Rau đột biến

0:00 / 0:00
0:00
Rau đột biến
TP - Trong thế giới thực vật cảnh, mấy thứ đột biến hay được chuộng. Ban đầu chỉ là sự trầm trồ muốn sở hữu những “kỹ xảo” của tự nhiên. Kế đó là sự nhúng tay của các… “bàn tay” không “vô hình” cho lắm.

Phải nói quá giỏi cho những người đẩy được giá lan đến cỡ chục tỷ đồng- một cơ nghiệp mà bao người chăm chỉ cả đời chẳng dám mơ tới. (Bàn tay vô hình: Theo Adam Smith, trong nền kinh tế thị trường tự do, mỗi cá nhân theo đuổi một mối quan tâm và xu hướng lợi ích riêng, và chính các hành động riêng lẻ này lại có xu hướng củng cố và tối đa hóa lợi ích của cả cộng đồng thông qua một "bàn tay vô hình").

Làm giàu ở ta với một số người “nhanh nhạy” hẳn dễ hơn nhiều nước khác. Thì đấy, cho đến giờ ta vẫn tranh cãi, chưa “dám” thu thuế những khoản tiền tỉ vợt từ lan. Với lập luận cây lan cũng là sản phẩm trồng trọt chưa chế biến, người bán lan nào khác nông dân… Nhưng hình như chưa có ai lấy lan (đột biến) từ rừng về mà bán được tiền to ngay. Phải qua nhiều khâu chọn lọc, nhân giống và đương nhiên “thổi giá”. Và liệu có ai là người cuối cùng trong đường dây “đa cấp” mua nhành lan chục tỷ về không với mục đích bán lại, mà chỉ để ngắm?! Nếu có họ phải làm cách nào cho giàu đến cỡ bỏ chục tỷ mua hoa chơi không tiếc?

Trong một xã hội có nhiều “đại gia” làm giàu bằng chất xám, bằng trí tuệ, tạo ra những của cải vật chất thiết thực hẳn người ta sẽ tiêu tiền cách khác, có những thú chơi khác. Xét về thú chơi, không thể so tàu buồm hay lan đột biến sang chảnh hơn, nhưng rõ ràng cách chơi của ta vẫn ăn sẵn. Vẫn lậm vào thiên nhiên, không phải nghĩ ngợi tạo tác gì nhiều. Mà chơi cũng đâu vô tư. Người ta trông chờ vào cánh lan mong manh lên giá còn nhanh hơn bất động sản.

Khách quan mà nói ngoài đặc tính hiếm ra thì bông lan đột biến cũng có vẻ đẹp… bình đẳng như bao bông lan khác. Giá trị phi phàm của nó hoàn toàn do một nhóm người quy ước với nhau. Sức hút lớn của đồng tiền khiến một số người mờ mắt. Mới đây có 3 người báo công an vì đã chuyển 11 tỉ cho một chủ vườn lan ở Ứng Hòa, Hà Nội để mua lan đột biến, nhưng đến ngày giao hàng thì người bán cũng đột (nhiên) biến mất. Kể cũng lạ bỏ ra cả tỷ đồng mà vẫn không chắc với chất lượng sản phẩm mình mua, thậm chí còn không đảm bảo nhận được hàng. Chỉ có ở thị trường “đột biến” Việt Nam.

Các nhà khoa học cho biết nuôi cấy mô vẫn đảm bảo gen đột biến nhưng người chơi lan thì lại khăng khăng tách mầm mới ăn chắc. Vả lại cấy mô ra hàng loạt cây đột biến thì giá làm sao đột biến được. Nhưng dù là nhà khoa học hay nhà báo trước thực trạng này chủ yếu vẫn đưa ra những thông tin giúp dân đầu tư lan tránh bị lừa chứ vẫn công nhận lan đột biến là một mô hình làm kinh tế. Trong khi bản chất nó không sinh ra của cải vật chất hay lợi ích gì cho xã hội. Ngược lại dễ thấy lừa đảo, bất an, rối ren… khi vài nơi dân tình đổ xô đi trồng lan bất chấp những bài học nhãn tiền.

Dù sao thì lãng mạn đồng thời thực tế như người Việt không ai bằng. Đúng là “Lưng đeo gươm/ Tay mềm mại… bán hoa” (xin lỗi nhà thơ Huy Cận). Chứ như người Bhutan lại thực tế quá. Bạn tôi bên đó vừa gửi về loạt ảnh cả vài chùm hoa lan đẹp lộng lẫy nằm gọn trong chảo. Kèm chú thích: “Ở Bhutan, lan ngập rừng, các loại lan. Và người ta hái bó từng mớ, bán ở hàng rau, mua về xào với ớt và phô-mai...” (tất nhiên không phải loại lan nào cũng ăn được). Trong số đó chưa biết chừng có vài cọng rau lan đột biến trị giá tiền tỷ theo thang giá của người Việt. Ăn sang đến thế là cùng!

Việc họ có sẵn lan để đánh chén là do dân ít, rừng nhiều và được bảo vệ tốt. Và lan cũng mọc như rừng chả phải chiết ghép căn ke cầu kỳ như ở ta. Âu cũng là những thú ăn thú chơi khác nhau chẳng thể so sánh. Mới đây theo một tổ chức nghiên cứu nào đó ở Anh thì Việt Nam mới là đại diện châu Á có chỉ số hạnh phúc cao nhất, đâu phải Bhutan…

MỚI - NÓNG