Cứu du lịch nội
Đó là thông điệp của lãnh đạo Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2021. “Trong thời gian chờ du lịch quốc tế mở cửa trở lại, ngành tập trung toàn lực vào du lịch nội địa trên tinh thần liên kết, hợp tác, kết hợp dịch vụ cùng chia sẻ lợi ích và khó khăn. Với hoàn cảnh hết sức khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không mong có lãi mà gắng gượng hoạt động để biết rằng mình đang tồn tại”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam nói.
Không phải tới bây giờ các hiệp hội, doanh nghiệp mới nhận ra cứu cánh cho du lịch chính là phát triển du lịch nội địa. “Trong khi chờ đợi sự ghi nhận của chính quyền, chúng tôi xác định du lịch phải tự cứu”, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch HHDL TPHCM nói. Bà Khánh cho biết, doanh nghiệp du lịch thành phố hợp tác với Đà Nẵng, ĐBSCL và các địa phương khác kết nối dịch vụ phục vụ khách nội địa và chuẩn bị cho mùa du lịch hè. Bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng lượng khách từ TPHCM đi Đà Nẵng, Phú Quốc bắt đầu tăng đáng kể.
Xác định tinh thần gắng gượng vượt khó, tuy nhiên các HHDL ở nhiều địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, ĐBSCL, Ninh Bình, Sơn La... đều chung nỗi niềm ưu tư trước những nỗi lo hiện hữu. Là bởi hầu hết chính sách hỗ trợ vẫn chưa tới được tay doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch. Trong suốt năm qua du lịch mất hàng chục triệu khách và doanh thu sụt giảm đã đành, mà còn đang mất đi một lực lượng không nhỏ nhân lực chất lượng.
“Ảnh hưởng của dịch tới hoạt động du lịch rất nặng nề. Khách không có, doanh nghiệp du lịch Sơn La chìm nổi suốt một năm trời. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cứ ở tận đâu đâu ấy. Doanh nghiệp được giãn thời gian đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội do ảnh hưởng dịch nhưng nếu các doanh nghiệp không cẩn thận sẽ mất cân đối tài chính. Việc giãn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế phát sinh cũng không có ý nghĩa gì vì không có khách, không việc làm, không doanh thu thì lấy gì mà đóng thuế”, đại diện HHDL Sơn La than thở.
Ngành du lịch, HHDL Việt Nam nhiều lần đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động, nhưng quả thực tiếng kêu chưa thấu. Lãnh đạo HHDL cho biết tiếp tục đề xuất Chính phủ kéo dài các chính sách hỗ trợ đến hết 2021 với các quyết định cụ thể và có tính khả thi cao. “Chiến dịch kích cầu du lịch sẽ được tổ chức theo từng vùng nhằm mở rộng điểm đến, đưa khách tới các vùng miền, các điểm đến an toàn, đồng thời với việc đẩy mạnh du lịch cộng đồng. Chúng tôi hy vọng du lịch sẽ là ngành phục hồi nhanh nhất ngay sau dịch”, ông Vũ Thế Bình nêu.
Chậm trễ sẽ mất thị trường quốc tế
Dịch bệnh chưa thể được kiểm soát trên toàn cầu, thế nhưng các doanh nghiệp du lịch không thể ngồi chờ hết dịch mới tính chuyện quảng bá, hút khách quốc tế. Suốt năm qua, các chuyên gia và người làm du lịch nhiều lần đề xuất Chính phủ đề ra lộ trình và thời hạn mở cửa trở lại với quốc tế để doanh nghiệp chủ động trong quảng bá và bán sản phẩm.
Du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch HHDL Việt Nam phân tích, dù dịch bệnh hoành hành nhưng một số quốc gia và vùng lãnh thổ duy trì hoạt động qua việc tổ chức các sự kiện trực tuyến, du lịch ảo, hội thảo, hội nghị trực tuyến.
Liên minh châu Âu lên kế hoạch cung cấp “hộ chiếu vắc-xin”, “giấy thông hành xanh” giúp người dân tự do đi lại nhằm tìm lối thoát cho ngành du lịch và hàng không. Ý tưởng này dù còn nhiều tranh cãi nhưng cũng là một hướng đi để nghiên cứu. Thái Lan thông báo mở lại thị trường du lịch quốc tế từ 7/2021. Singapore đón khách quốc tế có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2. Một trong những quốc gia du lịch mạnh trong khu vực khác là Indonesia cũng công bố mở cửa Bali với thông điệp Hành lang không COVID-19. Chính phủ Indonesia đồng thời triển khai gói vay ưu đãi với tổng trị giá 670 triệu USD nhằm thúc đẩy phục hồi du lịch Bali.
Dư luận thế giới đánh giá cao thành quả phòng, chống dịch của Việt Nam hơn năm qua, nhất là hiện nay người dân sắp được tiếp cận vắc-xin. “Nếu chúng ta biết cách, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn, an toàn, hút khách quốc tế khi thị trường mở cửa trở lại. Chúng ta cần đưa ra tiêu chí để đón khách quốc tế, bên cạnh các nhiệm vụ quan trọng khác như nghiên cứu thị trường, sản phẩm cũng như nghiên cứu nhu cầu, hành vi của khách thay đổi sau đại dịch”, ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Chủ tịch HHDL TPHCM nói.
Điều nêu trên cũng là lợi thế lớn của du lịch Việt Nam khi lan tỏa thông điệp về một Việt Nam an toàn, hấp dẫn, tuy nhiên nếu không biết nắm bắt cơ hội, du lịch Việt Nam sẽ thiệt thòi. “Nếu không làm tốt và làm ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ bị động, mất thị trường. Các doanh nghiệp du lịch và hiệp hội thành viên cần chủ động hơn, làm hết sức mình, khắc phục khó khăn để HHDL Việt Nam báo cáo, đề xuất Chính phủ cho thí điểm đón khách quốc tế trở lại từ quý 3 hoặc quý 4 năm 2021”, ông Vũ Thế Bình đề xuất.
Đảm bảo nhân lực cho du lịch
Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Du lịch cho biết vừa gửi Tổng cục Du lịch và HHDL Việt Nam bản đề xuất trình Chính phủ hỗ trợ các hướng dẫn viên - một trong những nhóm lao động du lịch bị tác động lớn nhất. Lãnh đạo hội này nhấn mạnh việc cần tăng thêm các khóa đào tạo kỹ năng cho hướng dẫn viên như quay phim, chụp ảnh, tổ chức hoạt động nhóm. Thực tế, hướng dẫn viên du lịch quốc tế năm vừa qua mất việc phải chuyển nghề hoặc chuyển sang thị trường nội địa nhưng chưa kịp thích ứng.