Rẻ hóa đắt

Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1 do nhà thầu Trung Quốc thực hiện là một trong những dự án bị chậm tiến độ. Ảnh: Vũ Hân
Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1 do nhà thầu Trung Quốc thực hiện là một trong những dự án bị chậm tiến độ. Ảnh: Vũ Hân
TP - Những năm gần đây, hàng loạt dự án điện, xi măng nhà thầu Trung Quốc thắng thầu thi công tại Việt Nam, vì có giá bỏ thầu thấp. Nhưng khi triển khai phần lớn chậm tiễn độ, sự cố hỏng hóc liên tục xảy ra khiến nhiều dự án bị đội vốn, rẻ hoá đắt.

> Hàng nội “ra rìa” trong các dự án lớn
Kiến nghị xem lại chất lượng nhà thầu Trung Quốc

Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1 do nhà thầu Trung Quốc thực hiện là một trong những dự án bị chậm tiến độ. Ảnh: Vũ Hân
Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 1 do nhà thầu Trung Quốc
thực hiện là một trong những dự án bị chậm tiến độ. Ảnh: Vũ Hân.
 

Trục trặc và chậm tiến độ

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, từ năm 2003 đến nay có 13 dự án nhiệt điện than, chiếm gần 30% công suất toàn ngành điện, do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC (chìa khoá trao tay). Trong lĩnh vực xi măng, 62 dây chuyền thì có tới 49 dây chuyền do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

Ngành hóa chất có 6 dự án đạm urê, DAP thì có tới 5 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu, chiếm 83%. Có 2 dự án chế biến khoáng sản (tổ hợp chế biến Bauxite- nhôm Lâm Đồng và dự án alumin Nhân Cơ- Đăk Nông) thì cả hai đều do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Với tổng giá trị các gói thầu lên tới cả trăm tỷ USD.

Đặc điểm chung, nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện do ngành than và EVN quản lý, làm chủ đầu tư, dù được bỏ thầu giá rẻ nhưng lại bị chậm tiến độ gây thiệt hại khó thống kê được. Như nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn bị chậm 28 tháng, Nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, Nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng, Nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, Nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng. Các dự án do ngành điện quản lý và đầu tư như Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 và Nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 đều chậm từ 18- 24 tháng, đến nay vẫn chưa thể bàn giao được.

Điển hình như bộ phận đuôi hơi Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn; thiết bị phụ và hệ thống thải tro xỉ dự án Nhiệt điện Sơn Động; đường ống sinh hơi, quá nhiệt, máy nghiền và hệ thống than của dự án Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh…trong quá trình vận hành thử đã bộc lộ những khiếm khuyết như hệ thống quạt gió, thải xỉ, cấp than dẫn đến phải dừng lại để sửa chữa hoặc thay thế mất rất nhiều thời gian do phải chờ đặt thiết bị từ nước ngoài.

Thực tế ở một số nhà máy, trong quá trình thực hiện công tác mua sắm thiết bị, nhà thầu nước ngoài, chủ yếu là nhà thầu Trung Quốc thường đề xuất một số thay đổi tiêu chuẩn vật liệu và thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp thiết bị, vật tư.

Đây cũng là những vấn đề đã được chính các chủ đầu tư như EVN, Vinacomin báo cáo trong các văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây. Ước tính việc chậm tiến độ các dự án gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tính cả phần đội vốn thì con số này phải lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Không dám xử mạnh tay

Tại hội thảo “Nhà thầu Việt, cần gì để thắng thầu” do Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia cho biết nhà thầu nội mặc dù đã có nhiều nỗ lực song vẫn bị lép vế trên sân nhà.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cho biết: Hầu hết các dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận trong Quy hoạch Điện VI đều bị chậm tiến độ kéo dài, thậm chí không triển khai được là do các nhà thầu năng lực yếu, không thực hiện được các cam kết với chủ đầu tư. Ngoài ra, lỗ hổng trong quy định thắng thầu nhờ giá rẻ cũng cần phải sớm sửa đổi.

Theo ông Dương Văn Cận, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện có nhiều ý kiến cho rằng có tình trạng trên là do chúng ta đang “dĩ hòa vi quý” với nhà thầu Trung Quốc. Nhà thầu này chấp nhận hết các điều kiện chủ đầu tư đặt ra khi đàm phán, nhưng khi thực hiện hợp đồng lại không tuân thủ các điều khoản ghi trong hợp đồng. Còn về phía chúng ta, thì chủ đầu tư, vì nhiều lý do, lại không dám mạnh tay với các nhà thầu vi phạm.

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công Thương, nói: “Hiện trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo nhà máy nhiệt điện chúng ta chưa có thế mạnh gì. Chúng ta chỉ có thế mạnh là thị trường lớn. Như phân tích từ nay đến 2025 chúng ta có thị trường gần 100 tỷ USD. Nếu chế tạo trong nước được thì đã được 30-40 tỷ USD.

Đây là thế mạnh để đi đàm phán với nước ngoài. Nếu làm cách đó, chắc chắn chỉ cần 3 đến 5 dự án là ta đạt được mục đích 40% tỷ lệ nội địa hóa. Trung Quốc và Hàn Quốc họ vận dụng việc này triệt để và đã thành công. Việt Nam, Indonesia và Thái Lan không tận dụng được lợi thế này, chưa có sự hỗ trợ quyết tâm của Chính phủ”.

Thống kê của Bộ Kế hoạch&Đầu tư cho thấy, năm 2010 có tới 248.000 tỷ đồng giá trị gói thầu xây lắp. Trong đó, nhà thầu Trung Quốc chiếm gần 50% giá trị gói thầu, Việt Nam 39%, còn lại là Nhật Bản và các nước khác.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 1 năm vừa qua, giá trị thiết bị sản xuất trong nước được sử dụng trong các dự án đầu tư chỉ đạt khoảng hơn 16.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 18,6%. Các dự án do tổng thầu Trung Quốc thực hiện được họ bao thầu từ đầu đến chân, thậm chí mang cả lao động phổ thông vào Việt Nam, trong khi có rất nhiều hạng mục chúng ta có thể đảm nhận.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.