Rể Trung Quốc động phòng rồi trả vợ, đòi tiền
> Báo Trung Quốc dạy cách lấy vợ đẹp ở Việt Nam
Hiện nay, trào lưu lấy chồng Trung Quốc đang phát triển rầm rộ ở các tỉnh miền Tây. Sau lễ cưới vội vã, các chàng rể ngoại quay sang “quậy” nhạc mẫu bằng cách đòi... trả vợ và đòi tiền chi phí mai mối, đám tiệc. Một số kẻ còn giở thói côn đồ, hành hung gia đình bên vợ rồi tố cáo công an địa phương.
ĐỘNG PHÒNG MỘT ĐÊM RỒI TRẢ VỢ
Ngày 24-6-2013, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.Cần Thơ đã chuyển toàn bộ hồ sơ vi phạm về hoạt động xuất nhập cảnh của ba đối tượng người Trung Quốc cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an để xử lý. Hiện Zhu ZhiJun (SN 1969, quốc tịch Trung Quốc) tỏ ra không hài lòng, quyết lấy được tiền mới về nước. Cán bộ phòng trực tiếp giải thích, ZhiJun mới đồng ý ký vào biên bản vi phạm. Theo đơn trình bày của ZhiJun, thông qua mạng internet đã làm quen với Sun GenPo (SN 1984, quốc tịch Trung Quốc) là người thường xuyên qua Việt Nam kinh doanh. Những lần tán gẫu trên mạng, GenPo khoe bản thân biết nhiều phụ nữ Việt Nam muốn lấy chồng ngoại. Nếu ZhiJun đồng ý, GenPo sẽ dẫn về quê tha hồ tuyển chọn vợ với mức chi phí môi giới 15.000 nhân dân tệ.
Nghe qua những lời giới thiệu khá hấp dẫn của GenPo, ngày 20-4-2013 ZhiJun nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Đồng Đăng. Lập tức, GenPo dẫn ZhiJun xuống Sóc Trăng xem mặt chị Lâm Thị Ch. để tổ chức kết hôn. Hôm xem mắt, chàng rể bi bô tiếng Trung Quốc, nhà gái tủm tỉm cười vì chẳng hiểu chi. GenPo trong vai trò người môi giới và là phiên dịch, thông báo cho gia đình chị Ch. rằng ZhiJun đã đồng ý kết hôn. Dù không biết thân thế chàng rể ngoại nhưng cả nhà Ch. đều gật đầu đồng ý. ZhiJun đưa cho nhà gái tiền đãi tiệc 4 triệu đồng, tiền mua sính lễ trị giá 6 triệu đồng để ngày hôm sau làm lễ ra mắt. GenPo được ZhiJun trả 15.000 nhân dân tệ tiền môi giới kết hôn.
Buổi tiệc ra mắt được tổ chức hết sức chóng vánh. Gia đình chị Ch. mời bà con thân tộc, hàng xóm giới thiệu chàng rể tương lai. Đại diện nhà trai chỉ có chú rể và môi giới kèm phiên dịch. Trong khi nhà gái chè chén linh đình, ZhiJun nói nhỏ với GenPo đưa chị Ch. lên TP.Cần Thơ để du lịch. Sau khi thuê phòng tại bến Ninh Kiều, sáng hôm sau ZhiJun dẫn cô dâu về Sóc Trăng trả lại cho gia đình vợ. Dù không biết tiếng Trung Quốc nhưng với điệu bộ của chàng rể tương lai, gia đình chị Ch. hiểu phần nào sự việc. ZhiJun cho rằng bản thân bị lừa, chị Ch. “không còn con gái” và đã có một đời chồng nhưng gia đình tiếp tục gả cho y. Thế là chàng rể bất chấp van nài của gia đình vợ, lớn tiếng đòi lại tiền chi phí tổ chức đám cưới và mua sính lễ. Gia đình chị Ch. sợ hàng xóm chê cười đành vay mượn đưa cho ZhiJun 10 triệu đồng. Gã còn hậm hực đòi tiền môi giới nhưng thấy cảnh nghèo túng nhà vợ đành quay về TP.Cần Thơ nhờ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh can thiệp.
