Trung Quốc:

Quan tham cấu kết 'dị nhân' chiếm đoạt 3 nghìn tỷ

Tào Vĩnh Chính (trái) và Chu Vĩnh Khang.
Tào Vĩnh Chính (trái) và Chu Vĩnh Khang.
Nhờ sự giúp đỡ của Bộ trưởng Công an Trung Quốc một thời Chu Vĩnh Khang, “dị nhân” Tào Vĩnh Chính đã lừa đảo, đút túi hàng nghìn tỷ.

Báo chí Trung Quốc hôm 4/1 loan tin, Tào Vĩnh Chính, người nắm quyền kiểm soát chuỗi công ty Niên Đại đồng thời là bạn thân của cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, đã bị bắt giam và đang bị điều tra xử lý.

Kết quả điều tra sơ bộ, được sự giúp đỡ của Chu Vĩnh Khang, các công ty của Chính đã giành được nhiều hạng mục quan trọng tại các mỏ dầu Cát Lâm và Trường Khánh rồi “nhượng” lại cho người khác, qua đó kiếm lợi phi pháp tới 870 triệu Nhân dân tệ (3.045 tỷ VND).

Theo báo chí Trung Quốc, Chính đã lần lượt lập ra Công ty Năng lượng Niên Đại Hongkong và Công ty Năng lượng Niên Đại Tân Cương để hợp tác thăm dò, khai thác các giếng dầu ở hai mỏ lớn này. Tuy nhiên cả hai công ty đều không hề có người lẫn kỹ thuật, thậm chí chẳng có kinh nghiệm điều hành các công trình về khai thác dầu khí.

Thế nhưng, do có ý kiến chỉ đạo của Chu Vĩnh Khang nên đầu năm 2005, Tưởng Khiết Mẫn – Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia vẫn phê chuẩn kế hoạch “hợp tác khu vực” với Niên Đại. Tất nhiên, để đạt được mục đích, Chính đã làm quen rồi kết thân với Mẫn.

Tính đến năm 2013, khi các quan chức liên quan lần lượt ngã ngựa, công ty Niên Đại Hongkong đã kiếm được 240 triệu Nhân dân tệ, công ty Niên Đại Tân Cương được 630 triệu Nhân dân tệ. Tổng cộng, nhóm Tào Vĩnh Chính đã “tay không bắt giặc”, bỏ túi 870 triệu Nhân dân tệ.

“Quốc sư” có công năng đặc dị

Tào Vĩnh Chính được cho là có mối thâm tình với nhiều quan chức cấp cao trong ngành chính pháp và dầu khí Trung Quốc. Trong nhóm quyền lực mà Chính dày công gây dựng và duy trì, y được tôn xưng là “Quốc sư”.

Mối quan hệ “tình nghĩa” giữa Chu Vĩnh Khang và Tào Vĩnh Chính cũng không biết bắt đầu từ khi nào. Chỉ biết rằng, Chu Vĩnh Khang một thời luôn tuyên bố Tào Vĩnh Chính là bạn thân, còn Chính thì khoe khoang với các đối tác rằng Chu Vĩnh Khang từng vỗ vai ông ta giới thiệu: "Đây là người tôi tin tưởng nhất".

Sau phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang hôm 11/6/2015, nhiều người mới lần đầu tiên biết đến cái tên Tào Vĩnh Chính khi Tòa án thành phố Tế Nam kết tội Chu Vĩnh Khang phạm tội “tiết lộ bí mật”: Khang đã “vi phạm các quy định, tự ý giao 5 văn kiện tuyệt mật, 1 văn kiện cơ mật cho người không có liên quan là “quốc sư” Tào Vĩnh Chính”.

Tào Vĩnh Chính sinh năm 1959 tại Thanh Đảo, Sơn Đông, sau đó theo cha chuyển về binh đoàn xây dựng Tân Cương. Năm 1982, Chính tốt nghiệp khoa Chính trị Đại học Tân Cương, sau đó từng làm giảng viên trường đảng, biên tập viên nhà xuất bản, người ghi chép sử kí. Năm 1980, ông ta bất ngờ nổi danh là người có “công năng đặc dị”, đứng đầu trong “Tân Cương tam đại tiên” và trở thành Phó giám đốc Sở Nghiên cứu y học siêu việt Tân Cương.

Cuối thập niên 1990, cơn sốt khí công hạ nhiệt, Chính chuyển sang phát triển các mối quan hệ với các nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị, kinh doanh, giải trí, đồng thời kết thân với nhiều quan chức cao cấp trong giới chính pháp, dầu khí, và dần xây dựng nên mạng lưới lợi ích dính líu với Chu Vĩnh Khang, rồi được tôn là “Quốc sư”.

