> Táng tận lương tâm
> Ăn & lo đến bao giờ?
Dán tem cho rau sạch
Tại cuộc họp bàn xung quanh việc triển khai hệ thống tiêu thụ rau an toàn (RAT) ngày 29-11, theo đánh giá của các ngành, hiện ở Hà Nội có 55 điểm kinh doanh bán RAT tại các quận trung tâm như: Hoàn Kiếm (17 điểm), Đống Đa (27 điểm), Ba Đình (3 điểm), Hai Bà Trưng ( 8 điểm).
Mô hình bán hàng lưu động đến các khu dân cư, khu tập thể, các cơ quan… đang thu hút sự chú ý của người dân, lượng tiêu thụ RAT có điểm đã lên tới 60 – 100 kg/ ngày.
Tuy nhiên theo Sở Công thương, so với nhu cầu thì hệ thống tiêu thụ, mạng lưới kinh doanh RAT trên địa bàn còn mỏng, quy mô nhỏ lẻ, manh mún và chưa được đầu tư thỏa đáng.
So với hệ thống tiêu thụ rau củ quả thông thường, hệ thống tiêu thụ RAT chỉ chiếm số lượng nhỏ. Ngoài ra, không ít điểm bán RAT hoạt động kém hiệu quả, thậm chí phải đóng cửa do sức mua thấp. Đặc biệt, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng rau còn thiếu...
Thời gian tới Hà Nội hoàn tất 100% treo biển nhận diện tại các điểm bán RAT và tăng thêm các điểm bán hàng.
TP yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các doanh nghiệp, HTX bán RAT để thực hiện dán tem vào sản phẩm, giúp cho người tiêu dùng dễ nhận biết và kiểm soát được sản phẩm.
Cụ thể, tất cả các điểm bán rau phải có biển nhận diện theo mẫu đã được phê duyệt.
“Sở Công thương triển khai đến các doanh nghiệp, HTX bán rau để thực hiện và kiểm tra việc treo biển. Mặt khác, giao Sở Xây dựng đề xuất 10 điểm tại tầng 1 các toà nhà chung cư có thể bố trí bán rau” - lãnh đạo UBND TP yêu cầu.
Cán bộ chịu trách nhiệm trước rau
Trước những lo ngại về chất lượng RAT cũng như nguồn cung, bà Nguyễn Thị Hoa - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội - cho rằng, chỉ cần giải được bài toán người dân cần có RAT được cung cấp tận nhà với giá ngang giá thị trường.
“Hiện nay, có tổng diện tích là 12.000ha canh tác rau, trong đó có 3.800ha sản xuất RAT. Từ nay đến 2016, chúng tôi phấn đấu có thể nâng diện tích RAT lên đến 6.200ha. Lượng rau này thoải mái cung cấp cho hàng nghìn cửa hàng RAT của Hà Nội. Chúng tôi cũng đang hướng tới xuất khẩu sang Nhật Bản” - bà Hoa tự tin nói.
Về chất lượng RAT, theo Chi cục Bảo vệ Thực vật, họ đã được thành phố giao chịu trách nhiệm quản lý từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.
“Khi người tiêu dùng ăn xong chúng tôi mới hết trách nhiệm. Hà Nội có bao nhiêu hecta rau an toàn, đơn vị đã nắm trong lòng bàn tay. Các kỹ sư nông nghiệp cũng được cử xuống tận nơi sản xuất để giám sát quá trình canh tác của người nông dân. Bên cạnh đó, thanh tra chuyên ngành thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra nông dân xem có gì sai phạm không để xử lý, và họ cũng lấy mẫu ngẫu nhiên ở những đơn vị có nghi ngờ về chất lượng để kiểm chứng lại chất lượng RAT, xem người trồng có tuân thủ hay không” - bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, nếu để xảy ra tình trạng RAT không an toàn khi ra thị trường, không chỉ người nông dân sản xuất phải có trách nhiệm trước người tiêu dùng mà ngay các cơ quan quản lý, các kỹ sư cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
“Nếu kỹ sư làm sai trong quản lý RAT, tôi cũng phải chịu tránh nhiệm liên đới. Kỹ sư không bị phạt tiền nhưng cũng có thể bị kỷ luật hoặc chuyển công việc” - bà Hoa nhấn mạnh.
Khi dán tem đảm bảo chất lượng cho RAT, kỹ sư phải đồng chịu trách nhiệm với người dân, còn người sản xuất phải chịu trách nhiệm nặng nhất.
“Thời gian tới, Hà Nội sẽ ký hợp tác phân phối rau an toàn với 15 tỉnh thành. Các tỉnh phải định vị các vùng RAT để các kỹ sư của Hà Nội có thể kiểm tra đột xuất. Hơn nữa, khi đưa RAT vào Hà Nội tiêu thụ thì phải có địa chỉ rõ ràng để chúng tôi kiểm soát. Sau đó họ phải kiểm tra, thẩm định để cấp giấy chứng nhận RAT để đưa về Hà Nội” - lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật nói.
Tổng diện tích rau canh tác trên địa bàn Hà Nội đạt 12.041ha phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã với trên 40 chủng loại rau. Trong đó, vùng sản xuất RAT tập trung có 25 dự án với tổng diện tích 1.652ha; trong đó có 9 dự án đã được phê duyệt đầu tư với tổng diện tích đạt 403ha. |