Hợp đồng mua bán này gồm 63 chiếc, trong đó có 42 chiếc A320neo, 14 A320ceo và 7 A321ceo, cộng với quyền mua thêm 30 tàu bay và thuê 7 chiếc tàu bay Airbus khác.
Bản hợp đồng lớn này khiến các phóng viên quốc tế và nhiều hãng hàng không tại đây trầm trồ và liên tục đặt câu hỏi về về giá trị, khả năng tài chính của VietJetAir và hiệu quả (của bản hợp đồng). Giá trị hợp đồng lần đầu tiên được công bố: 63 chiếc máy bay trị giá 6,4 tỷ USD. Tính cả số máy bay thuê và các quyền lợi khác, số tiền phải thanh toán là 9,1 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng GĐ VietJetAir cho biết, mức giá thuê và mua máy bay của hãng với Airbus vào loại tốt so với nhiều hãng. Về khả năng thu xếp tài chính cho hợp đồng này, ông Chu Việt Cường, thành viên hội đồng quản trị VietJetAir cho biết, hãng mua và thế chấp chính máy bay để vay vốn ngân hàng.
“Máy bay là tài sản lớn, phải bảo hiểm bắt buộc khi khai thác nên các ngân hàng lớn đều thiện chí cho vay với lãi suất ưu đãi. Vấn đề còn lại là hãng cần kinh doanh hiệu quả, có lãi. Khái niệm mua máy bay tức là sở hữu, bỏ tiền túi ra mua cần thay đổi. Nếu bỏ tiền túi ra mua không còn gọi là kinh doanh” – ông Cường nói. Vài ngày tới, hợp đồng cung cấp tín dụng cho VietJetAir mua máy bay cũng sẽ được ký.
Đại diện VietjetAir cho biết, máy bay sẽ được sử dụng cho việc mở đường bay và tăng trưởng thị trường. Trong năm 2014 hãng mở thêm 7 đường bay quốc tế. Liên doanh Thai VietJetAir (liên doanh của VietJetAir tại Thái Lan) bắt đầu bay thương mại từ tháng 6/2014; bước đầu là 3-5 tuyến nội địa và 2-3 tuyến quốc tế.