nộp hồ sơ ở các sở hầu hết không kèm theo bản sao bằng tốt nghiệp. Vả lại trong mục 14 của hồ sơ đăng ký dự thi cũng không thể hiện được đầy đủ thông tin nên chúng tôi cũng không biết các em tốt nghiệp năm nào, ngành nào, muốn liên thông từ bậc TC hay CĐ lên ĐH”.
Còn tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhận định: “Chính vì Bộ không có văn bản hướng dẫn cụ thể nên thí sinh nộp ở các sở cũng không biết mình phải kèm theo giấy tờ gì, và Sở cũng thấy không có trách nhiệm phải kiểm tra bằng của các em”.
Theo ông Minh, hợp lý hơn nếu quy định thí sinh tốt nghiệp dưới 36 tháng kể từ ngày cấp bằng đến lúc làm thủ tục dự thi. Tiến sĩ Lê Cao Phan giải thích thêm: “Thời gian nộp hồ sơ diễn ra trong vòng hơn một tháng. Thí sinh nộp trước, nộp sau, vậy “tính đến ngày nộp hồ sơ” ở đây khá mông lung, không có tính pháp lý bằng việc tính đến ngày đi thi”.
Trường cho thi, trường không
Đại diện nhiều trường ĐH cho biết hiện đang rất rối. Quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khiến mỗi trường phải tự đưa ra cách giải quyết phù hợp nhưng chưa chắc đã đúng với quy định.
"Thời gian nộp hồ sơ diễn ra trong vòng hơn một tháng. Thí sinh nộp trước, nộp sau, vậy “tính đến ngày nộp hồ sơ” ở đây khá mông lung, không có tính pháp lý bằng việc tính đến ngày đi thi" Tiến sĩ LÊ CAO PHAN Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp - thường xuyên Sở GD-ĐT Lâm Đồng |
Với số hồ sơ liên thông mà các sở chuyển về trường, tiến sĩ Nguyễn Anh Đức cho rằng: “Đã nhận của các em rồi, chúng tôi không thể trả lại. Mà không trả lại thì chắc chắn trong số đó nhiều em hiện chưa có bằng tốt nghiệp sẽ vẫn được đi thi. Như vậy là không đúng với quy định trong Thông tư 55”.
Trước thực tế này, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM quyết định sẽ kiểm tra bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời khi thí sinh đi thi. Trong trường hợp đi thi mà thí sinh báo mất giấy tờ trên, sẽ viết giấy cam đoan để tiếp tục dự thi. “Chỉ đến khi nào thi đậu mà các em không trình được bằng và bảng điểm, thì kết quả thi sẽ bị hủy, hoặc nếu muốn các em có thể học lại từ năm nhất như thí sinh phổ thông”, ông Đức nói thêm.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sẽ chấp nhận cho tất cả thí sinh liên thông đã nộp hồ sơ dự thi dù có bằng tốt nghiệp hay chưa. Đến khi trúng tuyển, nếu sinh viên xuất trình được bằng và bảng điểm thì được xem xét chuyển đổi kết quả. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho rằng về nguyên tắc, nếu thí sinh chưa đủ điều kiện ngay từ lúc nộp hồ sơ thì phải chặn lại. Tuy nhiên, khi các sở đã nhận và chuyển hồ sơ về trường thì coi như thí sinh đã được chấp nhận đủ điều kiện dự thi dù có bằng tốt nghiệp hay chưa.
Trường ĐH Hoa Sen lại thực hiện kiểu khác. Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Truyền thông trường này, cho biết: “Hầu hết hồ sơ liên thông chúng tôi nhận từ các sở đều không có bản sao bằng tốt nghiệp. Chúng tôi sẽ gọi điện nói các em bổ sung bằng và bảng điểm. Trường hợp em nào chưa có trong lúc này, đến khi dự thi phải mang theo. Nếu khi thi mà vẫn không có, trường sẽ từ chối để tránh trường hợp đến lúc đậu vẫn không có bằng thì lại buộc phải hủy kết quả”.
Trên thực tế thời gian tốt nghiệp của mỗi trường CĐ, TC khác nhau. Có trường chia làm nhiều đợt, có trường một đợt và có khi kéo dài tới tháng 10, 11 mới trao bằng. Cho nên, nếu đúng quy định, thí sinh nào tốt nghiệp trong năm nay nhưng sau thời điểm nhận hồ sơ (tháng 4) đều không đủ điều kiện dự thi. Vậy các trường sẽ giải quyết như thế nào? Nếu cho những thí sinh này dự thi sẽ vi phạm quy chế. Ngược lại, sẽ trả lời thí sinh ra sao vì đã nhận hồ sơ đăng ký dự thi của họ?
Theo Mỹ Quyên
Thanh Niên