Sáng ngày 22/7, tại thành phố Đông Hà, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Quảng Trị phối hợp với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cùng Công ty Cổ phần Truyền thông Đối ngoại Việt Nam (VRI) tổ chức Hội thảo quốc tế “Bài học về hòa bình nhìn từ thực tiễn Việt Nam.”
Hội thảo đã thu hút gần 200 đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ những bài học, thông điệp về giá trị và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, đồng thời nêu ra những sáng kiến giúp xây dựng nền hòa bình chung cho toàn thế giới.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam chia sẻ hòa bình đã trở thành lẽ sống, nét đẹp văn hóa tiêu biểu, phẩm chất gắn kết nhân cách và đoàn kết dân tộc của mỗi người dân Việt. Trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập của dân tộc, Quảng Trị gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh, mất mát. Đây cũng chính là vùng đất mang khát vọng hòa bình bất diệt của dân tộc, từng làm lay động mạnh mẽ, sâu sắc lương tri của nhân loại yêu chuộng hòa bình.
Với tham luận “Ngoại giao cây tre Việt Nam đóng góp cho hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới,” ông Amiad Horowitz, thành viên Ban Quốc tế Đảng Cộng sản Hoa Kỳ, thành viên Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Hoa Kỳ đánh giá: thành công của ngoại giao cây tre đã giúp Việt Nam nâng cao uy tín trên lĩnh vực ngoại giao và quan trọng hơn đó chính là hòa bình, ổn định, mang lại các cơ hội kinh tế.
Quảng Trị từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng sau chiến tranh, hòa bình được lập lại, khi đất nước dần ổn định, tạo cơ hội giao thương quốc tế nhờ sự thành công của ngoại giao cây tre đã giúp tỉnh vươn lên phát triển và thịnh vượng. Ngoại giao cây tre giúp Việt Nam xây dựng đất nước, kinh tế thịnh vượng, hội nhập quốc tế và góp phần duy trì hòa bình ổn định quốc tế.
Trao đổi với phóng viên sau Hội thảo, ông Hà Hùng Cường - Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Qũy Hòa bình và phát triển Việt Nam nhấn mạnh: Hoà bình và an ninh thế giới ngày nay đang đứng trước những thách thức truyền thống và phi truyền thống hết sức nghiêm trọng. Cạnh tranh, đối đầu giữa các nước lớn diễn biến ngày càng quyết liệt. Chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo không ngừng gia tăng. Chạy đua vũ trang, kể cả răn đe hạt nhân, diễn ra ngày càng gay gắt. Các điểm nóng như xung đột Nga – Ucraina, Israel – Hamas, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, Biển Đông…diễn biến ngày càng phức tạp. Trong khi đó, khả năng ngăn chặn chiến tranh, vãn hồi hoà bình của các thiết chế toàn cầu và cộng đồng quốc tế đang bị suy giảm; vai trò của pháp luật quốc tế, pháp quyền trong quan hệ quốc tế đang bị lu mờ.
Hội thảo gồm 2 phiên. Chuyên đề 1 là "Bài học về hòa bình từ các cuộc kháng chiến trong thế kỷ XX của Việt Nam."
Chủ đề chuyên đề 2 bàn về "Vì một khu vực, Thế giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững."
Hội thảo đã thành công truyền đi thông điệp về các giá trị của hòa bình từ góc nhìn của một dân tộc đã chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh. Đồng thời, hội thảo có các sáng kiến, giải pháp cho một thế giới hòa bình; bạn bè từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, chia sẻ những quan điểm về hòa bình đúc rút từ lịch sử và thực tiễn Việt Nam; nhiều ý kiến góp phần chung tay kiến tạo thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.