Ra mắt giải thưởng Dế Mèn dành cho thiếu nhi

Dế Mèn- giải thưởng thường niên dành cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật giải trí xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ) vừa được báo Thể thao và Văn hóa công bố. Dế Mèn quan tâm các sản phẩm thuộc tất cả các loại hình nghệ thuật cũ và mới bao gồm cả truyện tranh và trò chơi điện tử- trực tuyến.

Dế Mèn bao gồm một giải lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight) và một số tặng thưởng Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire). Hội đồng giám khảo của Giải thưởng 7 người, gồm hai Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa, nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Thành Chương, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh, họa sĩ truyện tranh Lê Linh và nhà báo Lê Xuân Thành (TBT báo Thể thao và Văn hóa) làm Trưởng BTC.

Ra mắt giải thưởng Dế Mèn dành cho thiếu nhi ảnh 1 Lễ ra mắt giải thưởng tại Hà Nội chiều 27/5

Do dịch COVID-19, lễ trao giải năm nay được tổ chức vào dịp Tết Trung thu. Từ mùa giải sau, Lễ trao giải cố định tổ chức vào dịp Tết Thiếu nhi 1/6. Các sáng tác, trình diễn đạt tiêu chí giải thưởng được công bố hoặc phát hiện trong vòng một năm trước lễ trao giải đều có thể dự giải. Giải thưởng chào đón cả các tác phẩm đã hoàn thiện nhưng chưa công bố, nếu tác giả, chủ sở hữu đồng ý cung cấp cho BTC. Những tác phẩm của tác giả nước ngoài nhưng sáng tác, trình diễn vì thiếu nhi Việt Nam cũng được xét.

Giám khảo Nguyễn Quang Thiều phát biểu: “Tôi từng đi rất nhiều nước trên thế giới, từng đến những khu vực dành cho sách thiếu nhi, đặc biệt là ở những hội chợ sách quốc tế, tôi càng thấy rằng sách thiếu nhi ở Việt Nam quá ít ỏi. Chúng ta có thể dịch sách thiếu nhi nước ngoài. Nhưng nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì ở bên trong chúng, mặc dù vẫn có những vẻ đẹp tâm hồn được tạo dựng, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam và những giấc mơ khác của người Việt.”

Giám khảo Nguyễn Thụy Kha bày tỏ: “Tôi rất mừng vì trên cánh đồng hạn có một ‘cơn mưa’ là Dế Mèn. Lâu nay, chúng ta quá tập trung vào các giải thưởng khác mà quên đi giải thưởng cho thế hệ của tương lai”. Ông cũng chỉ ra một thách thức nữa với người sáng tác là thiếu nhi hiện nay không phải như ngày xưa, viết để thu phục được các em không hề dễ. Giám Khảo Phi Phi Anh- giám đốc hãng phim hoạt hình ViTaTa cho hay tác phẩm cho trẻ em bây giờ quá hiếm, chưa nói đến tác phẩm hay. Mặc dù hãng phim của anh từng tổ chức các cuộc thi sáng tác để tìm kiếm tác phẩm nhưng cuối cùng khi cần, vẫn phải đặt hàng các tác giả nước ngoài. Có mặt trong lễ phát động giải thưởng, nhà sử học Dương Trung Quốc gợi ý BTC nên trải giải thưởng về cho các em bằng cách lập một hội đồng giám khảo là trẻ em hoạt động độc lập với giám khảo người lớn từ đó trao thêm một giải Tác phẩm được thiếu nhi yêu thích nhất.

Để tạo nguồn kinh phí cho giải, BTC sẽ tiến hành đấu giá các tác phẩm tranh tượng của các nghệ sĩ cũng như tiến hành các hoạt động xã hội hóa khác. Tuy nhiên không khỏi có ý kiến băn khoăn cho rằng khi giải thưởng đã tự khẳng định tính phi lợi nhuận nhưng lại tôn vinh cả trò chơi điện tử- trực tuyến là một lĩnh vực kinh doanh đang mang lại lợi nhuận cao hơn cả ca nhạc, phim ảnh. Hay đằng nào các em cũng bỏ thời gian vào trò chơi thì chơi trò gì mang dấu ấn Việt vẫn hơn?! Một giải thưởng nghệ thuật cho trẻ em là cần thiết lúc này, mong rằng Dế Mèn sẽ vẫn giữ được tinh thần “hiệp sĩ” giữa những tác động đa chiều của thị trường nghệ thuật, giải trí.

BTC diễn giải về tên giải thưởng: Hai chữ “Dế Mèn” mang biết bao ký ức đẹp về tuổi thơ gắn với ruộng đồng rơm rạ, đó có thể là chú dế mèn can trường mang giấc mơ về thế giới đại đồng trong Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, nhưng cũng có thể là chú dế mèn nghệ sĩ vô tư trong Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương (Các con dế mèn suốt trong đêm khuya/ Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ/ Đền công cho dế nỉ non/ Trời cho sao chiếu ngàn muôn…) hoặc trong “Ao trường vẫn nở hoa sen/ Bờ ao vẫn chú dế mèn vuốt râu” (Thư gửi bạn Chile của Trần Đăng Khoa)- chú dế mèn bản lĩnh, hiên ngang như người dân đất Việt trong chiến tranh khốc liệt. 

MỚI - NÓNG