Quanh chuyện dự án 3 tỷ đồng cho đền thờ “Chó con”

Quanh chuyện dự án 3 tỷ đồng cho đền thờ “Chó con”
Sự việc bắt đầu vào năm 1988, cùng với việc vị Chủ tịch quận Ba Đình bị mất chức do đã nhanh nhảu đập tan ngôi đền trên “ốc đảo” duy nhất trên hồ Trúc Bạch để dựng lên một Restaurant Cổ Ngư ngõ hầu “bắt nhịp” với kinh tế thị trường...
Quanh chuyện dự án 3 tỷ đồng cho đền thờ “Chó con” ảnh 1

Đảo nhỏ trên hồ Trúc Bạch - nơi diễn ra tranh cãi về việc đền Cẩu Nhi. Ảnh: Từ Khôi

Người sửa sai cũng cấp tập dựng ngay một ngôi đền gọi là đền thờ Thần Cẩu Nhi ngằn ngặt theo tích chép trong Tây Hồ chí, một khảo cứu khuyết danh được đoán định ra đời từ nửa cuối thế kỷ XIX trở đi.

Theo tích này, Thần Cẩu Nhi liên quan mật thiết tới việc Lý Công Uẩn dời đô. Nay hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, còn gì hay hơn là “hoành tráng hóa” “đền Cẩu Nhi” với cây cầu nối bờ để bách tính có đường nhớ tới “linh xưa” cũng như tạo một “điểm nhấn” cho cảnh quan Trúc Bạch.

Vậy là trên cơ sở nhất trí bằng văn bản của Hội khoa học lịch sử Việt Nam, dự án phục dựng đền Cẩu Nhi (nghe nói khoảng 3 tỷ đồng) đã được một số nhà chức trách của TP Hà Nội và một số cơ quan tán thành.

Cũng có một thực tế nữa là “ốc đảo” um tùm ấy dễ biến hồ thành Dâm Đàm hiện đại (theo cách hiểu thô thiển nhất) bởi chưng đang là nơi trú ngụ có thể nói lý tưởng của các tệ nạn xã hội ngay cả khi mặt trời chưa đóng mắt.

Không nghi ngờ gì nữa, dự án quả là “nhất cử lưỡng tiện”. Tuy nhiên, mọi ý muốn tốt đẹp có nguy cơ trở thành vô nghĩa vì cái gốc của dự án là “đền Cẩu Nhi” thì lại chưa bao giờ “sống” trên đời.

Từ hoang tưởng "đền Cẩu Nhi"

Như đã nói, chứng cứ duy nhất về “đền Cẩu Nhi” là do Tây Hồ chí cung cấp. Sách này viết: “Miếu thần Cẩu Nhi. Thần Cẩu Nhi là con Thần Cẩu Mẫu triều Lý, nằm trên gò Châu (Châu chử), góc Tây Bắc của hồ. Xét: Nơi đây đến thời Trần gọi là bến Thần Cẩu, thời Hậu Lê thuộc Trúc Bạch, cho nên gọi là hồ Trúc Bạch.

Họ Lý khi chưa dời đô đến Thăng Long, tại chùa Thiên Tâm dựng trên núi Ba Tiều thuộc châu Bắc Giang (tên châu thời họ Khúc), có một con chó trắng mang thai bỗng lội qua sông lên ở trên núi Khán (Khán Sơn), ít lâu sau sinh hạ một con, mọi người đều lấy làm lạ.

Đến năm Nhâm Tuất dời đô, hai con chó đều hóa. Sự việc được tâu lên nhà vua, vua nói đó là Thần Cẩu, xuống chiếu cho dựng ngay trên núi một ngôi miếu thờ mẹ, lại ở trên hồ dựng một ngôi miếu thờ con, đến nay vẫn còn thuộc địa phận thôn Trúc An. Miếu Thần Cẩu Mẫu về sau là chùa Khán Sơn”.

Khảo cứu trên bộc lộ nhiều điểm rất vô lý, thậm chí nực cười khi đối chứng với các sử liệu khác và thực tế.

1. Đại Việt sử ký toàn thư (bản in 1697 - viết tắt Toàn thư) ghi: “Trước đây ở viện Cam Tuyền, chùa ứng Thiên Tâm, có con chó đẻ con sắc trắng có đốm đen thành ra hai chữ Thiên Tử. Kẻ thức giả nói đó là điềm người sinh vào năm Tuất làm Thiên tử, quả ứng nghiệm” (Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất - 974).