Năm 1998, Chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đài Truyền hình vệ tinh Miền Tây Trung Quốc, rồi Chủ tịch Tập đoàn Công ty Trung Thực. Năm 2003, Chính cùng Vương Quốc Cự, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình mỏ dầu Thắng Lợi Đại Khánh thành lập Công ty Đầu tư Niên Đại Tứ Xuyên, Chính bỏ vốn 67%, Cự 33% chuyên kinh doanh địa ốc và sản xuất chương trình giải trí truyền hình.

Năm 2005, Chính lại cùng Vương Quốc Cự thành lập và làm Chủ tịch Tập đoàn Niên Đại Hongkong, Niên Đại Tân Cương để kiếm tiền từ dầu khí. Tháng 7/2013, cơ quan chức năng đã khám xét rồi niêm phong trụ sở Tập đoàn Niên Đại ở Bắc Kinh, phong tỏa tài khoản ngân hàng. Tào Vĩnh Chính bỏ trốn nhưng sau bị bắt.

Quan tham cấu kết 'dị nhân' chiếm đoạt 3 nghìn tỷ ảnh 1

Từ trái qua: Tưởng Khiết Mẫn, Chu Vĩnh Khang, Tào Vĩnh Chính.

Giai thoại một thời trên báo chí

Thời trẻ, Chính được gọi là một trong "tam đại tiên Tân Cương" với khả năng cảm nhận quá khứ, tương lai của người khác thông qua một bức ảnh.

Bài báo “Kỳ nhân Tào Vĩnh Chính” được đăng tải rộng rãi trên báo chí đã mô tả Chính như sau: “Là thi nhân, nhà văn, bác sĩ, chủ xí nghiệp, cũng là nhà xã hội học; ông có tới 36 nghề khác nhau hoặc nông hoặc sâu… Ông là bác sĩ tự học không cần thầy. Nhiều người mắc chứng bệnh nan y các bác sĩ bó tay khi đưa đến ông đều khỏi bệnh. Ông cũng tinh thông phong thủy, nhiều nhà kinh doanh địa ốc trong, ngoài nước đã tìm đến ông để thụ giáo lập tức phát tài nhờ bảo địa”.

Trong dân gian lưu truyền chuyện Tào Vĩnh Chính có năng lực cảm nhận và dự đoán đặc biệt từ khi mới học lớp 3, “trước một bức ảnh chân dung, một tấm danh thiếp, hoặc thứ gì đó một người thường sử dụng; chỉ sau vài giây đến vài chục giây Tào Vĩnh Chính có thể nhận biết được quá khứ, hiện tại và tương lai của người đó”. Thời kỳ Chính sống ở Bắc Kinh, số người tìm đến nhờ khám bệnh, xem bói và xin tư vấn tâm lý luôn đông ngịt. “Lúc cao điểm, người tới khám bệnh xếp hàng từ tầng 1 đến tận tầng 7”.

Các báo cũng kể lại các chuyện kiểu giai thoại về khả năng đặc biệt của Chính như: khi học trung học, khi thày giáo chốt xong nội dung ôn tập, thày vừa xuống lớp, Chính đã nói cho các bạn biết nội dung đề thi sắp tới. Hay chuyện chị gái Chính sau khi kết hôn đi khắp nơi tìm thầy chữa bệnh vô sinh, bỗng đến một ngày Chính cảm nhận mách bảo, người chị làm theo quả nhiên có thai...

Năm 1992, Chính trở nên nổi tiếng nhờ dự đoán thành công kết quả thất bại của Trung Quốc trong cuộc chạy đua đăng cai Olympic năm 2000 về tay Australia, khi khuyên một tỷ phú địa ốc từ bỏ kế hoạch đầu tư lớn vào một khu đất vàng ở Bắc Kinh đón đầu Đại hội Olympic. Chính khẳng định “Bắc Kinh sẽ thất bại trong cuộc chạy đua”. Vị tỷ phú này sau đó gọi Chính là “ân nhân cứu mạng” và giới chuyên gia nước này phải ngả mũ bái phục.

Khu nhà số 60 ngõ Tiền Mã Xưởng ở thủ đô Bắc Kinh trước đây chính là đại bản doanh bí mật của “đế chế chính trị - thương mại” của Tào Vĩnh Chính. Chính bỏ ra hơn 100 triệu tệ mua vào năm 2005 để làm trụ sở công ty Niên Đại Bắc Kinh.

Khu nhà nằm ở một khu vực kín đáo đằng sau Hậu Hải, một khu vực sầm uất ở Bắc Kinh. Bề ngoài nhìn vào, nó gồm 2 tòa nhà 4 tầng kiểu cổ mái dốc, nhưng bên trong được Chính trang trí lộng lẫy, xa hoa bằng lan can, các bức tượng và đèn chùm kiểu Âu. Ngay sân trước là một cây Hòe trăm tuổi mà Tào Vĩnh Chính gọi là “cây tiền bạc”, bởi ông ta tin rằng cây đem lại của cải cho mình.

