Quốc hội bỏ phiếu kín bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc vì có hai quốc tịch

Quốc hội sẽ bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín
Quốc hội sẽ bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín
TPO - Trước khi bước vào phiên chất vấn, Quốc hội sẽ có phiên họp riêng để bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, đoàn đại biểu TP.HCM.

Từ ngày 2/11, Quốc hội sẽ bước vào kỳ họp đợt 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Sáng đầu tuần, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021…

Chiều cùng ngày, Quốc hội họp riêng, nghe tờ trình của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về dự thảo Nghị quyết thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Báo cáo thẩm tra sẽ được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày ngay sau đó.

 Tiếp đến, Quốc hội sẽ làm công tác nhân sự, Ủy ban Thường vụ trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm vì lý do không khai báo trung thực khi có thêm Quốc tịch Síp.

Sang chiều hôm sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc. Quốc hội sẽ dành thời gian để ông Phạm Phú Quốc phát biểu ý kiến (nếu có) và thành lập Ban kiểm phiếu.

Sau đó, Quốc hội sẽ bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu và nghị quyết bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc được thực hiện cùng ngày.

Báo cáo giải trình về an toàn hồ đập

Nội dung đáng chú ý khác, trong 2 ngày 3 và 4/11, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế xã hội và được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Cụ thể, sáng ngày 3/11, Quốc hội sẽ xem 2 video clip báo cáo kết quả giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” và “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.

Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021…

Sang ngày 6/11, Quốc hội sẽ bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Trước khi bước vào phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí lần lượt trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Khác với thường lệ lựa chọn lĩnh vực chất vấn, tại kỳ họp cuối năm và cuối nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn “mở”. Đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ lĩnh vực nào quan tâm, và nội dung thuộc lĩnh vực của tư lệnh ngành nào, thì người đó sẽ đăng đàn trả lời chất vấn. Do là kỳ họp cuối năm, nên Thủ tướng Chính phủ cũng đăng đàn, làm rõ thêm một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền và trực tiếp trả lời chất vấn.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.