Sự thật từ bệnh nhân 7 năm điều trị ung thư:

'Rất nhiều người bệnh ung thư 'tự giết nhau'

Trong 7 năm điều trị ung thư, chị Cẩm Bào đã chứng kiến rất nhiều cái chết tức tưởi của bệnh nhân ung thư, do bệnh nhân tự chia sẻ kinh nghiệm điều trị cho nhau.

Cái chết không sợ bằng những dự định chưa thực hiện được

7 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư, trải qua hơn 70 lần truyền hóa chất, nữ nhà báo Trần Thị Cẩm Bào (Phó Tổng thư ký Tạp chí Tri thức công nghệ) vẫn kiên cường chiến đấu. Chị chưa bao giờ sợ cái chết và cũng không nghĩ sẽ đầu hàng thần chết dễ dàng.

Lần nào cũng vậy khi tôi gặp chị, câu đầu tiên chị hỏi tôi không phải là công việc hay gia đình mà luôn là lời nhắc nhở: "Làm gì nhưng nhớ lo giữ gìn sức khoẻ, đau đâu khổ đấy".

Chị nhớ về thời gian cách đây 7 năm, khi đó chị 38 tuổi, đúng độ tuổi chín muồi về công danh, sự nghiệp thì chị nhận tin dữ mắc phải căn bệnh ung thư vú giai đoạn 2, di căn hạch.

 'Rất nhiều người bệnh ung thư 'tự giết nhau' ảnh 1 Ung thư giai đoạn cuối di căn ổ bụng, gan, nhưng chị Cẩm Bào vẫn không đầu hàng (ảnh Diệu Thuần).

"Tôi đã phải cắt đi một bên ngực, điều trị hóa chất, tia xạ tới tháng 7/2013 căn bệnh ung thư tạm thời được kiểm soát", chị Cẩm Bào nói.

Năm 2016, chị Cẩm Bào bị đau gối chân, sau khi làm các xét nghiệm chuyên sâu bác sĩ phát hiện ung thư di căn xương chậu.

Theo chị Cẩm Bào di căn là điều kinh khủng nhất đối với bệnh nhân ung thư, nó đáng sợ hơn rất nhiều tác dụng của hóa chất.

"Đứng trước sự sống và cái chết thì ai cũng phải sợ hãi, nhưng điều mà tôi sợ nhất là những dự định, kế hoạch muốn làm mà không kịp. Trong quá trình điều trị tôi luôn chia sẻ với bác sĩ điều trị về những dự định của bản thân, để bác sĩ định lượng thể trạng của tôi còn đủ để thực hiện kịp hay không.

Với tôi bác sĩ chính là bến đỗ bình an, giúp tôi yên tâm điều trị để thực hiện được kế hoạch ước mơ của mình".

7 năm đi điều trị ung thư chị Cẩm Bào đúc kết ra bệnh nhân đang đỏi hỏi bác sĩ rất nhiều thứ.

Chị Cẩm Bào cho hay: "Rất nhiều bệnh nhân đòi bác sĩ phải có đạo đức nghề nghiệp, nhưng bệnh nhân không biết mình cũng phải có đạo đức. Tôi đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều nhưng chưa một bệnh nhân ung thư nhận lỗi bệnh nặng về mình mà đều quy cho bác sĩ.

Họ không nghĩ được lý do căn bệnh của họ điều trị khó khăn, tốn kém là do họ đến bệnh viện khi ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân đòi hỏi bác sĩ có đạo đức như chính bản thân bệnh nhân chưa tự ý thức giữ gìn vệ sinh chung, đồng bệnh đã nắm chặt tay để giúp đỡ nhau.

Có những bệnh nhân khi đến bệnh viện lại bàn giao tất cả cho bác sĩ "trăm sự nhờ bác sĩ". Bác sĩ chỉ là người đưa ra phác đồ điều trị còn người thực hiện phác đồ đó là chính người bệnh. Bởi vậy, khi điều trị bệnh ung thư chính bản thân người bệnh mới là người quyết định sinh mệnh của mình không phải bác sĩ".

 'Rất nhiều người bệnh ung thư 'tự giết nhau' ảnh 2 Điều trị bệnh ung thư chính bản thân người bệnh mới là người quyết định sinh mệnh của mình không phải bác sĩ, (ảnh Diệu Thuần).

7 năm chiến đấu ung thư căn bệnh của chị Cẩm Bào đã tiến triển tới giai đoạn cuối di căn gan, ổ bụng nhưng chị chưa bao giờ bỏ cuộc, phó mặc sinh mệnh mình cho bất cứu ai.

Chị cho biết, từ đầu năm 2019 số lần chị phải chuyển sang phòng cấp cứu nhiều tới mức, chị không còn nhớ nổi. Hiện nay, hàng ngày chị phải truyền morphine, hóa chất. Điều kỳ diệu đã đến, trong lần đánh giá gần đây nhất vào cuối tháng 4, thể tích khối u gan đã co lại đạt được 70%.

Đồng bệnh chữa bệnh cho nhau rút ngắn sự sống

Là bệnh nhân ung thư từng ngày, từng giờ chiến đấu với sự nhân lên của khối u ác tính, điều làm chị Cẩm Bào day dứt nhất là chứng kiến sự ra đi của người đồng bệnh không liên quan tới căn bệnh.

Chị đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân sau khi hóa chất, xạ ổn định chờ làm phẫu thuật, nhưng bệnh nhân đã nghe theo lời khuyên của người đồng bệnh không phẫu thuật và đã tử vong ít lâu sau đó.

Nhiều bệnh nhân ung thư đã chết oan vì tham khảo những ý kiến trên mạng, có bệnh nhân tham gia vào 30 trang nhóm trên mạng xã hội về ung thư, người bệnh thay vì hỏi ý khiến bác sĩ, lại hỏi ý kiến của nhau.

