Rối loạn lo âu, căn bệnh gây phiền toái!

Rối loạn lo âu, căn bệnh gây phiền toái!
Trong cuộc sống, ai cũng có những lúc phải cảm thấy lo lắng hồi hộp trước một sự việc quan trọng. Ðó là những lo lắng mang tính chất bình thường và là một sự đáp ứng tự nhiên của cơ thể. Nhưng khi sự việc đó không còn, mà sự lo lắng vẫn tồn tại và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày, những hoạt động về công việc, học tập, giao tiếp thì bạn đã chuyển sang một trạng thái lo âu bệnh lý.

Rối loạn lo âu, căn bệnh gây phiền toái!

Trong cuộc sống, ai cũng có những lúc phải cảm thấy lo lắng hồi hộp trước một sự việc quan trọng. Ðó là những lo lắng mang tính chất bình thường và là một sự đáp ứng tự nhiên của cơ thể. Nhưng khi sự việc đó không còn, mà sự lo lắng vẫn tồn tại và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày, những hoạt động về công việc, học tập, giao tiếp thì bạn đã chuyển sang một trạng thái lo âu bệnh lý.

Rối loạn lo âu, căn bệnh gây phiền toái! ảnh 1
Ảnh: minh họa - Internet

Bạn có bị rối loạn lo âu hay không?

Nếu bạn có ít nhất 4 câu trả lời “có” cho các câu hỏi dưới đây thì bạn đã bị rối loạn lo âu:

• Bạn có thường xuyên thấy căng thẳng, lo lắng hoặc dễ cáu kỉnh, bực mình?

• Sự lo lắng của bạn có ảnh hưởng đến công việc, học tập hoặc nhiệm vụ của bạn trong gia đình không?

• Bạn cảm thấy sợ hãi mà bạn biết là mình sợ rất vô lý nhưng không thể kiểm soát được điều đó?

• Bạn có tin rằng có một điều gì xấu sẽ xảy ra nếu có một số việc không được làm theo cách mà bạn nghĩ?

• Bạn có né tránh những tình huống hoặc những hoạt động nhất định nào đó bởi vì nó gây cho bạn lo lắng?

• Bạn có bị những cơn nhịp tim đập nhanh mà bạn thường cho là mình bị bệnh lý về tim mạch và đi khám thì không có bệnh lý gì về tim mạch không?

• Bạn có cảm giác như là có điều gì nguy hiểm và thảm họa gì đó sắp xảy ra đối với bạn không?

Biểu hiện thế nào?

Rối loạn lo âu là một nhóm triệu chứng liên quan đến nhiều trạng thái khác nhau. Vì vậy biểu hiện lâm sàng có thể rất khác nhau và ngay từ ban đầu người bệnh thường đi khám ở những chuyên khoa khác nhau như là tim mạch, hô hấp, thần kinh… chứ ít khi người bệnh đến chuyên khoa tâm thần. Ngay từ đầu người bệnh ít khi công nhận đây là những bệnh lý về tâm thần, đôi khi họ còn rất khó chịu, nổi cáu với thầy thuốc khi chuyển họ đi khám chuyên khoa về tâm thần. Với người này, bệnh có thể biểu hiện dưới dạng một cơn lo âu kịch phát mà không có dấu hiệu báo trước, nhưng với người khác bệnh lại có thể xuất hiện từ từ, có người lại có những sự căng thẳng, lo lắng về mọi thứ trong cuộc sống nhưng tất cả những rối loạn này tập trung vào việc lo lắng hoặc sợ hãi một cách nghiêm trọng về một tình huống mà hầu hết người bình thường không có ai cho là nghiêm trọng với biểu hiện ở những nhóm rối loạn sau:

- Biểu hiện về cảm xúc: sợ và lo lắng một cách quá mức trước những sự việc không đáng lo, cảm giác rất sợ chết, khiếp sợ cái chết, có vấn đề về tập trung, chú ý vào công việc, dễ bị kích thích, cảm thấy đứng ngồi không yên, cảm giác căng thẳng, hay giật mình, hay nghĩ đến những điều nguy hiểm xảy ra với mình, cảm thấy đầu óc mình trống rỗng, cảm thấy có điều gì xấu sẽ xảy ra với mình.