Liu Xiang là một người đàn ông Trung Quốc lấy vợ Việt Nam Ảnh: Xiang chụp chung với cô gái Việt anh định cưới. |
Ba ngày sau, ZhiJun tìm gặp GenPo tại khách sạn Mimoza (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Chẳng một tiếng hỏi han, ZhiJun xông vào túm áo GenPo đòi lại tiền môi giới. Không được GenPo đồng ý, hai bên xảy ra cự cãi. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.Cần Thơ tiến hành kiểm tra khách sạn trên phát hiện thêm một công dân Trung Quốc tên Huang ZhiShi không mang theo giấy tờ tùy thân. Tại cơ quan công an, ZhiShi cho rằng mình đến Cần Thơ đòi vợ. Qua môi giới, ZhiShi về miền Tây cưới vợ. Thế nhưng sang nhà ZhiShi không bao lâu, cô dâu bỏ trốn. Tiếc của, ZhiShi về Cần Thơ để đòi tiền gia đình vợ.
GIỞ THÓI CÔN ĐỒ
Sau nhiều lần nài nỉ chàng rể Trung Quốc nhưng không được chấp thuận, gia đình chị Huỳnh Thị D.H (SN 1992, ngụ phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) đành tìm đến cơ quan công an cầu cứu. Chị H. cho biết, mấy ngày nay gia đình chị sống trong lo sợ. Chồng tương lai cùng người môi giới dọa sẽ hành hung, đập phá nhà chị. Cuối tháng 2-2013, bà Võ Thị Mỹ Nương (SN 1961, ngụ xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, người chuyên môi giới lấy chồng ngoại) tìm đến gia đình H. Qua vài câu xã giao, bà Nương đặt thẳng vấn đề: “Cháu H. lập gia đình được rồi. Tôi có nhiều mối nước ngoài nhờ vả. Gia đình người ta khá giả, nếu H. đồng ý tôi chọn rể cho, sang bển sống yên thân lại còn giúp được gia đình”.
Một người đàn ông Trung Quốc tên Li Shipeng trong cửa hàng thử váy cưới với vợ chưa cưới là một cô gái Việt Nam. |
Trước lời mời chào khá hấp dẫn của bà Nương, gia đình H. đồng ý bởi mong ước được đổi đời. Đầu tháng 3-2013, bà Nương dẫn một thanh niên tên Huang Xiong Hu (SN 1983, quốc tịch Trung Quốc) xuống gia đình H. để ra mắt. Do quá tin tưởng bà Nương, gia đình H. không nghi ngờ gì nên đồng ý. Ngày 3-3-2013, gia đình tổ chức lễ vu quy vội vàng cho con gái. Chàng rể Huang Xiong Hu đưa cho gia đình H. 10 triệu đồng làm chi phí đãi tiệc cùng nhẫn cưới, dây chuyền khoảng 1,5 chỉ vàng 18K. Khi tổ chức tiệc cưới, chị H. phát hiện điều không bình thường của chú rể. Mỗi lần gia đình H. yêu cầu chụp ảnh lưu niệm, chàng rể lắc đầu từ chối.
Mối nghi ngờ được nhân lên khi Huang Xiong Hu không làm thủ tục đăng ký kết hôn. Y thuê phòng trọ tại nhà nghỉ chung sống như vợ chồng với chị H. và hứa một tháng sau thủ tục đăng ký kết hôn cùng tờ bảo lãnh chị sang Trung Quốc sẽ hoàn tất. Dù nghi ngờ nhưng chị H. vẫn chấp nhận chung sống với chồng ngoại chờ ngày nhận thủ tục xuất cảnh. Tuy nhiên, chàng rể ngoại không thực hiện lời hứa. Chị H. dọa về lại gia đình, Huang Xiong Hu kêu bà Nương đưa H. lên TPHCM làm thủ tục đăng ký kết hôn (theo đúng quy định, đăng ký tại Sở Tư pháp TP.Cần Thơ).
Đến đây, chị H. biết gặp phải gã sở khanh cùng môi giới lừa đảo. Hàng ngày, bà Nương cùng một người dẫn chị H. đến một số cơ quan nhưng ngồi quán cà phê vỉa hè. Chị H. nhiều lần yêu cầu xem giấy tờ cần thiết nhưng bà Nương không đồng ý. Chán nản, H. khăn gói về lại quê. Lập tức, chú rể giở thói côn đồ cùng bà Nương tìm đến nhà chị đập phá đồ đạc, bà Nương còn in tờ rơi dán cột điện cho rằng gia đình chị H. lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Theo Báo CATPHCM