'Rẽ ngang' khởi nghiệp thành công

Anh Trần Ðức An khởi nghiệp với sâm Ngọc Linh. Ảnh:NVCC
Anh Trần Ðức An khởi nghiệp với sâm Ngọc Linh. Ảnh:NVCC
TP - Trần Ðức An và Ðinh Thị Thu là hai gương mặt tiêu biểu trong Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2019, do T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức. Với khát vọng làm giàu, xây dựng thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, họ đã từ bỏ công việc ổn định gắn với lĩnh vực được đào tạo để khởi nghiệp - con đường không rải hoa hồng.

Ông chủ sâm Ngọc Linh

Trần Đức An là GĐ điều hành Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Kon Tum. Anh An vốn tốt nghiệp ngành Kế toán Kiểm toán, được giữ lại trường làm giảng viên và học thạc sỹ ngành Kinh tế. Tuy nhiên, anh đã sớm chọn rẽ một lối đi khác.

Anh An cho biết: “Tôi bắt đầu để ý đến sâm Ngọc Linh khi năm 2010 tình cờ nghe mẹ nói mua nhiều sâm, nhưng không bán được, trong khi mỗi lạng hao đi thì mất tiền triệu. Tôi sử dụng mối quan hệ của mình và đăng thông tin lên các trang rao vặt trực tuyến và nhanh chóng bán được hàng, lợi nhuận cao. Từ câu chuyện đó, tôi nhận ra thị trường sâm Ngọc Linh rất trống. Và năm 2011, tôi quyết định nghỉ dạy ở trường, chuyển hẳn sang kinh doanh”.

Những đơn hàng từ khắp nơi trên cả nước vẫn nhộn nhịp chuyển đến công ty, nhưng anh An nhận ra “nguồn sâm sẽ nhanh chóng cạn kiệt nếu cứ khai thác từ tự nhiên” và thị trường ngày càng có nhiều sự cạnh tranh, thậm chí xuất hiện việc trà trộn làm sâm giả. Điều này thôi thúc anh An tìm địa điểm và mua sâm gốc để trồng theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại. Đến nay, anh đang làm chủ cơ ngơi 48ha trồng sâm, trong đó, có nhiều ha sâm lâu năm, từ 6-12 năm tuổi. Vườn sâm tạo việc làm thường xuyên cho 8 nhân viên và hàng trăm hộ dân địa phương.

Để có những "mùa vàng" giống sâm quý, anh An gặp không ít thất bại tiêu tốn hàng tỷ đồng. Anh kể, lần đầu gieo hạt trồng thử nghiệm tại huyện Đăk Glei mất trắng 300 triệu đồng, vì độ ẩm của đất không phù hợp, củ sâm thối. Chuyển đến huyện Tu Mơ Rông có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp hơn, cây sâm sinh trưởng tốt, anh lại thêm một lần tay trắng sau trận lũ lớn.

“Tôi muốn đưa giá trị bổ dưỡng của sâm Ngọc Linh đến với đông đảo người tiêu dùng với mức giá hợp lý, để loại thảo dược này, mọi người dân Việt Nam đều có cơ hội được dùng”.

 Trần Ðức An, GÐ điều hành Cty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Kon Tum

Không chỉ làm chủ nguồn giống tạo nền tảng vững chắc xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh, anh An và công ty còn cho ra đời nhiều sản phẩm từ loại thảo dược quý này, như trà hòa tan, collagen làm đẹp, cao sâm Ngọc Linh... “Tôi muốn đưa giá trị bổ dưỡng của sâm Ngọc Linh đến với đông đảo người tiêu dùng với mức giá hợp lý, để loại thảo dược này, mọi người dân Việt Nam đều có cơ hội được dùng đến”, anh An nói.

Cử nhân sư phạm mở công ty

'Rẽ ngang' khởi nghiệp thành công ảnh 1 Chị Ðinh Thị Thu là một trong 10 doanh nhân trẻ xuất sắc năm 2019. Ảnh: Xuân Tùng

Chị Đinh Thị Thu, Tổng GĐ công ty TNHH Đầu tư Thương mại Đinh Đinh Việt Nam (Bắc Ninh), là một trong số ít những gương mặt nữ lọt top 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc được vinh danh năm 2019. Tốt nghiệp ngành Tiếng Trung, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, chị Thu sang Trung Quốc học ngành Quản trị Kinh doanh và thực tập, làm thêm trong nhiều doanh nghiệp để thực hiện ước mơ kinh doanh. “Sinh ra trong gia đình làm kinh doanh, tôi sớm quan tâm đến vấn đề kinh tế. Kiến thức kinh tế, ngoại ngữ trong nhà trường và kinh nghiệm đi làm thêm đã tạo điều kiện cho tôi tiếp xúc với nhiều công nghệ mới đã thôi thúc tôi khởi nghiệp”, chị Thu nói.

Tháng 8/2015, chị mở công ty với số vốn 70 triệu đồng từ tiền tích góp. Công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại, linh phụ kiện điện tử khu chế xuất, phân phối sản phẩm máy móc, bao bì.

Chị Thu cho biết, sau ba tháng thành lập, công ty đã nhận được đơn hàng đầu tiên và có sự phát triển nhanh chóng. Sau một năm thành lập, doanh thu công ty đạt 700 triệu đồng. Đến năm 2017 đạt 8 tỷ đồng, 2018 lên hơn 38 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019, đạt 300 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận đạt tầm 5-10%”.

Từ những ngày đầu công ty chỉ là văn phòng nhỏ ở Bắc Ninh, với hai người, chị Thu và một nhân viên kế toán kiêm giao hàng. Đến nay, công ty đã có thêm chi nhánh ở Bình Dương, sắp tới sẽ mở tại khu vực miền Trung. Số lượng nhân viên đã có 43 người, chưa kể đội ngũ chuyên gia nước ngoài. “Nhân viên của công ty đều là người trẻ, bạn trẻ nhất sinh năm 1998, lớn tuổi nhất sinh năm 1981. Chính sự trẻ trung, nhiệt huyết của những người trẻ đã mang đến năng lượng, sự sáng tạo để công ty phát triển”, chị Thu chia sẻ.

Chị Thu đặt mục tiêu 5 năm tiếp theo tập trung sản xuất hàng hóa, mở thêm nhà máy sản xuất. “Công ty tập trung lĩnh vực sản xuất bao bì với việc mở xưởng chế tạo, để chuyển từ việc nhập khẩu các mặt hàng made-in Trung Quốc, Đài Loan sang xây dựng thương hiệu made-in Việt Nam”, chị Thu nói.

Theo chị Thu, khó khăn lớn nhất của công ty lúc này là đội ngũ nhân lực. Chị Thu cho rằng, để công ty phát triển cần đội ngũ quản lý nhân lực chất lượng, công nghệ, nhất là đội ngũ phục vụ sau bán hàng rất quan trọng với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

MỚI - NÓNG