Trong video quảng cáo, hai nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp chồng đầu biểu diễn trên xe mà không đội mũ bảo hiểm. Cũng trong đoạn video quảng cáo, nhà sản xuất chú thích rõ ràng video do các nghệ sĩ chuyên nghiệp thực hiện, diễn ra trong khu vực được kiểm soát riêng và khuyến cáo người xem không được thử theo bất cứ hình thức nào.
Màn biểu diễn được mang đi khắp thế giới của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp. |
Theo tường trình của Quốc Nghiệp với cơ quan công an, việc quay quảng cáo tiến hành theo hợp đồng, đơn vị quay cũng đã xin phép cơ quan quản lý địa phương. Video hậu trường thể hiện rõ người thực hiện cảnh quay có dây bảo hộ buộc vào xe cẩu chạy theo xe điện suốt quá trình thực hiện. Tuy nhiên, không phải khán giả nào cũng tiếp cận được những hình ảnh hậu trường.
Vì vậy, qua những gì khán giả nhìn thấy trên video quảng cáo vẫn là hình ảnh hai người làm xiếc trên xe máy, không đội mũ bảo hiểm - những hành vi vi phạm an toàn giao thông. Bên cạnh đó, nhiều khán giả tỏ ra khó hiểu về ý nghĩa, thông điệp mà video quảng cáo nhà sản xuất muốn truyền tải khi cho nghệ sĩ thực hiện xiếc trên xe. Khoản 4 điều 8 Luật Quảng cáo 2012 nêu rõ quy định cấm hành vi quảng cáo làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. Có thể nói, video quảng cáo do hai nghệ sĩ xiếc thực hiện đang vi phạm Luật Quảng cáo. Nhà sản xuất đã gỡ video quảng cáo trên các nền tảng xã hội.
“Màn biểu diễn của Quốc Cơ, Quốc Nghiệp khá táo bạo. Trên thế giới, không ít nhãn hàng sử dụng cách quảng bá sản phẩm tương tự. Nếu chiếu theo Luật Quảng cáo, hai nghệ sĩ sai tới đâu, nên bị xử phạt tới đó. Không nên hình sự hoá sự việc”.
NSND Vũ Ngoạn Hợp
Sự việc trên cũng cho thấy ranh giới mong manh giữa biểu diễn nghệ thuật và hành vi có hiệu ứng tiêu cực. PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển, Học viện Báo chí và tuyên truyền khẳng định, nếu hai nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp biểu diễn trong không gian được cơ quan quản lý cho phép, cấp phép như rạp hát, sân khấu thì hoạt động này trở nên bình thường. “Trong trường hợp các cá nhân, đơn vị, tổ chức hoạt động theo hướng tự phát, hoặc thực hiện các quảng cáo không phép, như vậy rõ ràng là những hành vi vi phạm pháp luật”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nêu.
Không ít sản phẩm quảng cáo xe quốc tế xuất hiện hình ảnh nghệ sĩ thực hiện các động tác khó, nguy hiểm. Trong video quảng cáo của một hãng xe sang, ngôi sao phim hành động Van Damme xoạc chân giữa hai chiếc xe đang chạy song song. Một nhãn hàng khác cũng có video quảng cáo chạy xe từ dưới lên trên “Cổng thiên đường” vô cùng ngoằn ngoèo, ngay cả dân chuyên nghiệp cũng không dám lái. Trong một quảng cáo xe nổi tiếng khác, nhà sản xuất mời nghệ sĩ đi xuyên dây trên một cái dây được căng giữa hai chiếc xe đang chạy song song với nhau ngoài đường…
Không nên quá cực đoan
NSND Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, sự việc của Quốc Cơ, Quốc Nghiệp không quá nghiêm trọng và không nên hình sự hoá, bởi đơn vị sản xuất video quảng cáo đã xin phép. Tất cả màn biểu diễn, cảnh quay đều được thực hiện trong khu vực hạn chế, được phong tỏa chặt chẽ với đội ngũ làm phim và nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp. Nghệ sĩ cũng được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết theo quy định như đồ bảo hộ, xe cứu thương, bảo hiểm.
“Màn biểu diễn của Quốc Cơ, Quốc Nghiệp khá táo bạo. Trên thế giới, không ít nhãn hàng sử dụng cách quảng bá sản phẩm tương tự. Nếu chiếu theo Luật quảng cáo, hai nghệ sĩ sai tới đâu, nên bị xử phạt tới đó. Không nên hình sự hoá sự việc”, NSND Vũ Ngoạn Hợp nói. Ông nhận định, khâu hậu kiểm đối với các sản phẩm nghệ thuật ở Việt Nam còn nhiều lỗ hổng. Các quy định về Quảng cáo chưa đủ chặt chẽ. Vì vậy, ranh giới giữa biểu diễn nghệ thuật và hành vi gây mất an toàn, gây rối trật tự công cộng rất mong manh. Cơ chế quản lý cần phát huy vai trò để đưa văn hoá, nghệ thuật nước nhà tiến xa.
Chuyên gia cho rằng, không nên cấm đoán cực đoan gây ảnh hưởng tới sức sáng tạo của nghệ sĩ. Thay vào đó, những quy định và hướng dẫn phù hợp giúp sản phẩm nghệ thuật đi đúng hướng. Quốc Cơ, Quốc Nghiệp là hai nghệ sĩ xiếc tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong việc quảng bá văn hoá, tài năng của người Việt ra thế giới.
Để tránh trường hợp vô tình vi phạm pháp luật về quảng cáo, nghệ sĩ phải có sự tìm hiểu, nắm vững luật để có đầy đủ thủ tục, giấy phép cần thiết. “Ranh giới giữa hoạt động quảng cáo và hoạt động chuyên môn rõ ràng rất khác nhau. Nếu nghệ sĩ không nắm vững hoặc nắm vững nhưng cố tình làm sai, họ sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết.
Ông cũng đề xuất, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi nên có những điều chỉnh hoặc bổ sung một số điều luật liên quan đến những nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia các quảng cáo có tính chất nguy hiểm một cách cụ thể, chính xác hơn. “Trước đây chúng ta cũng đã có những quy định về luật pháp. Mỗi đơn vị, cơ quan quản lý nghệ sĩ hoặc các hiệp hội chuyên ngành cũng có những quy định riêng, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện mọi hành vi theo đúng pháp luật Việt Nam. Dù nổi tiếng đến đâu, tài giỏi đến đâu, công dân đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhấn mạnh.
Dẫu biết hoạt động quảng cáo đem lại nguồn thu cho nghệ sĩ bên cạnh các hoạt động chuyên môn, tuy nhiên nghệ sĩ cần tìm hiểu kỹ càng về sản phẩm để không vô tình tiếp tay cho các hoạt động quảng cáo vi phạm pháp luật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi có quy định nội dung các quảng cáo phải trung thực, chính xác. Dự thảo được xây dựng lần này có chế tài để kiểm soát về mặt nội dung, hình thức quảng cáo, đảm bảo quảng cáo đến với công chúng được trung thực. Dự thảo cũng đưa ra quy định về quyền và trách nhiệm của người truyền tải sản phẩm quảng cáo có uy tín để kiểm soát nội dung quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội. Dự thảo luật không chỉ hướng tới kiểm soát hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ mà mở rộng đối tượng tới những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng xã hội.