Quên xây trường học

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chính quyền cho xây nhà chung cư cao tầng nhưng “quên” xây trường học. Đây là thiếu sót rất lớn trong việc quản lý, dẫn đến tình trạng, người dân phải xếp hàng nhiều ngày liền để bốc thăm suất học

Theo quy định Điều lệ trường học của Bộ GD&ĐT, bậc tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; THCS không quá 45 học sinh/ lớp. Con số này đã được Bộ GD&ĐT tính toán, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, còn ở các nước tiên tiến, mỗi lớp chỉ khoảng 25 học sinh. Khi đó, giáo viên mới có điều kiện thời gian quan tâm đến từng học sinh.

Quay lại thực tế sĩ số học sinh của trường công lập ngay giữa thủ đô có nơi, có năm bậc tiểu học lên tới 63 em/lớp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học. Với lớp học đông, bàn ghế kê san sát, chật kín lối đi, giáo viên cũng rất khó để tổ chức phương thức dạy học hiệu quả, đặc biệt không có thời gian để quan tâm đến năng lực của từng học sinh. Trong khi trong một lớp, năng lực, nhận thức, khả năng tiếp thu bài của từng học sinh khác nhau. Chưa kể, khi sĩ số lớp học đông sẽ kéo theo các sinh hoạt khác như ăn uống, ngủ trưa, nhà vệ sinh trường học cũng chật chội, bí bách.

Nhìn thẳng vào thực tế, có thể thấy trong cơn lốc đô thị hoá, chung cư mọc lên như nấm, lượng học sinh đầu cấp năm sau tăng hơn năm trước hàng chục nghìn em, nhưng nhiều quận, huyện vẫn thiếu trường học. Ở các quận nội đô, diện tích xây trường chật hẹp, lớp học sĩ số cao, 3 học sinh ngồi chung 1 bàn đến cựa quậy còn khó khăn, sân chơi thiếu thốn là thực tế mà Hà Nội đã phải thừa nhận.

Về vấn đề này, ngành giáo dục không có chức năng, thẩm quyền dành đất, kinh phí để xây dựng trường học mà trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương các quận, huyện, thị xã nói riêng và lãnh đạo UBND TP Hà Nội nói chung. Phải có rà soát, dự báo chính xác số lượng học sinh tăng hằng năm để có quỹ đất xây trường, xây lớp đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, không ít nơi chính quyền cho xây nhà chung cư cao tầng nhưng “quên” xây trường học. Đây là thiếu sót rất lớn trong việc quản lý. Dẫn đến tình trạng, người dân đã phải xếp hàng nhiều ngày liền để bốc thăm suất học như ở Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai hay xây dựng khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai nhưng “quên” xây trường học để rồi cứ mỗi năm học mới, học sinh lại đổ dồn về các trường lân cận gây áp lực rất lớn cho quận Hà Đông.

Mới đây, Hà Nội lấy ý kiến người dân về dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Trong đó, địa phương đề xuất quy định diện tích nhà ở tối thiểu khu vực ngoại thành là 8 m2/người, nội thành là 15 m2/người nhằm hạn chế người nhập cư, giảm gánh nặng y tế, giáo dục.

Tuy nhiên, đây là việc rất khó có thể thực hiện. Rõ ràng, người dân đổ dồn về thủ đô làm việc, sinh sống, học tập ngày một nhiều và thành phố phải quan tâm, ưu tiên đặc biệt hơn nữa để xây dựng, phát triển mạng lưới trường học. Trong đó, công tác dự báo, quy hoạch để dành kinh phí, quỹ đất và các điều kiện khác để thủ đô có mạng lưới trường lớp đủ, đẹp là rất quan trọng.

Phải coi việc giãn sĩ số lớp học đảm bảo đúng quy định của Bộ GD&ĐT là việc làm cấp thiết. Khi đó, thầy cô mới có thể đổi mới phương pháp dạy học có hiệu quả, nhất là áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp để giải quyết vấn đề “nóng” này, trong đó trước mắt đối với những lớp đông có thể bố trí thêm giáo viên hỗ trợ. Về lâu dài, ưu tiên kinh phí, đất đai để xây trường, mở thêm lớp, giảm sĩ số để Thủ đô là môi trường học tập trong mơ của học sinh, phụ huynh.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.