Quan trọng nhất là đổi mới tư duy

Quan trọng nhất là đổi mới tư duy
Là Trưởng khoa Hành chính công của ĐH Sydney (Úc) và hiện làm giáo sư tại ĐH City (Hong Kong), Chuyên gia cải cách Martin Painter bắt đầu nghiên cứu về tiến trình đổi mới ở Việt Nam từ gần 10 năm qua.

Ngày 15/12 tại Hà Nội, giáo sư Painter trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.

Theo ông, sau gần 20 năm đổi mới, lĩnh vực nào ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nhất?

Không chỉ tôi mà Chính phủ Việt Nam cũng nhận thấy cải cách hành chính (CCHC) là lĩnh vực đặt ra thách thức lớn và bức xúc nhất trong đoạn đường tiếp theo của hành trình đổi mới.

Có lẽ vì thế mà các bạn đề ra chương trình tổng thể đến năm 2010, hệ thống hành chính công sẽ cơ bản được cải cách để đáp ứng yêu cầu trong việc quản lý nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vậy ông đánh giá thế nào về chương trình tổng thể CCHC của Việt Nam?

Chương trình rất tham vọng, táo bạo, nhưng tôi vẫn tin tưởng vì nó khá toàn diện với 4 lĩnh vực cơ bản và hàng loạt chương trình nhỏ nên có thể giải quyết được nhiều vấn đề cùng lúc (đồng bộ) ở tất cả các cấp hành chính. Mặt khác, chương trình còn đề ra lịch trình cụ thể, chặt chẽ, được sự trợ giúp tích cực...

Tuy nhiên, các bạn cần phải linh hoạt trong quá trình thực hiện nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro. Phải điều chỉnh ngay nếu thấy không phù hợp với toàn bộ tiến trình đổi mới.

Những bước CCHC cụ thể, trước mắt của Việt Nam là gì?

Thứ nhất, phải tiến hành ngay việc phân quyền trong thủ tục hành chính; đồng thời phải giám sát, thanh tra, theo dõi sát sao. Thứ hai, Trung ương cần tăng cường năng lực theo dõi, phát hiện, nếu không mọi nỗ lực sẽ khó thu được kết quả như mong muốn.

Đâu là nguyên nhân chính khiến CCHC Việt Nam còn hạn chế?

Có nhiều nguyên nhân như việc các bạn bắt đầu từ một nền tảng thấp, kế thừa hệ thống quản lý tập trung và quan liêu bao cấp, nhưng không thể đổ lỗi hết cho điều này.

Tôi đã nghiên cứu, so sánh một số nền kinh tế có điều kiện tương đồng với Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, và rút ra một kết luận rằng, điều quan trọng nhất là đổi mới tư duy. Kinh nghiệm cho thấy, đổi mới tư duy là cả một quá trình mất nhiều thời gian và khó khăn hơn nhiều so với việc ra các văn bản luật, dưới luật để giảm bớt thủ tục hành chính.

Tư duy ở đây không chỉ là tư duy quản lý của cơ quan hành chính nhà nước mà người dân cũng cần thay đổi.

CCHC có vai trò thế nào với công cuộc đổi mới ở Việt Nam?

Có được sự đổi mới về tư duy hành chính từ quan chức, công chức tới người dân sẽ giúp tháo gỡ được mọi thứ. CCHC thành công nghĩa là thay đổi được toàn bộ cách vận hành của bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương để đáp ứng những bước phát triển trên các lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế. Công cuộc đổi mới của Việt Nam trong giai đoạn tới muốn thành công hơn nữa cần phải có tư duy mới.

Xin cám ơn giáo sư!

MỚI - NÓNG