“Những lần gà nhà tôi bị mất/Mẹ tôi chửi:/-Cái đứa trộm gà ơi/Ta cầu mong cho ngươi/Nuôi được gà đầy đàn/Lứa này tiếp lứa khác/Có nhiều gà nhất bản/Có nhiều gà nhất mường!/Những lần lợn con nhà tôi bị mất/Mẹ tôi chửi:/-Đứa nào trộm lợn nhà tôi/Thì hãy có nhiều lợn/Đàn tiếp đàn núc ních/Lửa tiếp lửa không ngừng/Bán được nhiều tiền nhé!/Từ thuở bé đến giờ/Hễ nhà mình mất gà mất lợn/Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế/Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả/Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa./Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường/ Nhan sắc không bằng đám bạn/Khéo léo không bằng người ta/Thế mà có hẳn bốn nhà/Muốn được tôi làm con dâu họ”.
Các nhà thơ dân tộc thiểu số nói gì về “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”?
Nhà thơ Y Phương: Tự nhiên chủ nghĩa chưa bao giờ là nghệ thuật
Là một nhà thơ nổi tiếng, lại là người dân tộc thiểu số, ông có ý kiến gì, khi một bộ phận dư luận cho rằng “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” không phải thơ?
Nhà thơ Y Phương: Tôi cũng không công nhận đó là thơ. Vì sa vào tự nhiên chủ nghĩa. Mà tự nhiên chủ nghĩa chưa bao giờ là nghệ thuật. Nếu có sự việc ấy xảy ra thật sự thì dưới góc độ của nhà làm ngôn ngữ, phải diễn đạt khác. Còn đây cảm xúc và ngôn ngữ hết sức ngô nghê.
Nhà thơ người Tày Y Phương, tác giả của bài thơ "Nói với con" được đưa vào sách giáo khoa (Ảnh: FBNV) |
Một số người chỉ trích “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” ở vấn đề đạo đức? Còn ông?
Nhà thơ Y Phương: “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” không nằm trong hệ thống tiêu chí đạo đức nào cả. Không ai ủng hộ và cổ súy cho sự ăn cắp mà giàu có lên. Tôi phản đối điều này. Về hình thức, đó không phải bài thơ. Về nội dung thì phản cảm. Không có người dân tộc thiểu số nào nghĩ như thế cả, từ người Thái đến người Tày. Phải tự mình làm ăn, tự thân vận động chứ không phải nhờ ăn cắp mà đi lên.
Nhà thơ Lương Định: Cũng được cái tứ
Anh đánh giá thế nào về bài thơ gây tranh cãi “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”?
Nhà thơ Lương Định: Tôi thấy hai bài trong chùm thơ được giải có tứ, có tính nhân văn. Còn bài này tôi không thích, quá ngô nghê, chưa thể coi là một bài thơ. Tuy nhiên cũng như hai bài thơ trong chùm thơ, “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” cũng được tứ. Nếu biết triển khai và câu thơ đẹp hơn thì có lẽ cũng được nhiều người ủng hộ đấy. Nhưng đáng tiếc, ngôn ngữ trong bài quá ngô nghê. Bây giờ làm gì có người dân tộc còn ngô nghê đến thế! (Cười)
Nhà thơ xứ Lạng Lương Định, hiện đang sống ở TP.HCM. Ông còn là một nhà báo, nay đã nghỉ hưu (Ảnh: FBNV) |
Tức là, theo anh trao giải B cho tác giả này chưa thuyết phục?
Nhà thơ Lương Định: Đúng. Không ổn. Theo tôi, ba bài lục bát của tác giả Hưng Yên được hơn.
Chẳng lẽ tác giả “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” không có ưu điểm gì?
Nhà thơ Lương Định: Tác giả này cũng có những vấn đề để ta suy nghĩ. Như cách đặt vấn đề ở bài “Làm rể”, “Nhà dưới nhà trên”, có những chỗ triển khai được, chẳng qua câu chữ ngô nghê. Nếu tứ thơ mà rơi vào người cao tay hơn thì sẽ có bài thơ hay. Theo tôi là thế.
Nhà thơ Dương Thuấn: Tôi làm giám khảo tôi loại ngay
Là nhà thơ dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở miền núi, anh có thể chia sẻ cách nhìn của anh về bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, đang gây tranh cãi trong dư luận?
Nhà thơ Dương Thuấn: Ở miền núi chuyện ăn cắp gà, ăn cắp lợn không phổ biển. Viết thế này ngô nghê, phi văn hóa.
Theo anh, có nên trao giải cho “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”?
Nhà thơ Dương Thuấn: Không nên. Tôi làm giám khảo tôi loại ngay. Đã phi văn hóa, thơ cũng không ra thơ.
Nhà thơ Dương Thuấn, người con của bản Hon, Bắc Kạn (Ảnh: FBNV) |