> 5 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc
> Cuối đời giông bão của 'thủ lĩnh' Truông Bồn
Nút thắt Hạ Lội
Sau khi đế quốc Mỹ chuyển hướng đánh bom từ miền Bắc vào Khu 4, cùng với điểm nóng Ngã ba Đồng Lộc, làng Hạ Lội, xã Tiến Lộc, Can Lộc nằm sát cầu Già trở thành điểm nóng thứ hai hứng chịu mưa bom bão đạn của địch. Địch xác định đây là hai tử huyệt để chặt đứt huyết mạch giao thông của quân và dân ta trên đường chi viện cho miền Nam nên đánh phá dữ dội.
Sau khi Quốc lộ 1A (QL 1A) đoạn từ xã Tiến Lộc đến cầu Già bị san phẳng, hàng trăm đoàn xe chi viện phải len lỏi vào các xã lân cận để ngụy trang.
Nhớ lại thời điểm căng thẳng trong thời khắc đó, ông Trần Đình Trọng, 78 tuổi, một nhân chứng lịch sử kể: “Đường bị chặt đứt, xe chi viện ngụy trang vào các làng, địch ngày một ngông cuồng bắn phá ác liệt. Để khai thông tuyến đường huyết mạch quan trọng này, trưởng ty giao thông Hà Tĩnh lúc bấy giờ, đồng chí Trần Quang Đạt đề xuất cấp trên phải mở đường tránh (QL 1A) đoạn từ Cổ Ngực đến cầu Già”.
“Cố Trí ơi, tấm lòng của cố mãi mãi thế hệ sau ghi nhận” ông Trọng bật khóc |
Và dĩ nhiên làng Hạ Lội được chọn là nơi đắc địa để thông tuyến đường xế này, làm phà vượt sông, thông tuyến an toàn. Đây là một quyết định gây bất ngờ cho địch vì làng Hạ Lội trước nay là vùng đầm lầy với tre nứa bao quanh, rất khó để mở đường. Chiều 13/8/1968, lệnh của cấp trên chỉ đạo phải mở bằng được con đường qua làng Hạ Lội.
Ông Trần Đình Trọng lúc đó được giao phải tập trung người dân để bàn phương án di dời ngay trong đêm. Ông dùng loa kêu gọi, hơn 30 người dân tập trung về nhà ông Lê Bá Kiên họp khẩn. “Cứ nghĩ khi đưa ra lời kêu gọi người dân di dời để phá nhà sẽ gây ra nhiều cuộc tranh luận. Nào ngờ, ông Kiên chủ nhà khi nghe xong chỉ đạo cấp trên giơ hai tay xin tặng 3 căn nhà lấy gỗ làm đường”, nhân chứng Trần Đình Trọng nhớ lại. Nghe xong lời ông Kiên, mọi người cùng vỗ tay và hô lớn “xe chưa qua nhà không tiếc” rồi ai về nhà nấy để dỡ nhà. “Tôi đang chuẩn bị nấu ăn nghe mọi người chạy rầm rập ngoài đường kêu gọi người già, trẻ em về. Chưa kịp định thần thấy bố mẹ gói ghém xoong, nồi rồi giục các con kéo ra đồng sơ tán”, bác Nguyễn Thị Thu nhớ lại.
Ông Trần Đình Trọng mô tả lại sự kiện đêm 13/8/1968. |
Sau một đêm, 130 ngôi nhà được dỡ xuống lấy gỗ để lát 1,2km đường. Có sự trùng hợp ngẫu nhiên là trong một đêm, nhân dân Hạ Lội đã dời dọn 130 ngôi nhà thân yêu của mình để cho 130 chiếc xe ô tô chở xăng, lương thực, đạn dược qua vùng này, đảm bảo bí mật, an toàn. Mỗi ngôi nhà ở đây, cũng như bao miền quê yên bình khác từng che chở biết bao thế hệ, bao nhiêu số phận con người từng sẻ chia vui buồn, thế sự… Nhưng trước thời khắc lịch sử đêm 13/8/1968 ấy, người dân Hạ Lội không hề đắn đo, toan tính bởi phía trước, có thể còn trường kỳ, là thống nhất, hòa bình cho dân tộc, cho Tổ quốc. Những tên gọi thân quen của các chủ nhà tiên phong trong sự kiện đêm 13/8/1968 như ông Dục, ông Biếm, ông Kiểu, ông Nhuận, ông Thông… luôn được nhắc đến, đi theo lịch sử ngôi làng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, làng Hạ Lội được Nhà nước tặng danh hiệu làng K130 (130 ngôi nhà cho 130 chuyến xe qua trong đêm đó chăng ?).
Có một bí mật mà người dân Hạ Lội không ngờ tới là vì sao cấp trên lại chọn Hạ Lội làm “nút thắt” mở đường cho xe ra tiền tuyến? Đó chính là những bụi tre! Những rặng tre bình dị ngày thường được vít ngọn lại với nhau tạo nên tấm lưới ngụy trang cho xe ra tiền tuyến. “Nhờ những bụi tre rậm rạp đó vít lại với nhau nên máy bay địch không phát hiện ra con đường bí mật”, ông Phạm Tiến Ân, một nhân chứng lịch sử nhớ lại.
