Quảng Ngãi muốn 'khai tử' dự án công viên địa chất toàn cầu: Gần đến đích thì dừng?

0:00 / 0:00
0:00
Ðảo Bé Lý Sơn với trầm tích núi lửa triệu năm. Ảnh: Bùi Thanh Trung
Ðảo Bé Lý Sơn với trầm tích núi lửa triệu năm. Ảnh: Bùi Thanh Trung
TP - Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh việc phải thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, hướng tới việc được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, sau khi tiêu tốn 20 tỷ đồng, đã gần đến đích, nay Quảng Ngãi đang tính gác lại “cuộc chơi”.

PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản, người đã đồng hành với nhiều dự án Công viên địa chất (CVĐC) trên cả nước, trong đó có CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh chia sẻ góc nhìn, giúp Quảng Ngãi cân nhắc việc “tiếp tục hay dừng”.

Ông Văn cho biết, tỉnh Quảng Ngãi đã trình hồ sơ lên UNESCO vào cuối tháng 11/2019 và hồ sơ đã vượt qua vòng thẩm định ban đầu, do các chuyên gia của Hiệp hội Địa chất Quốc tế (IUGS) thực hiện, đánh giá về ý nghĩa quốc tế của các đặc điểm địa chất và giá trị di sản địa chất của CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh.

Theo ông Văn, đây là một tin rất vui, vì khẳng định rằng CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh đúng là có giá trị quốc tế - một trong những điều kiện tiên quyết để được công nhận là CVĐC Toàn cầu. Tuy nhiên kết quả đó còn cần được thẩm định tại thực địa, cùng với việc thẩm định một số tiêu chí nữa, chủ yếu liên quan đến công tác quản lý, vận hành, hội nhập, quảng bá hình ảnh. UNESCO đang chuẩn bị để thông báo kế hoạch thẩm định đó, dự kiến, nếu không vì đại dịch COVID-19, sẽ diễn ra vào khoảng tháng 7/2020.

Liên quan đến việc nhiều tờ báo đăng tin lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi muốn dừng dự án và đắn đo về diện tích CVĐC quá lớn, chiếm hết diện tích, ông Văn cho biết, CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh hiện tại có tới 2.600km2 là vùng biển nội thủy, chỉ có khoảng 2.000km2 đất liền. So với các CVĐC khác của nước ta hiện nay, như Cao nguyên đá Đồng Văn diện tích 2.360km2, Non Nước Cao Bằng3.390km2…, thì CVĐC ở Quảng Ngãi không quá lớn.

Trong khi đó yêu cầu của UNESCO là một CVĐC cần có diện tích đủ lớn để có thể đóng góp đáng kể vào nền kinh tế-xã hội của địa phương. Vấn đề này được ông Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới CVĐC Toàn cầu, Chủ tịch Hội đồng CVĐC Toàn cầu của UNESCO, nhắc lại trong cuộc họp đầu năm 2020 với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Nhắc đến viễn cảnh tương lai, nếu CVĐC này chính thức được UNESCO công nhận, PGS.TS Trần Tân Văn hy vọng sẽ thúc đẩy tiềm năng du lịch đối với khu vực. Ông Văn lấy ví dụ, sau khi được UNESCO công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn, số lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, với tỉnh Hà Giang đã tăng từ khoảng 300.000 người/năm vào năm 2010 lên đến khoảng 2 triệu người/năm vào năm 2019.

Ông Văn cũng chia sẻ về việc địa phương láng giềng là tỉnh Quảng Nam có hai Di sản Văn hóa Thế giới là Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An và một Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù lao Chàm - Hạ lưu sông Thu Bồn, nhưng hiện nay địa phương này đang nhắm đến CVĐC nữa, vậy Quảng Ngãi tại sao lại muốn dừng?.

MỚI - NÓNG
Bão số 3 đánh chìm tàu du lịch ở Quảng Ninh
Bão số 3 đánh chìm tàu du lịch ở Quảng Ninh
TPO - Chiều 7/9, sau khi đổ bộ đất liền, bão số 3 (tên quốc tế là bão YAGI) gây mưa to và gió giật mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước. Quảng Ninh chịu tác động trực tiếp khi bão số 3 đổ bộ, nhiều thiệt hại đã được ghi nhận.