Như vậy, cả hai sách cùng nhắc đến chùa Thiên Tâm nhưng rõ ràng thuyết của Toàn thư là hợp lý vì gắn được việc chó con sinh tại chùa với điềm Thiên tử được sinh vào năm Tuất, còn chùa Thiên Tâm trong Tây Hồ chí chỉ là điểm xuất phát của chó mẹ, một con chó quá ư bình thường để người ta phải theo sát nó, nên địa danh này không có vai trò gì cả.

Đó là chưa nói Toàn thư là chính sử, có tên những người biên soạn và ra đời trước ít nhất 2 thế kỷ nên có độ đáng tin cậy hơn hẳn Tây Hồ chí, một tác phẩm khuyết danh.

2. Tưởng đâu chó đẻ ra giống khác hay 100 con chẳng hạn thì là chuyện lạ đáng chép chứ chó đẻ ra chó mà “mọi người đều lấy làm lạ” thì quả thật là lạ! Chi tiết này là chi tiết đắt nhất chứng tỏ tác giả Tây Hồ chí là người ngẩn ngơ, bạ cái gì cũng chép mà không có sự phân tích xem có hợp lý hay không.

Cũng vì không có gì dị thường và chắc chắn không phải là duy nhất trong cõi Đại Việt nên việc mẹ con cẩu hóa vào năm Lý Công Uẩn dời đô không thể nào gây thành sự kiện.

3. Nói Lý Công Uẩn cho lập miếu Thần Cẩu Mẫu trên núi Khán, sau là chùa Khán Sơn là hoàn toàn bất hợp lý vì vua mới chân ướt chân ráo đến Thăng Long thì lấy đâu ra Khán Sơn (núi hoặc gò đất đắp cao làm nơi xem luyện quân).

Thực ra, cái tên Khán Sơn chỉ gắn với Lê Thánh Tông vì đây là nơi ông xem luyện quân cũng như chùa được dựng lên cốt là để thờ ông sau khi ông mất vào năm 1497(sau này, vào khoảng 1672 - 1673, Lê Gia Tông đắp tượng ông để thờ trong chùa).

Tóm lại núi Khán không hề tồn tại vào thời điểm Lý Công Uẩn dời đô. Mặt khác, Tây Hồ chí viết miếu Thần Cẩu Nhi được lập trên “gò Châu” nhưng theo các sử liệu khác, không địa điểm nào ở hồ Trúc Bạch có tên gò Châu mà chỉ có gò Long Châu, nơi sau này xây chùa Long Châu, tức chùa Châu Long hiện nay.

Ngay việc không có lời giải thích nào tại sao Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi lại được thờ ở hai nơi khác nhau, nhất lại là ở hai địa thế ngược nhau (một nơi trên núi, một nơi giữa hồ) trong khi hai con cùng hóa cũng đã đủ làm câu chuyện trở nên đáng ngờ.

4. Hồ Trúc Bạch đến thời Hồng Đức vẫn chưa có (các bản đồ vẽ thời này đều không thể hiện) thì không thể có chuyện trước đó đã có đền Cẩu Nhi. Chỉ đến năm 1620, theo Long thành dật sử,  khi dân hai làng Yên Phụ và Yên Quang hợp với dân làng Trúc Yên đắp m ột cái đập gọi là Cố Ngự (Giữ vững) thẳng từ đầu làng Yên Phụ ở phía Bắc đến đầu làng Yên Quang ở phía Nam để chắn giữ lấy cá làm lợi chung cho cả ba làng thì mới có hồ Trúc Bạch.

5. Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng sáng tác vào 1801 có thể được coi là “bách khoa toàn thư” bằng văn vần về hồ Tây lại không hề đả động đến đền Cẩu Nhi. Các cổ văn khác về Tây Hồ cũng không có dòng nào nhắc đến đền này cả.

6. Bản đồ Hà Nội lập năm 1873 ghi nhận có gò nhưng không ghi chú có đền miếu gì trên gò cả. Phải đến bức ảnh do Viện Viễn Đông Bác Cổ chụp năm 1912 mới thấy có một ngôi đền nhưng lại được chú thích là đền Cá.

Viện này không chỉ là một trung tâm nghiên cứu chuyên ngành lịch sử và khảo cổ mà còn lớn nhất Đông Dương nên không thể có chuyện cẩu thả đến mức dịch tên đền từ Cẩu Nhi thành Cá được.

7. Thần “Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi” không có sắc phong thần trong khi việc phong thần được Nhà nước quân chủ, nhất là triều Nguyễn, thực hiện rất qui củ, thậm chí khá là khoa học để tránh bỏ sót đối tượng được kê khai từ cơ sở.

Năm Gia Long thứ 2 (1803) đã có lệnh: “Chiểu cho Bắc thành và các trấn thanh Nghệ những đền thờ thần ở các huyện, xã, trừ bỏ ra các dâm từ (nơi thờ cúng nhảm nhí) và không có công đức, sự tích, còn thì hiện có công đức sự tích là bao nhiêu vị, đều cho làm sổ đợi tâu chờ phong”.

Qui trình phong thần như sau: 1/Triều đình có lệnh bằng chỉ dụ; 2/Từng làng, xã kê khai; 3/Huyện, tỉnh, hoặc phủ tập hợp danh sách rồi trình lên Bộ Lễ; 4/ Bộ Lễ lập danh sách trình lên Nhà vua để ban sắc phong. Khâu lập danh sách phong thần được làm rất kỹ. Và cũng kỹ như thế là khâu rà soát các thần không thích hợp với tiêu chí đương thời để loại bỏ.

Năm Thiệu Trị thứ 4(1844), chỉ dụ thậm chí còn viết: “sự tích nghi hoặc thì đều phải trích ra tâu xin bỏ đi” song song với việc xử lý truyền thuyết về thần một cách “biện chứng”. Ví dụ, đối với Thần Thái Dương thì phải thông qua việc các thủy thủ xứ Mặt trời mọc báng bổ, xúc phạm thần thì mới công nhận là thần.

Như vậy, truyền thuyết Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi liên quan đến việc Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long hoặc là không có, hoặc bị coi là nhảm nhí (không hợp lý) nên hai đối tượng này không được Nhà Nguyễn phong thần.

Thậm chí đến năm 1938, khi chính quyền thực dân ở Bắc Kỳ sức cho các làng, xã phải làm tờ khai về các thần, thánh của địa phương mình để nộp cho Viện Viễn Đông Bác Cổ thì Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi cũng không mảy may xuất hiện trong các thần tích ấy.

Ở đời cái gì “quá” thường là hệ quả của sự cố tình, đằng sau là cả một nỗi niềm giãi bày không dễ. Vậy những phi lý nhường kia của Tây Hồ chí bất giác làm người viết bài này cảm thấy bối rối với người xưa, e mới chỉ biết đọc sách bằng “mắt thịt”! Biết đâu, ẩn sau những dòng tượng hình kia là một con người đau đáu yêu nước gần như đồng đại với ta, “chép sử” chỉ là cái “cớ” để khơi dậy lòng tự tôn dân tộc mà chống Pháp; “Thần Cẩu Nhi” chỉ để nhắc nhở kỷ niệm 900 năm Thăng Long! Biết đâu, thâm nho hơn, gọi đền đó là thờ “chó” cũng là cách “chủi” quân cướp nước và lũ bán nước! Nếu quả mục đích thực của Tây Hồ chí là vậy thì “khuyết danh” âu cũng là cách tránh sự đàn áp của chính quyền thực dân.

Đến hiện thực Đền Cá

Tất cả những điều phi lý trên chứng tỏ “đền Cẩu Nhi” chỉ tồn tại trong Tây Hồ chí và trong sự hoang tưởng do “méo mó nghề nghiệp”. Ngược lại, đã từng tồn tại trong hồ Trúc Bạch một ngôi đền thờ Cá, không chỉ do bức ảnh chụp năm 1912 của Viện Viễn Đông Bác Cổ, mà chính là hoàn toàn khớp với tục thờ Thủy Thần của người Việt nói chung, của cư dân Thăng Long -Hà Nội nói riêng.

Nhân đây, cần khẳng định rằng không thể đồng nhất thờ Cá hay Thủy Thần (gắn với ngư nghiệp là chính) với thờ Mẫu Thoải (cầu nước, gắn với nông nghiệp lúa nước là chính).

Thực vậy, Kinh đô Thăng Long nằm giữa dòng chảy của nhiều con sông nên trị thủy khi mùa mưa tới là nhiệm vụ hàng đầu của Triều đình và thần dân. Sắc lệnh đắp đê đầu tiên lại chính là dưới thời Lý, được ban hành vào năm Quí Mùi (1103). Do là vấn đề sống còn nên không chỉ có dân thường mà cả các sĩ tử Quốc Tử Giám cũng tham gia đắp đê.

