Sáng 8/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2019, trong đó đặt mục tiêu GDP năm 2019 tăng 6,6% - 6,8%. Báo cáo về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận có ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng 6,8%-7% nhưng cũng có ý kiến đề nghị nên giữ như năm 2018 là 6,5%-6,7%. Theo ông Thanh, chỉ tiêu này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%.
“Qua dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mức tăng GDP 6,6%-6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội”, ông Thanh nhấn mạnh.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Quốc hội nêu ra hàng loạt các giải pháp quan trọng để các cơ quan chức năng thực hiện. Trong đó, Quốc hội yêu cầu thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược. Kiên định mục tiêu đổi mới thể chế là đột phá quan trọng, tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nhất là những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, đẩy nhanh triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án giao thông, công nghiệp trọng điểm, có sức lan tỏa cao, tạo nền tảng phát triển giai đoạn tiếp theo. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Một số chỉ tiêu chính về kinh tế, xã hội năm 2019
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%;
Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động và nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tập trung giải pháp để xử lý các dự án thua lỗ.
Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như quản lý, sử dụng đất, tài sản công, cổ phần hóa, thuế, hải quan... Thực hiện nghiêm pháp luật về tiếp công dân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các vụ việc phức tạp, kéo dài, gây mất an ninh trật tự.