Phát biểu tại hội nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết về cơ bản, ngành Y tế đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; đồng thời đạt được một số kết quả chủ yếu như: tỉ lệ bao phủ BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân, và số giường bệnh trên 10.000 dân.
Quyền Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn và đề xuất hướng giải quyết. Ảnh: Như Ý |
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn nhìn nhận tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập; chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức độ công việc. Các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập như mệnh giá bảo hiểm y tế, tự chủ bệnh viện, thanh toán bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư...
"Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Đổi mới phương thức chi trả theo nhóm chẩn đoán, theo định suất chậm được thực hiện", bà Lan nói.
Cùng với đó quyền Bộ trưởng chỉ ra hệ thống tổ chức ngành y tế tại một số địa phương còn tồn tại các mô hình tổ chức hệ thống khác nhau ở một số lĩnh vực (y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, dân số) dẫn đến một số bất cập trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai nhiệm vụ. “Công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản pháp luật vẫn còn chậm, thiếu linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của quản lí và thực tiễn. Chậm sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lí liên quan đến thực hiện phòng, chống dịch, tổ chức hệ thống, giá dịch vụ,... đặc biệt là mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lí, sử dụng tài sản công dẫn đến hệ quả là tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại nhiều cơ sở y tế”, quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: “Hà Nội chỉ đạo tập trung vào các nội dung như: củng cố nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, lấy phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu, tập trung kiểm soát, không để tái bùng phát dịch COVID-19; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm vật tư, đấu thầu; phát triển y tế cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trung tâm y tế, phòng khám đa khoa nhằm thu hút người bệnh tại tuyến y tế cơ sở, giảm tải cho tuyến trên. Đồng thời, nâng cao chất lượng các trạm y tế; tập trung triển khai các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, trong đó đầu tư y tế cơ sở, trạm y tế, phòng khám đa khoa tại các khu vực, bảo đảm người dân được hưởng tốt nhất các dịch vụ; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế, đạt sự hài lòng của người bệnh”.
Đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Ý |
Liên quan đến kiến nghị và đề xuất, trong 2 tháng qua, Hà Nội đã có 4 văn bản trực tiếp báo cáo Bộ Y tế về công tác đấu thầu thuốc tập trung tại các địa phương; khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và ban hành xét nghiệm SARS-CoV-2; thực hiện và thu tiền xét nghiệm COVID-19 khi người dân có nhu cầu xét nghiệm và tự nguyện chi trả chi phí; khó khăn, vướng mắc, bất cập trong cung ứng thuốc, trang thiết bị vật tư y tế. UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng và quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn cho Thành phố nói trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết qua đợt dịch vừa rồi đã nhận thấy hệ thống y tế ở cơ sở còn bộc lộ nhiều yếu kém, hạn chế cả về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhận định: “Thời gian qua, các địa phương ở Quảng Nam ở miền núi rất khó khăn với đội ngũ cán bộ y tế, rất mong cần có chính sách sớm để tuyển dụng và sử dụng đội ngũ này, đặc biệt ở những lĩnh vực có tính chuyên môn cao và khó khăn như tâm thần, lao phổi… Rất nên có cơ chế, chính sách cho những ngành đặc thù như vậy".
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức thông tin TP đã xây dựng và triển khai hiệu quả chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng, linh hoạt, hiệu quả kiểm soát dịch COVID-19 với 6 chiến lược y tế gồm: bao phủ vắc xin đến từng người dân trên toàn bộ địa bàn; kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn tình hình mới; quản lí và chăm sóc F0 tại nhà; Điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong phòng, chống dịch; nâng cao năng lực phòng, chống dịch. Cùng với đó thực hiện các chương trình hoạt động mang tính sáng tạo đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn như: triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, tập trung bảo vệ sức khỏe cho người dân trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong do COVID-19.
Lãnh đạo TPHCM kiến nghị: “Bộ Y tế quan tâm tới những góp ý của TPHCM đối với Dự thảo Luật khám chữa bệnh và một số góp ý khác mà thành phố đã gửi Bộ Y tế trong thời gian qua. Bộ Y tế sớm nghiên cứu điều chỉnh hành lang pháp lí về công tác đấu thầu, mua sắm, mua thuốc có chất lượng với giá thành hợp lí. Mong có thêm các cơ chế chính sách nhằm cải thiện tiền lương và thu nhập cho nhân viên y tế”.
Giải quyết các tồn tại
Quyền Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, ngành Y tế cần tập trung giải quyết cả những tồn tại trước mắt (như đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế ….); song song với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới tài chính y tế; đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở…), cụ thể:
Tiếp tục tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tiêm vắc xin là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm tiến độ tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan Ảnh: Như Ý |
Bà Lan nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao chế độ chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, biểu dương khen thưởng để động viên tinh thần lực lượng ngành Y tế yên tâm công tác. Tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lí, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công”.
Đối với lĩnh vực tài chính y tế và bảo hiểm y tế, quyền Bộ trưởng hứa sẽ đổi mới mạnh mẽ, đồng thời kiến nghị tăng tỉ trọng chi của ngân sách Nhà nước và bảo hiểm xã hội trong tổng chi cho y tế; đổi mới phương thức chi trả; điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ; giải quyết các vướng mắc trong xã hội hóa; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; các nhiệm vụ, dự án lĩnh vực y tế thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết tồn tại về tổng mức thanh toán; đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp. Tăng cường công tác kiểm soát thanh toán, giám định trước để kịp thời kiểm soát chi phí y tế phù hợp an toàn Quỹ.
Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết sẽ nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế, nâng cao kỉ luật, kỉ cương hành chính trong thực thi công vụ. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền theo quy định. Cải cách thủ tục hành chính. Siết chặt quản lí nhà nước về cấp phép, quản lí chất lượng, mua sắm đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, xử lí nghiêm các vi phạm.