Kênh Hy Vọng dài khoảng 1,8 km chảy qua phường 15, quận Tân Bình, sau đó đổ ra kênh Tham Lương. Cùng với kênh A41 và Nhật Bản, đây là nơi thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, sau mỗi trận mưa lớn, rác từ các nơi đổ về ứ đọng dày đặc, bốc mùi hôi thối.
Các loại rác như chai nhựa, túi nylon, mút xốp, xác động vật... phủ kín mặt kênh.
"Đường Phan Huy Ích thường xuyên ngập nặng sau mưa là do rác thải dồn lại ngay miệng cống, nước không thể rút nên tràn lên đường", ông Lê Huy Thông, Bí thư chi bộ khu phố 12, nói.
Khu vực thượng nguồn con kênh đoạn nối từ phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất qua cầu Cống Lỡ, nhiều đoạn nước chuyển màu đen bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Ngoài rác thải, con kênh còn bị người dân lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy. "Lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức vớt rác, nhưng cứ sau 2-3 trận mưa, đâu lại vào đấy", ông Thông nói thêm.
Người dân tập kết rác thải thành đống dọc bờ kênh, mỗi khi có mưa lớn số rác này tràn xuống kênh gây tắc nghẽn cống.
Nhiều bao rác thải nặng được ném thẳng xuống kênh, không thể trôi đi.
Rác thải qua nhiều năm bám dày đặc hai bên bờ kênh, là nơi để chuột làm ổ.
Chính quyền địa phương cho biết thường xuyên tuyên truyền không xả rác, vứt rác xuống kênh, nhưng ý thức người dân sống xung quanh kênh chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Ngoài rác thải, kênh Hy Vọng còn bị bức tử bởi các loại nước thải, bốc mùi hôi thối.
Mới đây, trung tâm chống ngập TP HCM kiến nghị UBND thành phố cải tạo kênh Hy Vọng bằng vốn ngân sách với tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng. Dự án nhằm giải quyết thoát nước chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất và lưu vực dọc hai bên kênh.
Không chỉ kênh Hy Vọng, nhiều con kênh khác ở TP HCM cũng đang chết dần vì rác. Trong đó, kênh Tô Hiệu (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) dù được xây dựng, cải tạo kè nhưng rác thải phủ kín mặt kênh, kèm mùi hôi thối nồng nặc.
Hàng nghìn người dân sống dọc rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) nhiều năm nay cũng phải ăn, ngủ bên dòng kênh hôi thối ngập rác thải.
Tại cuộc họp sơ kết chương trình đột phá về giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 diễn ra hồi tháng 5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước để xây nhà, xả rác bừa bãi xuống kênh rạch ngày càng trầm trọng. Ông cho rằng, câu chuyện chống ngập của TP HCM là sự phối hợp của cơ quan chức năng và các địa phương.