Đã có rất nhiều bệnh nhân ung thư bỏ điều trị, vào nhóm trên mạng xã hội thực hiện theo các phương pháp không chính thống như: uống nano vàng, tập Pháp luân công, ngồi thiền, ăn gạo lứt, uống bột giun, thải độc, đi gặp thầy lang…

Nhiều bệnh nhân chết oan uổng sau 3 tháng thực hiện, số lượng bệnh nhân bị bỏ mạng vì nghe theo lời khuyên của đồng bệnh nhiều tới mức khiến chị Cẩm Bào không nhớ được.

Theo chị Cẩm Bào, khi điều trị ung thư luôn phải tuân thủ và xin ý kiến của bác sĩ, xin ý kiến bác sĩ điều trị trực tiếp. Điều trị bệnh ung thư trên từng cơ thể của bệnh nhân, không thể điều trị như dây truyền công nghiệp.

"Tôi thấy rất nhiều người bệnh ung thư đã "tự giết" nhau" bằng cách mách nhau chữa bệnh.Đồng bệnh chữa bệnh cho nhau là rút ngắn sự sống. Đừng bao giờ nói mắc bệnh ung thư là chết, cái chết là do bệnh nhân tìm tới. Người bệnh ung thư hãy chọn cho mình một cái chết thực sự xứng đáng, chết khi bác sĩ hết cách điều trị.

 'Rất nhiều người bệnh ung thư 'tự giết nhau' ảnh 3 Nhà báo Cẩm Bào: Đồng bệnh với đồng bệnh chữa bệnh cho nhau là rút ngắn sự sống, (ảnh Diệu Thuần).

Tôi chưa bao giờ thấy có bệnh viện nào nói bệnh nhân giai đoạn cuối trả về. Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vẫn có thể sống vui vẻ bằng chăm sóc, giảm nhẹ tại bệnh viện. Bệnh nhân xin về và chết trong đau đớn, là do nguyên vọng của người bệnh muốn chết tại nhà, bệnh viện phải tôn trọng", chị Cẩm Bào chia sẻ.

Khi mẹ mất… "con sẽ coi như mẹ đang đi công tác xa!"

Chị Cẩm Bào chia sẻ, chị là người gốc Huế, con nhà Phật cho nên khi tiếp nhận việc mình bị mắc ung thư chị coi đó là biến cố trong cuộc đời.

"Trong cuộc đời ai cũng gặp biến cố, mắc ung thư như là biến cố của cuộc đời tôi, để từ đó giúp tôi tìm lối rẽ mới phù hợp với hoàn cảnh. Và tôi tin vào y học hiện đại, có thể y học không thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh ung thư, nhưng có thể kéo dài sự sống", chị Cẩm Bào nói.

Chia sẻ về câu chuyện đời tư của mình, chị Cẩm Bào cho biết, khi chị bị mắc bệnh, người đầu tiên chị nghĩ đến chính là đứa con gái bé bỏng Cẩm Anh (12 tuổi, con gái chị Cẩm Bào).

Thời điểm chị biết mình mắc ung thư khi đó bé Cẩm Anh mới 5 tuổi, bé nghĩ mẹ bị ốm, cảm, sốt thông thường. Nhưng khi bé lớn, bé đã tự tìm hiểu về căn bệnh của mẹ mắc, điều trị khó khăn, con đã rất buồn. Sau đó, bé cũng trở lên nghị lực hơn giúp mẹ mọi việc trong nhà, điều này khiến cho chị Cẩm Bào rất an tâm.

"Tôi biết con có những nỗi buồn để trong lòng không nói. Có lần con nói với tôi: "Mẹ ơi! Con mong chiều đi học về không phải tìm mẹ trên bầu trời", chị Cẩm bào xúc động chia sẻ.

Chị Cẩm Bào mong bé Cẩm Anh cố gắng học thật tốt, trở thành một người tốt và gặp được một người tốt, có thể thời điểm đó chị đã không còn trên thế gian.

"Đầu 2019, cháu biết sức khỏe tôi yếu đi rất nhiều so vài tháng trước, cháu đã động viên tôi cố gắng điều trị "Mẹ cứ yên tâm không có mẹ, con sẽ xem mẹ như đang đi công tác xa, công việc gia đình con vẫn lo được".

Cháu còn nói: "Nếu sau này mẹ mất, con nhớ mẹ sẽ vào mạng đọc những bài báo viết, xem lại những video viết về mẹ"", chị Cẩm Bào không cầm được nước mắt tâm sự.

Dù mắc phải căn bệnh ung thư quái ác nhưng chị Cẩm Bào luôn thấy mình rất may mắn vì có một người chồng 13 năm chung sống từ lúc nghèo khổ, gặp khó khăn bệnh tật nhưng anh luôn bên chị.

7 năm qua, có những thời điểm bệnh của chị tiến triển xấu nhưng chồng chị vẫn chăm sóc vợ tận tình, quán xuyến việc nhà.

"Chưa bao giờ tôi thấy chồng mình phàn nàn, cáu ngắt, than thở, chính bố con Cẩm Anh là nghị lực nguồn gió mát thổi vào tâm hồn của tôi, âm thầm đứng cỗ vũ động viên tôi vững bước", chị Cẩm Bào nói.

Những điều chị Cẩm Bào hết lòng chia sẻ với tôi cũng giống như một làn gió mát thổi nhẹ vào tâm hồn tôi về nghị lực sống của một con người. Cầu mong chị có đủ sức khỏe để vượt qua những chặng đường khó khăn đang đợi phía trước.

Theo Soha
MỚI - NÓNG