Quốc hội cần tăng cường giám sát phòng chống tham nhũng

Quốc hội cần tăng cường giám sát phòng chống tham nhũng
TP - Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, trao đổi với Tiền Phong về các giải pháp nhằm giúp công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) hiệu quả hơn.

> Chính phủ thảo luận Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Ông Nguyễn Mạnh Cường
Ông Nguyễn Mạnh Cường.

Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế của QH có đề cập lợi ích nhóm tác động tiêu cực tới kinh tế xã hội. Ông nghĩ sao về tình hình tham nhũng và lợi ích nhóm?

Pháp luật hiện nay chưa có văn bản chính thức nào đề cập tới cụm từ “nhóm lợi ích”. Còn tất nhiên ở trong các lĩnh vực của các ngành, cấp, có thể cũng có lợi ích nhóm để phục vụ cho một thiểu số nào đó.

Đấu tranh chống tham nhũng bao giờ cũng là cuộc đấu tranh rất khó khăn, phức tạp, đấu tranh chống những người có hành vi tham nhũng là những người có trình độ, hoạt động tinh vi, có chức, quyền để có thể che giấu được tội.

Vừa qua, các báo cáo tổng kết cho thấy tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp và có phần tinh vi hơn?

Thực tế cho thấy công tác PCTN thời gian qua chưa đạt mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, làm giảm lòng tin trong dân. Vừa qua, nhiều địa phương phản ánh biện pháp kê khai tài sản chỉ mang tính hình thức, không phản ánh đúng thu nhập thực tế.

Ta cũng chưa có quy định cụ thể việc kiểm tra, giám sát, xử lý với các hiện tượng tài sản tăng lên bất thường. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng vẫn còn nhiều sơ hở, chồng chéo, mâu thuẫn.

Có ý kiến cho rằng Ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh thời gian qua còn hình thức?

Thực tế cho thấy hiệu quả hoạt động của các BCĐ tỉnh không cao. Ban này chủ yếu thực hiện việc tổng hợp, thống kê các vụ việc về tham nhũng tại địa phương chứ cũng không có chuyên môn hay quyền hạn gì.

Mọi hoạt động đều phải phụ thuộc vào các cơ quan chuyên trách khác như điều tra của công an, truy tố của viện kiểm sát, xét xử của tòa án… Nếu các cơ quan kia không phát hiện ra vụ việc thì BCĐ này cũng chịu!

Ủy ban Tư pháp khi giám sát cũng nhận được phản ánh từ chính địa phương rằng hình thức hoạt động như hiện nay không có hiệu quả và không nên để tồn tại một BCĐ như vậy.

Vậy theo ông, QH cần tăng cường giám sát như thế nào để PCTN được hiệu quả?

Đầu tiên, về thể chế, phải bảo đảm thực quyền hoạt động giám sát của QH. Qua hoạt động giám sát, thấy những người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện tốt nhiệm vụ của họ thì QH phải có quyền hạn nhất định của mình đối với việc đó, ví dụ thông qua cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm.

Hoặc phải có cơ chế để bảo đảm cho các đại biểu QH hoạt động độc lập hơn. Hệ thống pháp luật cũng phải hoàn thiện, từ cơ chế PCTN đến tiêu chí đánh giá hoạt động của các cơ quan nhà nước. Như thế mới đánh giá được thực hiện như thế là tốt hay không, năm nay tốt hơn năm trước hay không.

Phải bảo đảm tính công khai. Mở đường cho báo chí phản ánh hoạt động giám sát. Từ đó, người dân mới tăng cường hơn nữa việc phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng.

Cảm ơn ông.

Mỹ Hằng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG