Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch là khu tập thể Nghĩa Tân có diện tích khoảng 30ha, thuộc phường Nghĩa Tân; phía Bắc trùng với tim đường Hoàng Quốc Việt; phía Tây trùng với mép vỉa hè hiện trạng phía Đông đường Nguyễn Phong Sắc, phía Đông, Đông Nam và phía Nam trùng với tim phố Tô Hiệu.
Cảnh nhếch nhác "chuồng cọp" tại nhà C3, C4 khu tập thể Nghĩa Tân Ảnh: Trần Hoàng |
Số tiền dự toán lập quy hoạch hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, bao gồm chi phí tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư; công bố quy hoạch và đấu thầu.
Khu tập thể Nghĩa Tân trở thành khu chung cư cũ đầu tiên được thành phố lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại trong giai đoạn 2021-2025. Trước đó, việc cải tạo chung cư cũ chỉ được thực hiện với từng tòa nhà, không làm đồng bộ cả khu chung cư.
Nhà đầu tư bỏ cuộc
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại một số tòa nhà thuộc khu tập thể Nghĩa Tân cho thấy, sau hàng chục năm xây dựng, khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng cơi nới “chuồng cọp, chuồng chim” ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu nhà. Gần như toàn bộ các căn hộ đều có tình trạng cơi nới, cá biệt có căn hộ tầng 3 nhà C4 cơi nới gần 3m vươn ra ngõ đi chung.
Tình trạng xuống cấp, mưa là thấm tường, ngấm nước cũng diễn ra ở hầu hết các tòa nhà, nhưng phần lớn người dân đều không mặn mà với việc cải tạo. Bà H (số 115, nhà C5) nói rằng, khoảng 20 năm trước có chủ đầu tư quan tâm đến đo đạc nhưng đa số cư dân không đồng tình với việc di dời. “Sau thời điểm đó, chưa thấy có đơn vị nào đến để tìm hiểu”, bà H. nói.
Bà Hường (sống tại tòa A10 tổ dân phố số 1 phường Nghĩa Tân) nói rằng, khoảng năm 2013 có doanh nghiệp đến, thăm dò ý kiến người dân về dự án xây dựng chung cư mới, đưa ra hệ số đền bù 1.5, nhưng cư dân không đồng thuận. “Ở đây còn có những căn hộ ‘sổ đỏ’ chỉ từ 10 - 15m2, khi được đền bù, người dân cũng không có tiền để mua lại chỗ ở tái định cư tại chỗ”, bà Hường chia sẻ.
Năm 2016, thành phố có chủ trương xã hội hóa cải tạo đồng bộ cả khu chung cư. Theo danh mục thành phố đưa ra, hàng chục doanh nghiệp đã đăng ký tham gia, lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo khu chung cư cũ. Tuy nhiên, đến nay chưa khu chung cư nào được cải tạo theo hình thức trên. Thời điểm đó, tập thể Nghĩa Tân cũng được một doanh nghiệp đăng ký cải tạo và lên phương án quy hoạch kiến trúc.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, Sở đã phê duyệt dự toán lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân. Cùng giai đoạn 1 của kế hoạch còn có các khu chung cư: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình) Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng (quận Đống Đa), Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân).
Về quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được doanh nghiệp lập năm 2016, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết sẽ không thực hiện do không đảm bảo tính chất, yêu cầu của quy hoạch chung. Lần này cơ quan nhà nước sẽ là đơn vị lập quy hoạch, sau khi lập quy hoạch xong, thành phố sẽ lựa chọn chủ đầu tư thông qua đấu thầu.
Đến năm 2020, thành phố Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, còn có 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960-1994 và trước năm 1954.
Tập thể Nghĩa Tân gồm 23 nhà chung cư, cao từ 3 đến 5 tầng, diện tích trung bình căn hộ 18-20 m2, xây dựng năm 1987. Trong gần 30 ha diện tích nghiên cứu lập quy hoạch có gần 5 ha đất là nhà chia lô được xây dựng, ăn ở ổn định, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở.