> Không tổ chức chúc mừng dịp Quốc khánh 2-9
Năm nay mặc dù đã ngoài 82 tuổi nhưng Đại tá Kim Sơn vẫn nghiên cứu, tham gia biên soạn sách về thời kỳ đầu của cách mạng, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hằng ngày ông vẫn tiếp tục tìm tòi, ghi chép để góp phần cùng các nhà sử học biên soạn tài liệu, dựng lại những năm tháng gian khổ xây dựng khu căn cứ địa cách mạng Cao-Bắc-Lạng.
Ông cũng là một trong sáu người con đều là bộ đội của cụ bà Nguyễn Thị Vĩnh, người từng được Bác Hồ viết bài khen ngợi với tiêu đề “Cả nhà kháng chiến”.
Ký ức 67 năm về trước
Thưa ông, là người từng trải qua những ngày lịch sử của dân tộc, ngày 2-9-1945 thường khiến ông nhớ đến kỷ niệm gì?
Năm 1945, kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi là được tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 xuất phát từ Tân Trào về đánh ở Thái Nguyên rồi tiến về Hà Nội và tôi được đi bên cạnh đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Lúc bấy giờ tôi ở trong Đội tuyên truyền Nước Nam Mới ở khu giải phóng nhưng khi Tổng khởi nghĩa thì Đội tuyên truyền ấy đi theo với Sở chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp để làm công tác tuyên truyền.
Ngày 2-9, tôi ở Trung ương vệ quốc Đoàn, chỗ 40 Hàng Bài bây giờ. Nhớ sâu sắc nhất lúc bấy giờ là quần chúng nhân dân từ tất cả các đường phố cứ hết đoàn này đến đoàn khác rầm rập xếp hàng, mang biểu ngữ, kéo về tập trung ở Ba Đình dự lễ mít tinh.
Tất cả các nơi, chỗ nào cũng cờ hoa. Khắp các đường phố, những bài hát cách mạng rất nhanh chóng được lan truyền.
Điều đáng quý nhất lúc đó là lòng dân, người dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của người đứng đầu, tuyệt đối tin tưởng vào Việt Minh, tin tưởng vào Hồ Chủ tịch và những người lãnh đạo từ chiến khu về.
Cho nên không có một sự nề hà gì cả, người dân nhặt được bất cứ vũ khí gì của giặc đều mang đến tận cơ quan của quân đội để trả. Chúng tôi ở bộ đội cũng khổ lắm, người gầy xanh vì đói và bệnh sốt rét nhưng nhân dân rất quý, thương lắm.
Chúng tôi cứ ra khỏi doanh trại ở Hà Nội là hết nhà này đến nhà khác người ta kéo vào để mời ăn, mời uống, trân trọng lắm. Thậm chí khi đi trên đường mà có cả đoàn thiếu niên đi theo sau chúng tôi.
Được lòng dân là có tất cả
Nhớ về những ngày tháng lịch sử ấy, ông có suy nghĩ gì cho ngày hôm nay?
Tôi nhớ lúc chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
Khi đó nhiều người thắc mắc là không có vũ khí thì làm sao, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nói rằng: Người trước, súng sau, cứ có lòng người đã, rồi sẽ có súng. Và đúng như thế thật, sau khi tuyên truyền giác ngộ rồi thì đồng bào ở Cao Bằng bán trâu, bán các thứ cần thiết của mình để lấy tiền đi mua súng, mua vũ khí để hoạt động Việt Minh.
Đó cũng chính là một trong những điều tôi trăn trở là làm sao để thống nhất được lòng dân, để người dân có niềm tin như ngày nào ở sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Vì một khi không còn lòng tin, khi người dân, khi đảng viên mất lòng tin thì đất nước sẽ suy yếu, Đảng sẽ bị suy yếu và lúc đó có hô hào cũng khó vận động được người dân.
Trong bối cảnh hiện nay tôi cũng lo lắng trước áp lực rất mạnh từ phía Trung Quốc trên Biển Đông.
Lấy lại lòng tin của người dân cũng chính là một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng hướng đến, ông nghĩ gì khi theo dõi quá trình triển khai Nghị quyết thời gian qua?
Tôi hết sức phấn khởi khi có Nghị quyết Trung ương 4, tôi rất hy vọng Đảng ta sẽ khôi phục lại được uy tín với quần chúng nhân dân. Một điều tôi rất đồng tình là lần này chúng ta quyết tâm làm từ trên xuống, làm nghiêm túc từ các lãnh đạo cao cấp nhất.
Chỉ khi những người lãnh đạo ở cấp cao nhất nghiêm túc tự phê bình và phê bình trước Đảng, trước nhân dân thì mới mong làm gương được cho cấp dưới thực hiện và tạo ra được bước chuyển quan trọng chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch hơn, mạnh hơn để xứng đáng với niềm tin của người dân.
Còn nếu chúng ta không thực hiện được thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 thì sẽ mất niềm tin ở nhân dân, ở đảng viên. Đó là một nguy cơ thật sự chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật ấy, đối mặt với nó để dũng cảm tìm ra giải pháp khắc phục.
Theo ông, đâu là điều cốt lõi để Đảng có được và giữ được lòng tin của dân?
Tôi nghĩ rằng điều cốt lõi để có được lòng dân là những gì chúng ta đưa ra, đã nói, đã hứa với dân thì phải làm đúng. Ngày còn được đi học ở chiến khu, tôi thấm thía lời Bác Hồ nói đó là nếu chúng ta muốn có dân chủ tập trung thì phải thực sự dân chủ trước đã.
Có dân chủ thì lúc bấy giờ tập trung mới có ý nghĩa. Sau này Bác vẫn nhắc rằng nước độc lập mà người dân không được tự do thì có ích gì.
Tôi tin rằng Đảng nhận thức được vấn đề đó trong bối cảnh hiện nay và tôi mong những lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng sẽ quyết tâm hơn nữa để thực hiện được mong mỏi đó của Bác, như trong những dòng cuối Di chúc của Người: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Cảm ơn ông.
Cao Nhật
thực hiện