'Quỷ đỏ' trong những miền ký ức

'Quỷ đỏ' trong những miền ký ức
TPO - Lâu lắm rồi ĐT Bỉ mới đến một giải đấu lớn, với nhiều kỳ vọng trong hành trang đến thế. Có điều, chỉ danh tiếng và ước mơ thôi thì rõ ràng vẫn là chưa đủ.

1. Marc Wilmost đã có thể thở phào. Thậm chí ông còn nhảy cẫng lên tại khu vực kỹ thuật, khi Marouane Fellaini đột nhiên bừng sáng trong một sự tinh tế đáng giật mình.

Hình ảnh đó bộc lộ rằng HLV của “Những con quỷ đỏ” đã phấp phỏng bao nhiêu, khi các học trò của ông đối diện với nguy cơ bị Algeria cười vào mũi.

Trước cú đánh đầu ngược ấy, không có gì bảo đảm là Bỉ có thể rời trận với dù chỉ một điểm. Cho dù những Eden Harzard, Lukaku hay Kompany là những cái tên quá quen thuộc với bất kỳ ai.

2. Sự non nớt, cũng như cái khí chất trẻ trung lúc nào cũng muốn “ăn tươi nuốt sống” đối thủ phả ra từ toàn đội, đã khiến Courtois phải ôm hận. Algeria cả hiệp một chỉ hai lần thực sự lên bóng, thì một đã là bàn thắng.

Quả phạt đền ấy mang tới một thứ “sức ép ngược” nặng ngàn cân, nhưng đó vẫn không phải là tất cả lý do của một không khí bế tắc bao trùm đến tận đầu hiệp hai.

Bỉ đã thực hiện khá nhiều phương thức hợp lý nhằm xuyên thủng một hàng phòng ngự cực kỳ tập trung và kỷ luật: bóng bổng và sút xa. Có điều, suốt cả thời gian vật vã ấy, họ lại bỏ qua một khâu mang tính quyết định: nỗ lực di chuyển không bóng.

Lukaku là gương mặt tiêu biểu cho sự ỳ trệ đó. Anh phung phí sức vóc của mình vào việc xô đẩy các hậu vệ Bắc Phi, mà chẳng tạo ra nổi một khoảng trống đích thực nào.

Và chính là vì vậy, điều quý giá nhất Mertens mang tới không phải là cú dứt điểm hoàn hảo phút 80. Anh đã chạy điên cuồng như một cái máy gây nhiễu siêu hạng kể từ khi vào sân, để tác động đến các đồng đội một cách tích cực.

Khoảng trống lộ ra từ đó, sự suy yếu thể lực của Algeria bắt đầu từ đó, và chiến thắng cũng nảy mầm từ đó.

 3. Khi người ta trẻ, thì người ta được quyền sai sót, và thất bại luôn là mẹ của thành công.

Tuy nhiên, trong quá khứ, ĐT Bỉ cũng đã từng sở hữu một thần đồng đích thực, và con người ấy đã chơi chững chạc ngay từ World Cup đầu tiên tham dự, khi mới 20 tuổi – Enzo Scifo.

Hai bàn thắng của Scifo tại Mexico 86, hai phát “đại bác tầm xa” vào lưới Iraq và Liên Xô, đều xứng đáng được xem là “tuyệt phẩm”.

Song, hơn thế, bên cạnh những bậc đàn anh lẫy lừng như Jean Marie Pfaff, Eric Gerets, Jan Ceuleumans, Vecauteren hay Georges Grun…, Scifo khẳng định vị trí của mình bằng những lần dẫn bóng với cái đầu ngẩng cao, bằng những pha di chuyển tinh tế, bằng một sự bình tĩnh và nhãn quan chiến thuật sắc bén.

Trẻ, nhưng Scifo không “cậy sức”. Và sức trẻ của anh được bù đắp một cách hiệu quả từ bản lĩnh của các bậc đàn anh, để ĐT Bỉ ấy đạt tới vị trí cao nhất trong những lần tham dự World Cup (thua Argentina của Maradona ở bán kết, và thua Pháp của Platini trong trận tranh hạng ba).

Câu hỏi đặt ra cho đội bóng của Wilmost hiện tại, là những Van Buyten và Kompany dạn dày trận mạc có mặt ở đó để làm gì, khi những đồng đội trẻ của họ bị Algeria “dắt mũi” suốt 45 phút đầu, và phải “trầy vi tróc vẩy” cho đến tận phút 70?  

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.