Quê quán bị sáp nhập, chia tách, người dân kê khai giấy tờ theo địa danh nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc tách, nhập các xã, huyện, thậm chí cấp tỉnh vẫn thường xảy ra. Nhiều bạn đọc gọi điện đến đường dây nóng báo Tiền phong bày tỏ sự lúng túng về việc ghi "nơi sinh", "quê quán" là tên địa danh hành chính cũ hay mới khi khai giấy tờ...

Luật sư Vũ Văn Thiệu, Hãng luật INCIP, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trả lời về những quan tâm này của bạn đọc.

- Thưa luật sư, việc nhiều địa phương bị sáp nhập hay chia tách, lấy tên mới khiến bạn đọc thắc mắc, không biết ghi "nơi sinh", "quê quán"... bằng tên địa danh hành chính cũ hay mới. Xin luật sư tư vấn về nội dung này!

Khi địa danh hành chính có sự thay đổi mà các giấy tờ về "nơi sinh", "quê quán"... gốc vẫn ghi theo tên địa danh cũ thì khi khai giấy tờ mới, người kê khai nên ghi cả tên địa danh cũ và mới để đảm bảo sự thống nhất giữa các loại giấy tờ. Ví dụ, có thể ghi quê quán như sau: Quê quán: Xã X, huyện Y, tỉnh Z ; trước đây là xã A, huyện Y, tỉnh Z. Trường hợp chỉ được ghi một địa danh, thì ghi theo tên địa danh mới sau khi sáp nhập.

Quê quán bị sáp nhập, chia tách, người dân kê khai giấy tờ theo địa danh nào? ảnh 1

Luật sư Vũ Văn Thiệu.

- Việc ghi "quê quán", "nơi sinh" khi địa danh có thay đổi như vậy có văn bản pháp luật nào quy định nào quy định cụ thể hay chưa, thưa luật sư?

Hiện nay, việc ghi "quê quán", "nơi sinh" khi địa danh cũ hay mới chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta có thể áp dụng quy định tương tự theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp hướng dẫn trường hợp cấp lại giấy khai sinh khi địa danh hành chính có sự thay đổi so với địa danh ghi trong giấy tờ như sau: “...Trường hợp địa danh hành chính đã có sự thay đổi so với địa danh ghi trong giấy tờ được cấp trước đây thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại; địa danh hành chính trước đây được ghi vào mặt sau của Giấy khai sinh và mục Ghi chú trong Sổ đăng ký khai sinh”.

Hay tại Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương hướng dẫn việc khai lý lịch của người xin vào Đảng: “Nơi sinh: Ghi rõ xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc thành phố, thành phố trực thuộc tỉnh), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) nơi cấp giấy khai sinh theo tên hiện dùng của hệ thống hành chính Nhà nước.

Quê quán: Ghi theo quê quán trong Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân (nếu có thay đổi địa danh hành chính thì ghi cả nơi cũ và hiện nay); trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố, mẹ).

- Thưa luật sư, bạn đọc báo Tiền Phong cũng hỏi thêm, "nguyên quán" khác "quê quán" như thế nào? Liệu có cần ghi "nguyên quán", "quê quán", hay chỉ cần ghi nơi sinh là được trong việc kê khai các giấy tờ?

Căn cứ theo điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an và khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì bạn có thể hiểu: "Nguyên quán" của một người được xác định theo nguồn gốc, xuất xứ (nơi sinh) của ông bà nội hoặc ông bà ngoại. "Quê quán" của một người được xác định theo nguồn gốc, xuất xứ (nơi sinh) của cha mẹ.

Hiện nay, theo quy định của luật mới thì thông tin về “nguyên quán” không còn nữa mà đã được thay thế bằng “quê quán”. Trường hợp khai giấy tờ, lý lịch cá nhân thì bạn nên khai cả nơi sinh và quê quán căn cứ theo thông tin trên Giấy khai sinh. Tuy nhiên, nếu giấy tờ chỉ yêu cầu ghi nơi sinh thì bạn ghi nơi sinh theo Giấy khai sinh là đủ, không cần ghi "quê quán".

Xin cảm ơn luật sư!

MỚI - NÓNG