Tuy nhiên, nhất là dưới thời Lý - Trần - Lê, đê liên tục vỡ, làm chết rất nhiều người, thậm chí đe dọa làm sập Kinh thành. Vì vậy, song song với việc đắp và gia cố đê, Triều đình cũng như dân phải cầu viện tới thần linh, trước hết là Thủy Thần.

Theo các thư tịch cổ, trong và quanh Thăng Long - Hà Nội có tới hàng trăm ngôi đền thờ Thủy Thần với tính chất và phong cách đa dạng: đền Voi Phục thờ Linh Lang (giao long, con của rồng xuất xứ từ Dâm Đàm (Hồ Tây) đã có công đánh thắng giặc Tống, đền Bái Ân thờ vợ chồng ông Võ Phục hy sinh làm đồ tế Thủy Thần...

Bên cạnh việc thờ cúng để tránh tai ương, còn có việc thờ Thủy Thần để công việc làm ăn, trước hết là ngư nghiệp, được phát đạt. Tôn vinh và thờ Cá chính là nằm trong mạch tín ngưỡng này. Không loại trừ đảo Cá Vàng (Vàng ở đây mang nghĩa được tôn làm Thần, như Kim Ngưu là Trâu Thần) trước khi được nhiều đời vua chọn làm hành cung (Cung Thúy Hoa đời Lý, Điện Hàm Nguyên đời Trần) và chùa Trấn Quốc được dời đến vào năm 1615 khi đất bên kia đê bị sạt lở, đã là nơi thờ Thủy Thần của dân chài lưới vùng hồ Tây.

Đền thờ Cá ở hồ Trúc Bạch chính là sự tiếp nối tinh thần của đảo Cá Vàng, nhất là  trong bối cảnh hồ Trúc Bạch được kiến tạo để chặn giữ và nuôi cá. Vì là công trình của dân lao động nên thoạt kỳ thủy có thể chỉ là một ngôi đền nhỏ, đơn sơ, thậm chí không có tên nhưng ai ai cũng hiểu và nôm na gọi là đền Cá.

Cái tên Thủy Trung Tiên Tự (đền thờ Tiên trong nước - hán học hóa tên nôm “Cá”) rõ ràng đậm chất bác học nên chỉ có thể xuất hiện khi đền được tầng lớp khá giả “nâng cấp” để mở rộng phạm vi thờ cúng mà ở đây là Tam Phủ Thánh Mẫu. Cứ đó mà suy thì rất có thể Thủy Trung Tiên Từ do một người Hoa tên Trần Gia Mỹ chủ trì thực hiện vào năm 1900, cùng lúc với công cuộc trùng tu chùa Châu Long mà ông là người khởi xướng và cầm trịch.

Vậy thì hãy trả “đền thờ Thần Cẩu Nhi” về đúng chỗ của nó, trong Tây Hồ chí! Còn cái chuyện nhập nhằng “sắc sắc không không” để tạo nên những “hiện thực mới” thì đời nào mà chả có, cha đẻ của các Thần Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi hẳn đã có thể ngậm cười vì chẳng phải hậu duệ của người mới rồi đã làm thiên hạ phải lác mắt bởi một thiên “Trò chuyện với nhà thơ Tố Hữu tại 76 Phan Đình Phùng” đấy ư!

Còn các vị hữu quan, chớ vội thất vọng mà hãy thấy “trong rủi có may”, phục hồi di tích đền Cá gắn với tục thờ Thủy Thần chính là tôn vinh công cuộc chống thiên tai - địch họa và nghề cá hồ Tây (gồm cả hồ Trúc Bạch) vốn đã trở thành những di sản văn hóa phi vật thể của ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Chẳng đáng lắm ru?

Hy vọng những thiển kiến trên đây, ngoài việc phần nào giải đáp thắc mắc có hay không có di tích để phục hồi cũng như loại trừ thẳng thừng quan điểm vô chính phủ cứ “xây” để “chống” vì còn sờ sờ kia tấm gương tày liếp đập đền, xây restaurant để biện minh cho cái gọi là “chống mê tín dị đoan”, cũng là cách thực thi dân chủ “dân biết, dân bàn” làm cơ sở cho những quyết sách chính xác và hợp lòng dân.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.