Tòa nhà số 2 ở phía trước là dãy phòng khách có nhiều nữ nhân viên phục vụ trẻ đẹp, được dùng là nơi tiếp đón các quan chức đến để “cầu y xin thuốc”. Tào Vĩnh Chính sống ở tầng 2 ngôi nhà này. Tòa nhà số 2 là nơi làm việc của Tập đoàn Niên Đại Bắc Kinh.

Số liệu của ngành Công thương cho thấy, công ty đầu tư Niên Đại được thành lập tháng 3/2003, vốn ban đầu 10 triệu Nhân dân tệ. Mặc dù đại diện pháp nhân là người họ Chu, nhưng người khống chế cổ phần là Tào Vĩnh Bình, em trai Chính. Công ty Năng lượng Niên Đại có số vốn 50 triệu Nhân dân tệ, thành lập tháng 4/2006, Chính là đại diện pháp nhân. Văn phòng của 2 công ty này và Công ty Văn hóa phim ảnh Hỏa Hồng Niên Đại đều đặt ở đây.

Không bột vẫn gột nên hồ

Ban đầu, khi Tào Vĩnh Chính và Vương Cự thành lập mấy công ty, chủ yếu để kinh doanh giải trí và địa ốc, tới năm 2005 mới nhắm vào lĩnh vực dầu khí. Ngày 27/7 năm đó, Công ty Năng lượng Niên Đại Hong kong được lập ra, Chính nắm 80% số cổ phần nhờ sự giúp đỡ của Chu Vĩnh Khang để “chia phần” chiếc bánh khai thác dầu khí ở hai giếng ở huyện Càn An, Cát Lâm. Hai giếng này ở khu vực 77 km2, trữ lượng 16,23 triệu tấn dầu.

Đầu năm 2005, Chu Vĩnh Khang đã giới thiệu để Chính kết thân với Tưởng Khiết Mẫn, yêu cầu Mẫn “quan tâm và ủng hộ” Chính. Mẫn bày cho Chính lấy danh nghĩa công ty vốn nước ngoài hợp tác khai thác với Công ty Mỏ dầu Cát Lâm, rồi giao cho Diêm Tồn Chương, Giám đốc đối ngoại của Công ty Mỏ dầu Cát Lâm tìm, bố trí 2 giếng “ngon lành” nhất cho Chính.

Tháng 2/2006, không cần qua đấu thầu, mặc dù biết Niên Đại Hongkong thiếu vốn, không có khả năng về kỹ thuật, kinh nghiệm cũng như năng lực khai thác, Tưởng Khiết Mẫn vẫn chỉ đạo Diêm Tồn Chương sửa chữa hồ sơ để công ty của Chính đủ điều kiện ký hợp đồng hợp tác khai khác, giúp y thu được lợi nhuận khổng lồ dù chỉ nắm trong tay một công ty “rỗng ruột”.

Các số liệu tài vụ cho thấy, đến tháng 6/2013, Niên Đại Hongkong đầu tư vào 2 giếng này hơn 100 triệu Nhân dân tệ, nhưng đã thu về hơn 358 triệu. Trừ các khoản chi phí khác, Tào Vĩnh Chính và đồng bọn đã kiếm được hơn 240 triệu Nhân dân tệ, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Từ tháng 2/2007 đến tháng 6/2013, công ty Niên Đại Tân Cương, cũng được Tào lập ra để “hợp tác khai thác” dự án mỏ dầu Trường Khánh với thủ đoạn tương tự, kiếm được 630 triệu Nhân dân tệ.

Tháng 6/2013, chiến dịch chống tham nhũng trong ngành Dầu khi bùng nổ. Tháng 9 cùng năm, Tưởng Khiết Mẫn, khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát - quản lý tài sản công hữu Quốc vụ viện cũng bị “ngã ngựa”. Những cấp dưới từng được ông ta chỉ đạo phối hợp, ăn chia cùng Tào Vĩnh Chính như Diêm Tồn Chương… lần lượt bị xử lý.

Tháng 7/2013, khu nhà số 60 ngõ Tiền Mã Xưởng bị niêm phong để điều tra. Các khoản tiền Tào Vĩnh Chính thu lợi phi pháp được xác định tạm thời là khoảng 870 triệu Nhân dân tệ đã bị thu hồi. Vụ án liên quan đến ông ta đang được xử lý theo trình tự pháp luật.

Tưởng Khiết Mẫn đã bị tòa án thành phố Hán Giang, tỉnh Hồ Bắc tuyên phạt 16 năm tù về tội nhận hối lộ, có khối tài sản lớn nguồn gốc bất minh và lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.