Lấy quan tài làm đường
Những gốc tre già che chở cho hàng trăm chiếc xe ra tiền tuyến. |
Trong câu chuyện với chúng tôi, nhân chứng lịch sử Trần Đình Trọng kể vanh vách từng chi tiết của sự kiện đêm 13/8/1968 của người dân Hạ Lội. Nhưng, khi đến đoạn tập trung người dân bàn kế hoạch dỡ nhà làm đường, ông Trọng bỗng nghẹn lại, bật khóc. “Dân mình tốt lắm các chú ạ. Không có những người như cố Trí thì chưa chắc đã có làng Hạ Lội ngày nay”, ông Trọng nói. Tại cuộc họp dân chiều ngày 13/8/1968, sau phát biểu của ông Kiên, một cụ bà gầy gò men theo thành ghế giơ tay xin phát biểu. “Còn đất nước, còn nhà cửa, tui không có chi ngoài cỗ hậu sự . Tui xin được đóng góp để làm đường cho xe qua, có phải nằm dưới đất với manh chiếu mỏng để đất nước thắng lợi cũng mát lòng”, ông Trọng nhớ lại. Đó là cụ bà Đinh Thị Trí, lúc ấy đã 70 tuổi, chồng mất, sống độc thân. Chiều đó, mặc cho mọi người khuyên can cụ Trí giữ lại cỗ hậu sự nhưng cụ một mực hiến tặng. “Nhờ những tấm gỗ được lấy ra từ cỗ hậu sự của cụ Trí, nó mới làm cầu nối vững chắc đưa những chiếc xe tải đạn từ đường bùn lầy đắp vội trong đêm lên phà một cách nhẹ nhàng”, ông Trọng kể.
Trên con đường độc đạo năm xưa, nay là những ngôi nhà ngói cấp bốn san sát ẩn sau những bụi tre già cổ. Chiến tranh đã lùi xa qua gần bốn chục năm, cư dân làng K130 các thế hệ luôn tự hào về những hy sinh của cha ông để góp phần cho đất nước thống nhất. Tấm gương cố Trí, ông Kiên, ông Nhuận… luôn là niềm tự hào cho quê hương. Mảnh vườn của cố Trí năm xưa nay được vợ chồng người cháu họ dựng lên căn nhà nhỏ. Trong căn nhà đơn sơ, nóng hầm hập, chiếc bàn thờ treo lơ lửng ở góc nhà có di ảnh của cụ bà Đinh Thị Trí. Trên bàn thờ, chỉ có tấm ảnh và bát hương chi chít mạng nhện giăng ngang cho thấy rất lâu rồi bàn thờ quạnh vắng khói hương. “Cố Trí ơi, tấm lòng của cố mãi mãi thế hệ sau ghi nhận”, ông Trọng bật khóc khi trèo trên chiếc ghế nhựa rướn người cắm vội nén nhang.
Gạt những giọt nước mắt, ông Trọng rầu rầu kể: “Từ lâu rồi, chúng tôi, những người còn sống kêu gọi các cấp chính quyền địa phương quyên góp xây cho cố Trí ngôi mộ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy cấp nào hồi âm”. Trong câu chuyện với chúng tôi, Bí thư làng K130 luôn tự hào về truyền thống cách mạng nhưng ông vẫn không giấu được nỗi buồn hiện tại. Những người con, người cháu hôm nay của làng K130 luôn mong muốn có một tấm bia tưởng niệm hoặc nhà truyền thống để các thế hệ tiếp nối cảm thấu về sự tự nguyện cống hiến, hy sinh vô tư, trong sáng cả tính mạng và tài sản của người dân làng Hạ Lội trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Tuy nhiên những mong muốn chính đáng này cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Năm 2006, làng K130 được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng di tích lịch sử quốc gia. Giờ làng vẫn vậy, khiêm nhường nép mình sau lũy tre làng, như thể bao sự hy sinh dâng hiến luôn kiệm lời…
Trao đổi với PV Tiền phong, ông Võ Thúc Đồng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc cho biết, sự cống hiến cao cả của người dân làng K130 được lịch sử ghi nhận. Nhưng cho đến nay, sự cống hiến đó chưa được đền đáp xứng đáng. “Người dân hy sinh cả cỗ hậu sự để cho những chuyến xe qua nhưng đến nay vẫn không được hưởng bất kỳ một chế độ chính sách gì”, ông Đồng nói. Do đặc thù riêng của làng K130 nên lãnh đạo huyện Can Lộc nhiều lần đề xuất lên Bộ LĐTB&XH có phương án riêng để hỗ trợ những gia đình có công với cách mạng. Tuy nhiên đề xuất của huyện Can Lộc không được Bộ LĐTB&XH chấp thuận do nằm ngoài các quy định hiện hành. |
Minh Thùy
Còn nữa