- Những biểu hiện về triệu chứng cơ thể: rối loạn lo âu không chỉ là triệu chứng của cảm xúc mà tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng và làm cho cơ thể có những biểu hiện về triệu chứng cơ thể khác nhau và chính điều này làm cho người bệnh bị chẩn đoán nhầm với những bệnh lý khác và không được điều trị đúng chuyên khoa hoặc phải mất thời gian dài mới có thể gặp được đúng thầy thuốc chuyên khoa tâm thần. Những biểu hiện phổ biến về triệu chứng cơ thể của rối loạn lo âu là: cơn nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, khó chịu ở dạ dày hoặc cảm giác hoa mắt, chóng mặt, người bệnh hay đi tiểu hoặc hay phải đi ngoài, thở nhanh và nông, run tay chân và co quắp chân tay, căng cơ, đau đầu, mệt mỏi và mất ngủ.

Các thể loại rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu có sáu thể bệnh:

- Rối loạn lo âu lan tỏa: những lo lắng, sợ hãi luôn luôn thường trực làm ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của bạn hoặc bạn có những lo lắng là có một điều gì không tốt với bạn đang chuẩn bị xảy đến. Những bệnh nhân lo âu lan tỏa thường cảm thấy lúc nào cũng lo lắng, mặc dầu họ không biết tại sao và thường có biểu hiện kèm theo như mất ngủ, nóng rát dạ dày, bồn chồn bất an, mệt mỏi...

- Rối loạn hoảng sợ: được đặc trưng bởi những cơn hoảng hốt sợ hãi, tim đập nhanh, thở nhanh, nông, run rẩy chân tay, cảm giác buồn nôn, cảm thấy như mất sự kiểm soát hoặc cảm giác như mình bị điên. Bệnh nhân thường kèm theo tình trạng sợ đám đông hoặc sợ khoảng trống, tránh đến những nơi công cộng như siêu thị, đi máy bay…

- Sợ đặc hiệu: là một sự sợ hãi không có thật hoặc một sự sợ hãi quá mức một đồ vật, một hành động hoặc một tình huống thực sự không nguy hiểm. Sợ đặc hiệu phổ biến là sợ động vật. Ví dụ như sợ rắn hoặc nhện, sợ độ cao hoặc sợ đi máy bay. Trong những trường hợp nặng, bệnh có thể kéo dài và người bệnh thường tránh những tình huống gây sợ này. Điều này làm cho bệnh nặng thêm.

- Rối loạn stress sau sang chấn: là một sự lo lắng xảy ra sau khi gặp phải một sự kiện gây shock hoặc sự kiện gây đe dọa cuộc sống của bạn với những biểu hiện hồi tưởng hoặc ác mộng về những việc xảy ra, tăng sự cảnh giác, hay hoảng hốt, thu rút quan hệ với người khác, tránh những tình huống gợi lại sang chấn.

- Rối loạn lo âu sợ xã hội: bạn có sự sợ hãi là người khác đánh giá không tốt về bạn ở những nơi công cộng, nói một cách dễ hiểu hơn là bạn quá mất tự tin, ngượng ngùng khi ra trước đám đông. Trong những trường hợp nặng người bệnh thường tránh hết mọi giao tiếp xã hội.

- Rối loạn ám ảnh cưỡng bức: được đặc trưng bởi những ý nghĩ hoặc những hành vi không mong muốn nhưng không thể kiểm soát hoặc không thể không thực hiện được, ví dụ như bạn rất sợ tay bẩn và có thể mất hàng tiếng đồng hồ để rửa tay, bạn luôn sợ rằng mình quên không khóa cửa và phải kiểm tra nhiều lần…

Phòng và điều trị như thế nào?

Không phải tất cả mọi người hay lo lắng là bị bệnh rối loạn lo âu. Bạn có thể bị rối loạn lo âu do bạn có một đòi hỏi trong công việc một cách quá mức, không có sự tập luyện hoặc không ngủ đủ, quá nhiều áp lực ở nhà hoặc ở cơ quan, và cũng có thể do bạn uống quá nhiều café. Nếu bạn có một cách sống không lành mạnh và nhiều sự kiện gây stress, bạn cũng cảm thấy lo lắng, căng thẳng.

Để làm giảm lo âu, bạn hãy thực hiện những điều sau: Dành thời gian hàng ngày để thư giãn và tạo sự hài hước, vui vẻ; Tìm cho mình sự chia sẻ về cảm xúc; Chăm sóc cơ thể về chế độ ăn, ngủ; Giảm bớt áp lực công việc; Tìm sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình, cơ quan; Tìm cách đưa sự mất cân bằng trong cuộc sống của mình trở về trạng thái bình thường, có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống.

Bạn có thể đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn điều trị tình trạng lo âu bằng các liệu pháp tâm lý như nhận thức hành vi, liệu pháp tránh phơi nhiễm hoặc được chỉ định những thuốc giải lo âu.

Theo BS. Trịnh Thị Bích Huyền
Sức khỏe & Đời sống

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG