Sách giáo khoa tiểu học và trung học vẫn thấy xuất hiện cách phiên âm tên nước ngoài như: Ô-nô-rê Đờ Ban- dắc, Mô-rít-xơ Mát-téc-lích, Lốt Ăng-giơ-lét, Critxtian Anđécxen,...Chính cách phiên âm này gây khó khăn cho cả cô lẫn trò.
Nhiều giáo viên cho rằng, dù là tiếng gì thì nên để nguyên chữ gốc rồi mở ngoặc phiên âm cách đọc để giáo viên có thể đọc được và giúp việc tra cứu tài liệu thuận lợi trong việc tìm kiếm.
Trao đổi với các tác giả tham gia viết sách giáo khoa vào năm tới, họ chia sẻ sẽ vẫn sử dụng phiên âm bên cạnh tên riêng nước ngoài nguyên dạng dù nhiều ý kiến cho rằng như vậy là lạc hậu, gây rắc rối thêm và không thực sự cần thiết.
Nhiều giáo viên đề xuất thời điểm này vẫn cần phiên âm bên cạnh để nguyên dạng từ gốc |
Có nên chỉ để tên nước ngoài nguyên dạng không?
Trước đề xuất nên để tên riêng nước ngoài trong sách giáo khoa và chỉ ghi nguyên dạng, một nữ Tiến sĩ ngôn ngữ học cho rằng, điều này còn tùy theo đối tượng tiếp nhận.
Theo nhà ngôn ngữ học, học sinh cấp 1 chưa được tiếp xúc ngoại ngữ nhiều nếu để nguyên dạng e là khó đọc. Vì vậy, việc phiên âm sẽ giúp các em dễ đọc hơn. Còn đối tượng tiếp xúc nhiều với ngoại ngữ thì việc để nguyên dạng lại hợp lí hơn.
Là người đang tham gia viết sách Vật lý lớp 7 và lớp 10, ông Đào Tuấn Đạt- giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, với tên riêng người nước ngoài ông cùng nhóm tác giả vẫn sử dụng phiên âm và sau đó có tên nước ngoài.
Cô Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên dạy môn Địa lý ở TP.HCM cho rằng, dù biết việc phiên âm theo ý kiến nhiều người là lạc hậu nhưng quy định sẽ không bỏ được. Cô Hiệp cho rằng, sách mới tái bản hiện nay đã có bước tiến khi vừa có phiên âm và có ghi thêm tên nước ngoài nguyên dạng kèm theo.
"Nếu sách cũ nếu tái bản thì cũng nên cập nhật bổ sung tên nước ngoài nguyên dạng kèm theo bên cạnh phiên âm của từ đó"- cô Hiệp đề xuất.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên dạy môn Lịch sử của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng cho rằng, vẫn nên để phiên âm bên cạnh từ gốc. Vì trình độ hiện nay của học sinh, giáo viên không đồng đều giữa các vùng, miền mình cứ để cả hai loại là phù hợp nhất.
“Hoặc để từ gốc có phần phụ lục cách đọc và phiên âm cách đọc cuối sách. Điều này khiến học sinh dễ hơn trong việc tra cứu và đọc cho tốt”- cô Thảo đề xuất.
Việc xuất hiện tên riêng nước ngoài chủ yếu là lịch sử thế giới nhưng có những ngôn ngữ mình không học, không biết tiếng đó nên không biết cách đọc. Thực tế trong sách Lịch sử có những phần kiến thức mà có Ấn Độ cổ, Tiếng Ả rập... Việc có phiên âm sẽ giúp mình phát âm, nói và giảng tạm ổn khi không biết nhiều ngoại ngữ khác nhau”, một giáo viên chia sẻ.